Lâm Đồng là địa bàn đầu nguồn các sông, suối lớn khu vực miền Đông Nam bộ. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa XI) về "Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", tỉnh ý thức cao công tác này không chỉ có tác động đến các vùng trong tỉnh mà còn liên quan, tác động lớn đến các tỉnh, thành trong khu vực.
Lâm Đồng là địa bàn đầu nguồn các sông, suối lớn khu vực miền Đông Nam bộ. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, tỉnh ý thức cao công tác này không chỉ có tác động đến các vùng trong tỉnh mà còn liên quan, tác động lớn đến các tỉnh, thành trong khu vực.
Nhận thức điều đó, những năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở Lâm Đồng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW. Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân có nhiều chuyển biến trong nhận thức. Tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) được hoàn thiện. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có cố gắng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần quan trọng trong quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời nâng cao đời sống nhân dân. Trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, che bóng được quan tâm thực hiện; duy trì độ che phủ rừng trong toàn tỉnh 60,4%. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh về quy mô, năng suất, chất lượng; hiệu quả sử dụng đất ngày càng cao. Đặc biệt, tỉnh thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế lớn, đáp ứng các tiêu chí sử dụng đất bền vững. Tỉnh chú trọng thực hiện quy hoạch, phê duyệt, triển khai các công trình thủy điện. Trong đó có 10 công trình thủy điện lớn, hằng năm sản xuất trên 6 tỷ KWh điện, phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải carbon. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường triển khai khá đồng bộ. Công tác tuyên truyền bảo vệ cảnh quan môi trường được quan tâm, từ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân dần chuyển biến.
Tuy nhiên, công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh vẫn đặt ra một số vấn đề trọng tâm cần sớm giải quyết. Đó là: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Nghị quyết số 24-NQ/TW chưa sâu rộng. Ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên của một số cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân chưa đồng đều. Một bộ phận chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, giá trị tài nguyên; mới chỉ quan tâm việc sử dụng tài nguyên cho phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách mà chưa chú ý đến bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Trong lãnh, chỉ đạo, điều hành có tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, chưa thật chú trọng tới yêu cầu bảo vệ môi trường bền vững. Công tác phòng, chống thiên tai chưa chú ý tập trung lãnh đạo chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Mặt khác, điều cần được khắc phục là quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chưa xây dựng, ban hành quy định thích ứng về phòng, chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai. Kiểm tra, thanh tra, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật chưa thường xuyên, xử lý vi phạm thiếu cương quyết. Phân công, phân cấp, chỉ đạo phối hợp trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước vẫn bất cập, phân tán, chồng chéo… Nhiều nơi ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ở một số khu dân cư tập trung, khu đô thị thành phố và một số thị trấn, huyện lỵ, khu công nghiệp, ao hồ, sông suối.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, các cấp ủy và chính quyền trong tỉnh cần đề ra những giải pháp phù hợp; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học… Từ đó, Lâm Đồng sẽ hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường!
BÌNH NGUYÊN