Kéo dài và duy trì giai đoạn "cơ cấu dân số vàng"

04:10, 23/10/2013

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta đã đạt những thành tựu đáng tự hào.

Sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta đã đạt những thành tựu đáng tự hào.

Điều này thể hiện: Số trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh) giảm mạnh từ 6,4 con năm 1960 xuống 2,28 con năm 2002 và xuống 2,05 con năm 2012. Từ năm 2006 đến nay, đạt mức sinh thay thế và duy trì mức thay thế (dưới 2,1 con/ một phụ nữ).

Việc duy trì mức sinh hợp lý sẽ giúp nước ta kéo dài giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” trong nhiều năm tới - là một lợi thế của nước ta, cung cấp nguồn lao động dồi dào cho sự phát triển KT-XH của đất nước.

Mặc dù điều kiện kinh tế của đất nước có khó khăn, nhưng tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010, bình quân mỗi năm người Việt Nam sống lâu thêm 0,6 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi giảm từ 21% năm 2003 xuống còn 15,8% năm 2012. Tỷ số tử vong bà mẹ giảm từ 85/100.000 trẻ em sinh ra sống năm 2003 xuống còn 68/100.000 trẻ em sinh ra sống năm 2010.

Để đạt được những thành tựu này, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước còn có sự giúp đỡ quý báu của cả nước, các tổ chức quốc tế.

Tuy đạt thành tựu khả quan như trên, công tác dân số nước ta vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Tổng tỷ suất sinh đã đạt 2,05% con/ một phụ nữ nhưng còn rất khác nhau giữa các vùng, miền, địa phương. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao, tỷ số giới tính khi sinh năm 2012 ở mức 112,3 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên mức 115/100 vào năm 2020. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ vong bà mẹ còn rất cao ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi chưa phát triển, mới chỉ ở một số thành phố lớn, nơi có điều kiện KT-XH.

Trước thực trạng thực hiện Pháp lệnh dân số như trên, về nhiệm vụ công tác dân số nước ta trong thời gian tới Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu: Bộ Y tế, khi xây dựng dự án Luật dân số cũng như chính sách dân số, phải có tầm nhìn xa, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm được đúc rút sau hơn 50 năm thực hiện chương trình dân số Việt Nam và sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số; tiếp thu bài học kinh nghiệm của quốc tế, kể cả bài học thành công và không thành công như ở Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Xây dựng hệ thống chính sách dân số hướng tới gia đình có hai con; duy trì và kéo dài giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” đến năm 2061 - kỷ niệm 100 năm ngày Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định đầu tiên về chính sách dân số; có chính sách hỗ trợ gia đình có con tuổi mẫu giáo; tăng cường xây dựng khu vui chơi, giải trí cho nhân dân, trong đó chú trọng trẻ em và người cao tuổi. Việc duy trì lực lượng lao động ở một quy mô phù hợp là điều kiện rất cần thiết, là lợi thế của quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong khi xây dựng chính sách dân số, cần lưu ý và dự báo xu hướng phát triển KT-XH, về những tiến bộ của khoa học - công nghệ, về môi trường cũng như về văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của người dân liên quan tới việc sinh con.

BÌNH NGUYÊN