Đà Lạt được mệnh danh là thành phố học đường, với hệ thống các loại hình trường lớp được hình thành từ rất sớm ngay trong những ngày đầu khi thành phố được kiến thiết, xây dựng là điều kiện thuận lợi để phát triển một nền giáo dục cho mọi người...
Đà Lạt được mệnh danh là thành phố học đường, với hệ thống các loại hình trường lớp được hình thành từ rất sớm ngay trong những ngày đầu khi thành phố được kiến thiết, xây dựng là điều kiện thuận lợi để phát triển một nền giáo dục cho mọi người. Truyền thống hiếu học của Đà Lạt tiếp tục phát huy mạnh mẽ khi tổ chức khuyến học ra đời, nhất là khi toàn thành phố tập trung thực hiện đề án “Hội Khuyến học (HKH) Việt Nam góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở” do Trung ương HKH Việt Nam triển khai.
Trao học bổng khuyến học là việc làm thiết thực nhằm động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. (Ảnh: Hội Khuyến học Đà Lạt trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó nhân dịp đầu năm học mới) |
Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh - Chủ tịch HKH thành phố Đà Lạt cho biết: HKH từ thành phố đến cơ sở đã bám sát những nội dung hoạt động trong nhà trường, hoạt động ngoài nhà trường, qua đó, đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ nên ngày càng phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đến nay, 16/16 phường, xã trong thành phố đều có HKH hoạt động hiệu quả; 245 thôn, tổ dân phố đã xây dựng được chi hội khuyến học, 100% trường học đều có chi hội khuyến học. Các chi hội khuyến học tại khu dân cư, ban khuyến học hội đồng hương và các tổ chức tôn giáo là cầu nối giữa các tổ chức khuyến học với các gia đình, nên việc phát triển hội viên khuyến học của thành phố nhanh và bền vững, đạt chỉ tiêu mỗi gia đình có ít nhất một hội viên khuyến học. Sau 12 năm hoạt động, toàn thành phố đã có gần 30.000 hội viên khuyến học.
Nội dung hoạt động của các tổ chức khuyến học đã tập trung vào việc khuyến khích và hỗ trợ phong trào toàn dân học tập, góp phần vào việc xây dựng gia đình bền vững, khu dân cư văn hóa, thúc đẩy mọi gia đình luôn chăm lo đến việc học tập của con cháu. Từ đó, nêu cao tinh thần học tập của mọi thành viên trong gia đình, động viên cộng đồng, cá nhân, các tổ chức xã hội cùng góp sức tham gia công tác giáo dục, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập. Những giải pháp tích cực đã được HKH thành phố triển khai hiệu quả như cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), việc bình xét GĐHH hàng năm gắn với việc bình xét GĐVH đã được người dân hưởng ứng và phấn đấu. Số lượng gia đình được công nhận là GĐHH hàng năm đều tăng, năm 2004 là năm đầu tiên tổ chức bình xét, toàn thành phố chỉ có 997 gia đình được công nhận GĐHH, đến năm 2012, con số này đã tăng lên 26.488 GĐHH. Bên cạnh đó, việc xây dựng trung tâm học tập cộng đồng tại phường, xã là một trong những giải pháp xây dựng xã hội học tập của thành phố, nên đến cuối năm 2010, 100% phường, xã trong thành phố đều có trung tâm học tập cộng đồng.
Ngoài ra, phong trào khuyến học cũng đã thu hút các tổ chức tôn giáo tham gia qua những việc làm cụ thể như: Thường xuyên nhắc nhở gia đình chăm lo đến việc học tập của con cháu, tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện, tặng quà, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập… Điển hình như Ban khuyến học Giáo xứ Thánh Mẫu hàng năm đều tổ chức phát thưởng cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới, giáo xứ An Bình tổ chức ôn tập văn hóa, bồi dưỡng năng khiếu miễn phí cho học sinh vào dịp hè, Ban hộ tự chùa Thiên Vương Cổ Sát xây dựng lớp mẫu giáo Sen Vàng đã thu hút gần 100 học sinh ra lớp, chùa Linh Sơn, chùa Linh Thứu, giáo xứ Tạo Tác, nhà thờ Chánh Tòa… hàng năm đều đóng góp vào quỹ khuyến học của địa phương. Từ đó, quỹ khuyến học huy động ngày càng nhiều, với vài chục triệu năm 2004 lên đến 1,8 tỷ đồng năm 2012, trong đó, các chi hội khuyến học tại phường, xã huy động trên 1,5 tỷ đồng, tập trung vào việc trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, tặng giải thưởng khuyến học cho CBQL, GV có nhiều đóng góp vào phong trào giáo dục - đào tạo của địa phương. “Kết quả rõ nét nhất trong hoạt động khuyến học, khuyến tài của thành phố chính là sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức khuyến học với mặt trận, các ban ngành, đoàn thể và toàn dân cùng hướng đến mục tiêu chăm lo xây dựng gia đình bền vững và phát triển, xây dựng xã hội học tập, để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục tại địa phương”, nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh chia sẻ.
Hà Linh