Ngày 16/10, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành và địa phương liên quan đã đi kiểm tra an toàn một số công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/10, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành và địa phương liên quan đã đi kiểm tra an toàn một số công trình hồ đập trên địa bàn tỉnh.
|
Kiểm tra công trình hồ đập Cam Ly Thượng huyện Lâm Hà |
Đoàn đã kiểm tra công trình hồ đập Cam Ly Thượng và hồ chứa nước Đạ Tô Tông huyện Lâm Hà. Đập Cam Ly Thượng được xây dựng năm 1998, chứa 1 triệu m3 nước, đáp ứng nhu cầu tưới cho 450ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân. Hiện tại tràn xả lũ bị xói lở hạ lưu cuối bể tiêu năng, tường cuối bị nghiêng 35cm, thân tràn xuất hiện một số vết nứt cần được nâng cấp, sửa chữa. Còn hồ chứa nước Đạ Tô Tông được xây dựng từ năm 1991, có dung tích trữ nước gần 2,4 triệu m3, cấp nước tưới cho hơn 400ha đất sản xuất, đến nay, đập đất đầu mối đã xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, thân đập xuất hiện nhiều dòng thấm nhỏ gây ẩm ướt, mềm mái hạ lưu và chân đập, vai trái tràn (theo chiều dòng chảy) xuất hiện mạch thấm lớn tiếp giáp giữa đập và tràn chảy theo vết vỡ thân tường tràn rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời sẽ mất an toàn cho công trình.
Cùng ngày, đoàn đã đi kiểm tra hồ chứa nước Bà Râu, huyện Đức Trọng được xây dựng từ năm 1986 đến nay. Một số hạng mục công trình hồ chứa Bà Râu đã bị xuống cấp trầm trọng như: mái thượng lưu bị sạt lở mạnh, nhiều vị trí bị hở hàm ếch, mái hạ lưu không đều hệ số mái trung bình từ (m =1,5-:-1,75). Hệ thống kênh tưới được xây bằng gạch đến nay đã xuống cấp, không dẫn nước tưới được, cống lấy nước dưới đập bị hư hỏng trầm trọng, không có van điều tiết. Tràn xả lũ trước đây là tràn đất được bố trí tại vai phải đập, qua thời gian sử dụng tràn xả lũ này đã bị bồi lấp hoàn toàn nên không còn tác dụng.
Sau khi kiểm tra, xem xét trực tiếp trên các công trình, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, nhắc nhở các địa phương, đơn vị liên quan cần tăng cường kiểm tra, quản lý bảo vệ các hồ đập trên địa bàn. Đối với những hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng thì cần sớm lập tờ trình xin duy tu, nâng cấp sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn và phục vụ nước tưới và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.
*Chiều 16/10/2013, đồng chí Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng với lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và các phòng chuyên môn của huyện Bảo Lâm đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 4 hồ thuỷ lợi trên địa bàn huyện, gồm: Đắk Long Thượng, Đắk Glé, Tân Rai và Lộc Thắng.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, trên địa bàn huyện hiện có 21 công trình thuỷ lợi lớn và vừa. Các công trình này đã đưa vào sử dụng khá lâu. Tuy vậy, do địa phương luôn bổ sung kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ nên phần lớn các hồ vẫn được sử dụng tốt, đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng của nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, 3 công trình thuỷ lợi lớn không đảm bảo an toàn, gồm: Hồ Đắk Long Thượng bị sụt lún và nứt đất, hồ Tân Rai, Lộc Thắng xuống cấp. Cụ thể, hồ Lộc Thắng được xây dựng năm 1999, gồm 2 hạng mục chính là đập chính và đập phụ. Hồ có dung tích hơn 5 triệu m3. Đập chính đang bị thấm nước ở chân đập. Một số hạng mục khác như, nhà quản lý bị phá hỏng hoàn toàn, mái hạ lưu và thượng lưu bị sạt lở, ngưỡng tràn thượng lưu bị hư hỏng nặng… Điều này đã gây nguy cơ mất ổn định cho hồ chứa, nhất là vào mùa mưa bão kéo dài. Còn hồ Tân Rai được xây năm 1977 với dung tích 1,63 triệu m3. Hiện, mặt đập đã bị hư hỏng. Mái thượng và hạ lưu có nhiều chỗ bị sạt lở. Cống điều tiết dưới thân đập bị rò rỉ nhiều ở phía hạ lưu (gần van đóng mở) nên không đảm bảo an toàn hồ chứa. Hồ Đắk Long Thượng (gồm cả hồ Đắk Glé) bị sụt lún đất tại 3 vị trí ở đường vành đai hồ từ năm 2012 và vẫn đang tiếp diễn.
Hiện tại, UBND huyện Bảo Lâm đã lập hồ sơ xin kinh phí từ UBND tỉnh để sửa chữa 2 hồ Tân Rai và Lộc Thắng với tổng dự toán hơn 28 tỷ đồng. Đồng thời, huyện Bảo Lâm cũng đã đề nghị đơn vị chủ quản hồ Đắk Long Thượng là Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh Lâm Đồng sớm tìm ra nguyên nhân sụt lún đất và đề ra biện pháp khắc phục. Sau khi kiểm tra thực tế, đồng chí Phạm S đã chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm cùng với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh cần nhanh chóng khắc phục những sự cố và hư hỏng tại các hồ thuỷ lợi, đảm bảo an toàn cho các hồ trong mùa mưa bão.
ĐÔNG ANH - DUY DANH