Nghị lực và bao dung để hạnh phúc

03:10, 30/10/2013

Chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn Đoàn Kết, xã Tân Thanh (Lâm Hà) là một phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xây dựng cuộc sống gia đình. Chị vừa được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi.

Chị Nguyễn Thị Thắng ở thôn Đoàn Kết, xã Tân Thanh (Lâm Hà) là một phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xây dựng cuộc sống gia đình. Chị vừa được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi.

Chị Nguyễn Thị Thắng (thôn Đoàn Kết - Tân Thanh - Lâm Hà) là điển hình phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi
Chị Nguyễn Thị Thắng (thôn Đoàn Kết - Tân Thanh - Lâm Hà) là điển hình phụ nữ khuyết tật làm kinh tế giỏi

Trong buổi giao lưu với cán bộ hội viên phụ nữ, câu chuyện của chị Thắng làm nhiều người xúc động và thán phục. Chị Thắng (sinh năm 1968) không được may mắn từ khi sinh ra đã bị khoèo chân, do tật bẩm sinh chị đi lại khó khăn. Quê chị ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), năm 1998 một mình chị vào Tân Thanh - Lâm Hà để làm thuê trang trải cuộc sống qua ngày. Qua những ngày tháng làm thuê, chị Thắng gặp anh Mạc Khải Minh cũng đi làm thuê cuốc mướn như chị. Đồng cảnh ngộ, dễ cảm thông và chị Thắng phải vượt qua mặc cảm tật nguyền, nghèo khó để mở lòng yêu thương chàng trai có quá khứ nghiện ngập ma túy.

Anh Mạc Khải Minh sinh ra ở Tp.HCM, do tuổi trẻ bồng bột, sống buông thả, nên sa vào con đường nghiện ma túy đã được đưa vào Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 đóng tại xã Tân Thanh (Lâm Hà) để cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công và được ra lao động tự do, anh Minh đã gặp chị Thắng và quyết định lập gia đình sinh sống tại Tân Thanh. Mối lương duyên ấy, họ đã xây dựng nên gia đình bắt đầu từ số không và tràn đầy lạc quan tin tưởng nhìn về phía trước. Nhưng không dễ dàng gì, chị Thắng chia sẻ: “Từ năm 1999 chúng tôi lập gia đình, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, anh Minh lại gặp bạn bè rủ rê tái nghiện nhiều lần. Tôi làm thuê và đi nhặt ve chai phế liệu để có thu nhập duy trì cuộc sống gia đình và giúp chồng cai nghiện. Tôi luôn hy vọng chồng mình thay đổi, sẽ cai nghiện thành công để xây dựng cuộc sống mới”.

Hai vợ chồng chị Thắng sinh được 2 con (con trai đang học lớp 8, con gái học lớp 3). Một phụ nữ khuyết tật vừa có con nhỏ, vừa có chồng tái nghiện, hàng ngày đi làm thuê và đi khắp nơi thu mua phế liệu trên đôi chân dị tật, giàu nghị lực và tấm lòng rộng mở bao dung, chị Thắng đã động viên chồng quyết tâm cai nghiện và không tái nghiện nữa. Quá trình cai nghiện cho chồng kéo dài 5 năm đã giúp anh cai nghiện hẳn. Từ năm 2004 đến nay, anh Minh đã cai nghiện hẳn, sức khỏe phục hồi, quyết không quay lại con đường ma túy, mà chí thú làm ăn, sống có trách nhiệm với vợ con và tạo điều kiện cho chị Thắng tham gia công tác xã hội.

Để vượt lên chính mình, chị Thắng không bao giờ quên ân nhân đã tạo điều kiện cho gia đình chị lúc khó khăn. Đó là ông Phan Quốc Lượng, người hàng xóm tốt bụng đã bán cho vợ chồng chị Thắng 4 sào đất có 400 cây cà phê mới trồng trị giá 12 triệu đồng cho mua nợ qua nhiều năm. Với ý chí lao động vươn lên bằng chính sức lực của mình, tiết kiệm dành dụm và nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, vợ chồng chị Thắng đã trả hết món nợ mua vườn sau 4 năm. Từ đó, chị Thắng cố gắng tìm tòi học hỏi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật về chăm sóc cà phê, trồng dâu nuôi tằm, cứ thế thu nhập hàng năm từ cà phê và tằm tăng dần, cuộc sống gia đình chị đỡ khó khăn hơn. Tuy vậy, ước mơ về một ngôi nhà che mưa nắng vẫn là niềm khát khao cháy bỏng đối với gia đình chị Thắng.

Rồi ngôi nhà mơ ước cũng đã trở thành hiện thực vào năm 2009, khi gia đình chị Thắng được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện vay vốn và hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167. Nhận sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, của người hàng xóm tốt bụng và bà con xung quanh, vợ chồng chị Thắng càng có thêm động lực cố gắng vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhờ sự cần cù, chịu khó, chi tiêu tiết kiệm, gia đình chị Thắng mua thêm 1,5 sào đất để trồng thêm dâu nuôi tằm. Hàng năm gia đình chị Thắng thu nhập từ cà phê 90 triệu đồng. Ngoài ra, hai vợ chồng chị còn làm thêm nghề phụ như: nuôi tằm, phụ hồ, tranh thủ đi mua ve chai, nhặt phế liệu để tăng thêm thu nhập gia đình.

Năm 2010, chị Thắng đến với tổ chức Hội phụ nữ của thôn Đoàn Kết, ban đầu chị tình nguyện giúp chị Chi hội trưởng đi tuyên truyền vận động chị em tham gia hoạt động Hội và các hoạt động của thôn. Chị Thắng vận động bà con quyên góp tiền để tu sửa 1km đường đổ đá cấp phối, vận động 20 chị em đóng góp quỹ 10 triệu đồng giúp cho 3 chị có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn xoay vòng. Bằng tấm lòng nhiệt tình, nhân ái, chị Thắng đã được chị em tín nhiệm làm Chi hội phó chi hội phụ nữ thôn Đoàn Kết. Chi hội đã xây dựng được 3 tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, cùng giúp vốn phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm động viên xây dựng gia đình hạnh phúc.

AN NHIÊN