Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là một tổn thất lớn lao không chỉ đối với quê hương Lệ Thủy - Quảng Bình, với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả thế giới. Là người con của quê hương Lệ Thủy, tôi nhớ không nguôi những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng trong những lần Người về thăm quê.
Một đời nặng lòng vì dân, vì nước, vì quê hương
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là một tổn thất lớn lao không chỉ đối với quê hương Lệ Thủy - Quảng Bình, với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả thế giới. Là người con của quê hương Lệ Thủy, tôi nhớ không nguôi những kỷ niệm sâu sắc về Đại tướng trong những lần Người về thăm quê. Những kỷ niệm đó theo tôi suốt chặng đường dài trong cuộc đời, công tác và luôn in dấu một lời nhắc nhủ: Đó là một con người suốt đời nặng lòng với dân, với nước, với quê hương.
Đại tướng về thăm quê hương nhiều lần và lần nào cũng nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở An Xá, Lộc Thủy phải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cố gắng lao động sản xuất và học tập để xứng đáng với truyền thống yêu nước của dòng họ, của quê hương. Đi thăm các vùng quê trong huyện Lệ Thủy, đến đâu Đại tướng cũng nhắc nhở cán bộ chính quyền phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, biết yêu thương dân, biết khơi dậy sức mạnh của sự đoàn kết để chung tay, góp sức xây dựng Lệ Thủy ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với câu truyền tụng từ ngàn đời “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (Lệ Thủy và Quảng Ninh - Quảng Bình). Năm 1998, về thăm quê hương, dù tuổi già sức yếu, nhưng Đại tướng vẫn ra thăm cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” của xã Phong Thủy, nói chuyện với bà con nông dân đang thu hoạch lúa, Đại tướng ân cần căn dặn: Phải luôn nỗ lực lao động sản xuất để giữ cho được danh hiệu “Gió Đại Phong” như những năm tháng trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tự hào là quê hương đầu sóng ngọn gió, cán bộ, nhân dân trong huyện cần đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương của cha ông, để không ngừng vun đắp cho sự lớn mạnh của huyện nhà. Ra thăm dòng sông Kiến Giang - dòng sông đã từng đi vào giấc ngủ với câu hò khoan êm đềm, sâu lắng của bao trẻ thơ, bao thế hệ, trong đó có chính cả Người, Đại tướng căn dặn lãnh đạo huyện phải có biện pháp để giữ cho dòng sông mãi mãi xanh trong, đời đời bền vững.
Và cao hơn thế, Người còn góp sức để giữ gìn dòng sông Kiến Giang mãi mãi trong lành, thơ mộng, khi quyết định vận động Chủ tịch nước Cu Ba Phi Đen Ca Trô ủng hộ kinh phí để xây kè dọc hai bên bờ sông Kiến Giang, với ý nguyện: Chống xói mòn, sạt lở và bảo vệ môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp của dòng sông và có chỗ để nhân dân đứng hai bên bờ cổ vũ cho lễ hội bơi thuyền truyền thống của quê hương vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm. Người nói, Bơi thuyền trên sông Kiến Giang là ngày hội lớn của nhân dân huyện nhà, lãnh đạo huyện phải tổ chức làm sao cho sôi nổi, trang trọng, xứng tầm với một hoạt động được lưu truyền qua bao thế hệ và thể hiện nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc quê hương của một vùng quê sông nước. Thực hiện ý nguyện của Người, huyện Lệ Thủy đã xây dựng gần hoàn thiện kè hai bên bờ của dòng sông Kiến Giang và hàng năm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đều tổ chức giải bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang rất sôi động, hào hùng.
Những năm gần đây, do tuổi già sức yếu, Đại tướng không về thăm quê được, nhưng mỗi bận có lãnh đạo huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình ra thăm, Người đều nhắc nhở phải giữ cho dòng sông Kiến Giang xanh trong mãi mãi, và dù khó khăn đến đâu cũng phải tổ chức bơi thuyền truyền thống hàng năm để giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của quê nhà.
Sau bao nhiêu năm cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nay trái tim lớn đã ngừng đập trong sự tiếc thương vô hạn của cả nước và nhân loại. Ý nguyện của Đại tướng được trở về an nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình. Quê hương Quảng Bình đón nhận người con vĩ đại về yên nghỉ trong lòng để muôn đời sau nhắc nhở cháu con rằng: Nơi đây có một Con Người cả đời luôn nặng lòng với dân, với nước, với quê hương!
Hoàng Kiến Giang