37 năm dạy học, gần 30 năm làm công tác quản lý, niềm vui của thầy giáo Bùi Khắc Tú là được nhìn thấy học sinh mình trưởng thành, trở thành những công dân tốt trong xã hội.
37 năm dạy học, gần 30 năm làm công tác quản lý, niềm vui của thầy giáo Bùi Khắc Tú là được nhìn thấy học sinh mình trưởng thành, trở thành những công dân tốt trong xã hội.
Thầy Bùi Khắc Tú |
Năm 1976, chàng trai 21 tuổi Bùi Khắc Tú vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế vào Lâm Đồng nhận công tác. Anh được phân công về Đức Trọng dạy học và rồi gắn bó với vùng đất Lâm Đồng từ đó đến nay.
Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn sau ngày giải phóng, với rất nhiều việc phải làm. Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, thầy Tú tham gia công tác xóa mù chữ, dạy bổ túc văn hóa tại Đinh Văn, Lâm Hà. Lúc đó, vùng đất này còn thuộc Đức Trọng, an ninh rất bất ổn. Thầy giáo trẻ ngày ngày phải đi từng nhà vận động, đêm đêm lên lớp, dạy học bằng đèn dầu.
Sau gần một năm tham gia xóa mù chữ, khi Trường cấp 1-2 Đa Nung tại Đạ Đờn thành lập, thầy Tú được điều về làm giáo viên. Trường chỉ có dãy phòng học vách ván mái tôn, bàn ghế đơn sơ, một khu nhà tập thể cho giáo viên tềnh toàng phía bên, đêm nằm nghe gió lùa qua khe hở, học sinh thì bữa học bữa nghỉ, nên người đi dạy phải vừa “dạy” vừa “dỗ”, cuối tuần lại phải đi thăm nhà học sinh, thực chất là đến vận động phụ huynh đừng cho con em nghỉ học. Thiếu giáo viên, nên thầy Tú phải đảm trách dạy nhiều môn học khác nhau, kiêm thêm tổng phụ trách đội, sau đó là hiệu phó rồi hiệu trưởng của trường.
7 năm gắn bó với ngôi trường nông thôn đầy khó khăn này, đã để lại những kỷ niệm khó quên với thầy giáo trẻ xứ Huế. Dù sau này khi đã chuyển sang nhiều ngôi trường khác, nhưng đến nay ông vẫn nhớ rõ tên từng học sinh của những lớp học ngày xưa, nhớ những đóa hoa quỳ vàng rực rỡ mà học trò vùng sâu khó khăn không có gì, đành hái hoa dại ven đường đến tặng thầy nhân ngày 20-11.
Năm 1986, sau nhiều năm làm hiệu trưởng tại Trường cấp 1-2 Bình Thạnh và Liên Nghĩa, thầy Tú lập gia đình, xin chuyển lên Đà Lạt công tác. Tại Đà Lạt, thầy đã làm hiệu trưởng và hiệu phó rất nhiều trường học: Hiệu trưởng Trường Chuyên Văn Toán Ngoại ngữ, Hiệu phó Trường cấp 2 Đoàn Kết và Hiệu phó Trường Lam Sơn. Sau một thời gian là chuyên viên của Phòng Giáo dục Đà Lạt, từ năm 2001 ông lại được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng THCS Quang Trung, góp phần tích cực xây dựng ngôi trường này thành trường THCS đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của thành phố Đà Lạt và của cả tỉnh Lâm Đồng. Năm 2011 ông lại quay về làm Hiệu trưởng THCS Lam Sơn cho đến nay.
Trong 37 năm đi dạy, trên 30 năm làm công tác quản lý, ông đã có hơn 20 năm làm hiệu trưởng. Với người làm công tác quản lý như ông, mỗi giai đoạn có những vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, những ngày còn khó khăn ở Đức Trọng trước đây, đó là việc động viên giáo viên bám trường bám lớp, vượt qua khó khăn, khơi dậy tinh thần nghề giáo cho mỗi thầy cô (lúc đó có rất nhiều người khó khăn quá đã bỏ việc); xây dựng mối đoàn kết trong tập thể giáo viên, hướng mọi hoạt động đến học sinh, vận động học sinh đi học. Còn trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế đã khác trước, cuộc sống đang đi lên, vấn đề quan tâm nhất của người làm công tác quản lý theo ông lại là việc chăm lo tạo điều kiện học tập tốt nhất, từng bước nâng cao chất lượng học sinh. Đặc biệt, ông quan tâm đến việc tạo ngôi trường thành một nơi có cảnh quan đẹp, có cây xanh, có bồn hoa, lớp học sạch sẽ, bắt mắt; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho học sinh. “Tại Trường THCS Quang Trung, chúng tôi đã thuê hẳn người đến chăm sóc khu vệ sinh học sinh mới xây của trường và mọi việc thay đổi hẳn. Cách làm này được nhiều trường khác tại Đà Lạt và trong tỉnh noi theo sau đó”- ông cho biết.
Là hiệu trưởng, ông luôn nhắc nhở cán bộ giáo viên trong trường cần làm gương cho học sinh. “Không tự mình gương mẫu làm sao nói được học sinh”. Gương mẫu nhưng không quá cứng nhắc, cần thương yêu học sinh. “Kiến thức mỗi người phải tự học, tự rèn luyện, nhưng là người thầy, cần phải có tình thương yêu để cảm hóa học sinh”. Cùng với lòng thương yêu là đối xử công bằng. Cần quan tâm đến học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tìm cách giúp các em học sinh nghèo cùng vươn lên. Những ngôi trường nơi ông làm hiệu trưởng, thầy Tú thường tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo, vận động thầy cô học sinh quyên góp tự nguyện, để giúp cán bạn học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Không khó để nhận thấy những thay đổi đầy tích cực ở những ngôi trường nơi thầy Bùi Khắc Tú từng công tác và ngay tại Trường THCS Lam Sơn - Đà Lạt nơi thầy đang là hiệu trưởng hiện nay. Khiêm tốn nói về mình, ông thích kể về những kỷ niệm. Niềm vui lớn nhất trong đời một người đi dạy, như ông nói, chính là mong được nhìn thấy học trò mình trưởng thành, trở thành những công dân tốt trong xã hội.
Gia Khánh