Tiếp tục giữ vững thương hiệu trường ĐH xếp hạng cao trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam

08:10, 24/10/2013

Tiền thân từ Viện Đại học Đà Lạt thành lập trước 1975, ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn PGS, TS. Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòa.

Tiền thân từ Viện Đại học Đà Lạt thành lập trước 1975, ngày 27/10/1976, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn PGS, TS. Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hòa.

PV: Thưa Phó giáo sư, tiến sĩ, 55 năm hình thành và phát triển ở một vùng đắc địa, ĐHĐL đã chứng minh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) có uy tín, có tên tuổi trên toàn quốc và thế giới. Ông có thể khái quát sơ lược một vài điểm chính?

PGS, TS Nguyễn Đức Hòa
PGS, TS Nguyễn Đức Hòa

PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa: Viện Đại học Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1957; quy mô phát triển đến trước năm 1975 gồm 5 Trường ĐH: Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Chính trị Kinh doanh và Thần học; từ 1966, bắt đầu đào tạo cao học. Đến năm học 1973 - 1974 khoảng 31.500 SV, trong đó khoảng 1.900 đã tốt nghiệp cử nhân. Sau 1975, Trường ĐHĐL là một trường khoa học cơ bản, một trong 4 trường ĐH tổng hợp trên cả nước. Trường tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1977-1978. Năm 1982, Trường ĐHĐL mở rộng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề; từng bước mở thêm các ngành khoa học xã hội và đào tạo các ngành khoa học cơ bản theo mô hình tổng hợp kết hợp sư phạm. Năm học 1995 - 1996, tổng số SV toàn trường 8.700 SV...  

• Có nhận xét cho rằng, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Trường ĐHĐL có những bước ngoặt phát triển mạnh mẽ ?

• Đúng vậy. Đây là thời điểm mở rộng ngành nghề, tăng quy mô đào tạo của Trường với những bước phát triển nhảy vọt. Sự đột phá đào tạo của Trường giai đoạn này là đào tạo theo tín chỉ và sử dụng phương thức thi trắc nghiệm.

• Thưa ông, đào tạo là hướng đến nhu cầu của xã hội và cũng là sự sống còn của một nhà trường. Ông cho biết tính thích ứng của ĐHĐL như thế nào?

• Từ năm 2008 đến nay, Trường chú trọng ưu tiên đầu tư đối với các ngành phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và các ngành công nghệ như Nông lâm, Sau thu hoạch, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật Điện tử -Viễn thông, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật hạt nhân,… Năm học 1993 - 1994, Trường bắt đầu đào tạo thạc sĩ; năm 2005, bắt đầu đào tạo tiến sĩ. Sau 20 năm, Trường đã cấp bằng cho 925 thạc sĩ  ở 7 chuyên ngành và 1 tiến sĩ chuyên ngành Toán Giải tích. Từ 1981 đến 2013, đã có 43.396 cử nhân và kỹ sư tốt nghiệp ĐH chính quy. Nhà trường cũng liên kết với hơn 40 cơ sở đào tạo các tỉnh trong các khu vực và đến nay đã tuyển sinh được 27.811 SV hệ đào tạo thường xuyên…

• Có những kết quả này phải bắt đầu từ đội ngũ và cơ sở vật chất ?

• Đến những năm cuối thế kỷ XX, 61% cán bộ giảng dạy của Trường có trình độ trên đại học. Từ năm 2000, cơ sở vật chất ngày càng từng bước hiện đại hóa. Khoảng 10 năm nay, nhà trường đã và đang xây dựng nhiều khu nhà liên hợp với hạng mục cao cấp và trang thiết bị hiện đại. Nhìn chung, cơ sở vật chất và tài chính của Trường ĐHĐL nay đã thích ứng và đảm bảo quy mô đào tạo 44 ngành nghề từ cao đẳng, đại học, cao học đến nghiên cứu sinh…

• Với một đội ngũ CBGV ngày càng tinh thông đó, ĐHĐL đã đóng góp nhiều về đào tạo, còn về khoa học như thế nào thưa Hiệu trưởng?

• Định hướng NCKH được đề ra cụ thể cho các khoa, ngành đào tạo. Chúng tôi đặc biệt chú trọng nghiên cứu các vấn đề như: ứng dụng; chuyển giao công nghệ; tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nguyên; văn học dân gian và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; lịch sử địa phương, dân tộc học khu vực Tây Nguyên… Chỉ tính nhiệm kỳ 2008 - 2013 đã có 228 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí trong và ngoài nước...

• Vậy thưa Hiệu trưởng, sau cột mốc 55 năm này, Trường ĐHĐL sẽ kế thừa và phát huy những thành tựu đồ sộ nói trên như thế nào?

• Trong giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ĐHĐL tiếp tục khẳng định là một trường ĐH hàng đầu trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ chuyên đào tạo và nghiên cứu khoa học -chuyển giao công nghệ chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên. Phát huy thương hiệu của một trường ĐH được xếp hạng cao trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. Chúng tôi tiếp tục khẳng định một địa chỉ cung cấp đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn chất lượng, đáng tin cậy cho khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận cũng như cho cả nước.  

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến (thứ 2 bìa trái) tại Phòng NCKH của trường
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến (thứ 2 bìa trái) tại Phòng NCKH của trường


• Thưa ông, những nhiệm vụ trọng tâm cơ bản của ĐHĐL của lộ trình “đổi mới căn bản và toàn diện” là gì?

• Thứ nhất là có chiến lược và chính sách xây dựng, phát triển nhằm chuẩn hóa và quy hoạch chuyên môn đối với đội ngũ giảng viên. Theo đó, đầu tư, hỗ trợ, tài trợ phát triển đội ngũ có năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, có trình độ ngoại ngữ - tin học cao và có khả năng hội nhập quốc tế. Đồng thời, có giải pháp mạnh hỗ trợ đội ngũ ứng viên PGS, nghiên cứu sinh và học viên cao học. Thứ 2 là hoàn thiện hệ thống tín chỉ, tiến hành đánh giá và phát triển chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; đổi mới việc đánh giá giảng viên, chuyên viên và đánh giá SV nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng quản lý và phục vụ…

• Trong xu thế mở cửa nhiều cơ sở đào tạo, xã hội đã và đang bão hòa nhiều ngành đào tạo. Theo đó, chất lượng đầu ra của giáo dục cao đẳng, đại học ở nhiều nơi không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vậy xin hỏi ông, ĐHĐL đã hoạch định bước đi mang tính chiến lược cho mình thời gian tới như thế nào?

• Đây là vấn đề được Trường ĐHĐL rất quan tâm. Chúng tôi đã quyết định chuyển dịch từ mô hình đào tạo truyền thống sang một trường ĐH định hướng nghiên cứu. Theo đó, xây dựng một số phòng thí nghiệm hợp chuẩn quốc gia có khả năng nghiên cứu khoa học sâu, có khả năng tạo nên những giá trị mới về nghiên cứu khoa học, về sản phẩm công nghệ cũng như có khả năng tạo nên những dịch vụ thích ứng, đáp ứng thị trường. Mặt khác, tập hợp đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài trường góp phần giải quyết một số vấn đề trọng điểm về khoa học - công nghệ, về kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng phụ cận.

Để đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi Trường ĐHĐL phải năng động, sáng tạo, có kế hoạch và lộ trình phù hợp. Theo đó, đồng thời thực hiện nhiều nội dung khác như: đổi mới công tác quản lý, cải cách hành chính; xây dựng chiến lược cải thiện văn hóa tổ chức, văn hóa trường ĐH, văn hóa đào tạo, văn hóa chất lượng; mở rộng các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo trong và ngoài nước; hợp tác toàn diện với các địa phương, các ngành liên quan của các tỉnh Tây Nguyên và vùng phụ cận, đặc biệt phải thực sự là một phần không thể tách rời của tỉnh Lâm Đồng. Tôi cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận đội ngũ GS, TS. của Trường là đội ngũ khoa học của tỉnh nhà để cùng khai thác, tạo cơ hội cống hiến cũng như nhận được sự ưu ái trong khả năng có thể có được của địa phương.

• Xin cảm ơn PGS, TS. Hiệu trưởng!

MINH ĐẠO (thực hiện)