Nhận thức sâu sắc vấn đề tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu nên thời gian qua, Lâm Đồng thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Nhận thức sâu sắc vấn đề tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu nên thời gian qua, Lâm Đồng thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều cố gắng; duy trì độ che phủ rừng đạt 60,4%.
Tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý tài nguyên rừng gắn với đa dạng sinh học, thời gian tới, Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị chủ rừng thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Chú trọng bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng nhất là rừng đầu nguồn. Bảo đảm việc quản lý diện tích đất lâm nghiệp cho phát triển rừng bền vững, chống xói mòn, rửa trôi đất lâm nghiệp, duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 61%. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng, trồng cao su. Làm tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với nâng cao đời sống đồng bào dân thiểu số tại chỗ. Huy động mọi nguồn lực để trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung. Thực hiện hiệu quả trồng cây che bóng ở các vùng cây công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính từ nay đến năm 2020. Rà soát và thực hiện trồng cây phân tán, che bóng ở tất cả khu vực đất trống ở thành thị, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chủ trương Tháng trồng cây, trồng rừng hằng năm.
Ở thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc duy trì chủ trương cấp cây giống (không thu tiền) khuyến khích tổ chức, cá nhân trồng cây che bóng mát, trồng rừng… Đối với vườn quốc gia Biduop - Núi Bà và Cát Tiên thực hiện hiệu quả việc gắn công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học với nâng cao đời sống nhân dân sống gần rừng, phát triển du lịch sinh thái. Khẩn trương tiến hành các thủ tục đề nghị công nhận Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà trở thành khu sinh quyển quốc gia và quốc tế. Ưu tiên nguồn lực bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên gắn với phát triển ngành du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học. Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, quý hiếm, các giống cây dược liệu, cây trồng giá trị. Ngăn chặn, xử lý sự xâm nhập, phát triển của các sinh vật ngoại lai xâm hại như mai dương, ốc bưu vàng…
Một trong các giải pháp nhằm nâng cao giá trị tài nguyên rừng gắn với đa dạng sinh học trong thời gian tới được tỉnh xác định là phải: Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để sớm đưa nguồn lực tài nguyên thật sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xác định đúng giá trị tài nguyên được khai thác, sử dụng để thu phí, lệ phí, thuế, tiền sử dụng tài nguyên nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách và quỹ bảo vệ, hoàn nguyên môi trường. Duy trì và giữ vững tỷ trọng chi sự nghiệp môi trường. Phát huy có hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Hằng năm, ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
BÌNH NGUYÊN