Phát huy dân chủ cơ sở là cội nguồn của sức mạnh toàn dân

04:10, 13/10/2013

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nhận thức được tầm quan trọng của Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH về "thực hiện dân chủ cơ sở", 5 năm qua, TP Đà Lạt đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Pháp lệnh và đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định rằng: Phát huy dân chủ cơ sở là cội nguồn của sức mạnh toàn dân.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nhận thức được tầm quan trọng của Pháp lệnh số 34/PL-UBTVQH về "thực hiện dân chủ cơ sở", 5 năm qua, TP Đà Lạt đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Pháp lệnh và đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ, góp phần khẳng định rằng: Phát huy dân chủ cơ sở là cội nguồn của sức mạnh toàn dân.

Về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, Thành ủy Đà Lạt một mặt ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TH.U về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” (QCDCCS). Mặt khác, chỉ đạo UBND TP Đà Lạt thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) từ thành phố xuống cơ sở xã, phường. Để việc triển khai thực hiện QCDCCS đạt kết quả tốt, BCĐ các cấp của TP Đà Lạt đã không ngừng được củng cố, kiện toàn, bổ sung kịp thời khi có biến động về nhân sự, đồng thời xây dựng quy chế, nội dung, chương trình hoạt động sát với tình hình thực tế của địa phương và chọn phường 10 làm điểm trong việc sơ kết 5 năm thực hiện “Thực hiện DCCS”. Đến nay, 16/15 xã, phường đều đã sơ kết. Theo đó, thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, UBND TP, Đảng ủy, UBND các xã, phường, BCĐ QCDCCS từ TP đến cơ sở đã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội (ĐTCT-XH) phát huy vai trò trong việc tập hợp quần chúng, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể vững mạnh và hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội, các chương trình hoạt động của địa phương. Với vai trò tập hợp quần chúng, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các ĐTCT-XH đã thường xuyên đến sinh hoạt với khu dân cư, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp và thường xuyên rà soát, bổ sung quy ước cộng đồng, kiện toàn Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng ĐSVHCS, xây dựng GĐVH; KDCVH… Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó chú trọng việc hòa giải cơ sở, góp phần hạn chế tối đa khiếu nại vượt cấp, đông người, tạo điểm nóng; giám sát việc dự toán, nghiệm thu, quyết toán công trình công cộng, quyết toán thu chi ngân sách, sử dụng nguồn vốn do nhân dân đóng góp… Đặc biệt, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong phát huy quyền dân chủ cơ sở, 5 năm qua, Mặt trận, các ĐTCT-XH đã tham mưu chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để người dân được trực tiếp tham gia phản biện xã hội, nắm bắt, bàn bạc dân chủ công khai các hoạt động của chính quyền, thông qua nhiều kênh khác nhau như: Được tiếp xúc với các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH, mức nộp thuế của người dân, các loại quỹ, dự toán ngân sách hàng năm, phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, BHYT tự nguyện, các khoản vận động đóng góp, thủ tục hành chính, chế độ ưu đãi các đối tượng chính sách, xã hội, tuyển dụng lao động, chiêu sinh, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại… Ngay cả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND phường, xã, bầu cũng được công khai trong các cuộc họp dân, tại trụ sở UBND, hoặc tại các địa điểm công cộng, nơi dân dễ tiếp xúc, để dân nắm bắt, bày tỏ quan điểm đồng tình hay không đồng tình ủng hộ.

Bằng việc công khai dân chủ như vậy, quyền làm chủ của người dân được bảo vệ, nâng cao, nên đã tạo được sự đồng thuận cao giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đã có tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm và hành động của  người dân. Vì vậy, 5 năm qua đã phát huy được sức mạnh của người dân Đà Lạt trên mọi lĩnh vực CT-KT-XH. Từ năm 2007 đến nay, người dân đã tình nguyện đóng góp 40 tỷ đồng, hiến hàng ngàn m2 đất và hàng ngàn ngày công xây dựng 587 công trình phúc lợi xã hội, tặng hàng ngàn suất quà, hàng trăm triệu đồng cho các gia đình chính sách, các hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững. Đó là lý do giải thích tại sao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Lạt năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ giàu và khá giả không ngừng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng, trong đó có Phường I không còn hộ nghèo.

Ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH TP Đà Lạt cho biết: Những kinh nghiệm trong việc “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” 5 năm qua là cơ sở để TP Đà Lạt tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tìm ra biện pháp, giải pháp năng động, hữu hiệu trong khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhằm thực hiện Pháp lệnh về DCCS của Quốc hội khóa XI đạt kết quả cao hơn trong những năm tiếp theo.

Hoàng Kiến Giang