Trong suốt buổi trò chuyện với những hồi ức lẫn lộn của mình, ông Tô Văn Cắm, chiến sỹ duy nhất còn sống trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, luôn miệng bảo rằng: "Nhớ quá, đồng chí Văn ơi!".
[links()]Trong suốt buổi trò chuyện với những hồi ức lẫn lộn của mình, ông Tô Văn Cắm (tên thường gọi là Tô Đình Cắm) - chiến sỹ duy nhất còn sống trong Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, luôn miệng bảo rằng: “Nhớ quá, đồng chí Văn ơi!”.
Ông Tô Văn Cắm xúc động khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần |
Sáng 5/10/2013, khi nghe con trai là Tô Đức Tuân cho hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, cả buổi sáng ông Cắm thất thần đi ra đi vào với ánh mắt hoe đỏ. Khi chúng tôi hỏi: “Thế ông có muốn đi gặp bác Giáp lần cuối không?”. Ông Cắm nghẹn ngào bảo: “Không thể gặp nữa rồi! Đồng chí Giáp đã đi xa mình rồi! Muốn đi gặp lắm nhưng chân đau, không thì đã đi liền sáng nay rồi. Thương quá, nhưng biết làm sao để gặp được đây!”.
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc - Lạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Năm nay đã 92 tuổi, ông Tô Văn Cắm (hiện ngụ tại khu phố 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm những ngày mình còn sống chung với đồng chí Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Dù khoảng thời gian cùng ăn, cùng ngủ với chỉ vài tháng ngắn ngủi nhưng đã để lại cho ông Cắm rất nhiều kỷ niệm.
Ông Cắm nhớ lại: “Khi tôi tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thì tuổi còn rất trẻ, chỉ mới 23 tuổi. Ban đêm, khi ngủ cùng, tôi thường gác chân lên người bác Văn. Lắm lúc bác mắng: Mày ngủ gác quá làm tao không ngủ được! Nói thế nhưng bác vẫn cho ngủ cùng”. Với ông Cắm, bác Giáp như người thân sinh ra mình. Bởi lẽ, bố mất sớm khi ông mới tròn 6 tuổi. Từ khi hoạt động cách mạng đến khi gặp được đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông được chỉ bảo rất nhiều từ lời ăn tiếng nói đến cách cư xử thường ngày.
“Bác dạy cho mình cách ăn, cách ở, cách đi lại với người Mán phải như thế nào, với người H’Mông phải ra sao. Nhờ đó mình mới biết được nết ăn ở của từng đồng bào mà hòa mình tốt hơn. Nhất là khi đi bí mật, bác cứ căn đi dặn lại là ăn ở phải biết khiêm tốn, đừng đi lấy bất cứ thứ gì của nhân dân” - ông Cắm chia sẻ.
Trong căn nhà của mình, ông Cắm luôn đặt hình ảnh của đồng chí Võ Nguyên Giáp, do những người đồng đội mừng thọ khi ông 88 tuổi, trang trọng trong phòng khách. Đây được xem là thứ quý giá đối với ông, bởi lẽ hồi còn được ở cùng thì chỉ lo chiến đấu, chẳng giữ lại được kỷ vật gì của bác Giáp. Đưa tay vuốt nhẹ lên tấm hình, bỗng nhiên ông lại kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khác, một ký ức đầy hào hùng: Chỉ ba ngày sau khi tuyên thệ mười lời thề danh sự của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, ông cùng với người chỉ huy Võ Nguyên Giáp và những đồng đội khác đã tham gia đánh đồn. Tiếp sau đó là những chiến thắng vang dội trong các trận đánh ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Và như để đúc kết lại, ông bảo: “Bác Giáp nói chuyện rất cảm động và gần gũi. Vì vậy, anh em ai cũng rất kính nể, không ngại gian khổ và hy sinh để cùng quyết tâm đánh trận”.
Phía trước ngôi nhà tình nghĩa ông Cắm đang ở, một ngôi nhà đang được xây mới từ nguồn kinh phí của nhà nước. Thế hệ con, cháu của ông Cắm giờ cũng đã lớn và trưởng thành. Với những người con, người cháu của mình, dù đang ở cạnh bên hay sinh sống ngoài quê, ông vẫn thường kể những câu chuyện về bác Giáp như một tấm gương để con cháu noi theo.
HỮU SANG - KHÁNH PHÚC