Ngày 25 - 10 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh (trực tuyến) sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 2-5-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngày 25 - 10 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh (trực tuyến) sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 2-5-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Văn Việt - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Kết quả ban đầu trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy: Trong những năm qua, Lâm Đồng đã và đang triển khai rất nhiều dự án để phát triển kinh tế, tập trung chỉnh trang đô thị, cải tạo hệ thống giao thông, xây dựng mới các công trình thủy điện… Qua đó, tạo nên bước phát triển mạnh mẽ về KT - XH.
Cùng với sự phát triển tích cực, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng gia tăng. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; tập trung rà soát, giải quyết các vụ khiếu kiện liên quan đến đời sống xã hội.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Thông báo số 130-TB/TW, công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo của Lâm Đồng ngày càng đi vào nề nếp, đạt kết quả quan trọng. Nhận thức và sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền có bước chuyển biến. Các cấp, các ngành chú trọng tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư gắn với công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước nâng lên, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế…
Trong các mặt công tác cần quan tâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng tới vệc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo. Phòng tiếp thuộc Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị thường trực trong tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân hàng tháng có kế hoạch tiếp công dân công khai, dân chủ; đồng thời niêm yết để mọi tổ chức cá nhân biết. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trách nhiệm của chính quyền, giám sát của HĐND, MTTQ và các tổ chức thành viên trong đoàn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng chỉ đạo rà soát các vụ khiếu kiện tồn đọng, các vụ việc phức tạp, kéo dài, vượt cấp… qua đó, phân loại để có kế hoạch giải quyết cụ thể. Đối với một số vụ việc phức tạp, nhạy cảm, có đông người tham gia, UBND tỉnh luôn bàn bạc cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên môn để chọn phương án giải quyết hợp lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; giải thích để dân hiểu, tạo sự đồng thuận và cũng kiên quyết không để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động tạo diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Công tác tiếp dân cũng được đổi mới, hoạt động từng bước đi vào nề nếp. Đến nay, đa số trụ sở tiếp công dân của các địa phương cơ bản được bố trí đạt tiêu chuẩn, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất. Nội quy, quy chế tiếp công dân được niêm yết công khai; bố trí cán bộ tiếp dân thường xuyên theo quy định, đảm bảo các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đều được xem xét xử lý theo quy định. Qua tiếp dân các cấp, các ngành chủ động giải thích các quy định của pháp luật cho công dân…
Từ đầu năm 2008 đến giữa năm 2013, toàn tỉnh đã tiếp 21.628 lượt công dân. Trong đó cấp tỉnh tiếp 1.727 lượt, các ngành tiếp 943 lượt, cấp xã tiếp trên 4.300 lượt. Nội dung khiếu nại, phản ánh, kiến nghị tập trung nhiều ở lĩnh vực khiếu nại đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư, đòi lại đất cũ; khiếu nại về cấp GCNQSDĐ, tranh chấp đất đai, tố cáo cán bộ gây khó khăn và nhũng nhiễu… Tổng số đơn phải giải quyết 16.119 đơn (15.556 đơn khiếu nại, 563 đơn tố cáo). Toàn tỉnh giải quyết trên 15.920 đơn (đạt 98,58%). Trong đó, khiếu nại đúng 784 đơn, khiếu nại có đúng có sai 3.368, khiếu nại sai 11.214; tố cáo đúng 78 đơn, tố cáo có đúng có sai 126, tố cáo sai 351. Thời gian qua, có 130 lượt khiếu nại đông người, đến nay về cơ bản các vụ việc được xem xét, giải quyết dứt điểm; không để xảy ra phát sinh điểm nóng, làm mất ổn định an ninh chính trị.
Điều ghi nhận là qua giải quyết khiếu nại, các cấp và các ngành đã ban hành trên 14.930 văn bản giải quyết. Trong đó, UBND tỉnh ban hành 1.440 quyết định và gần 490 văn bản, cấp huyện ban hành 5.234 quyết định và 4.856 văn bản trả lời kết quả giải quyết; cấp xã ban hành 2.730 biên bản hòa giải thành, 1.212 trường hợp đơn sự rút đơn. Số quyết định và văn bản phải thực hiện qua giải quyết khiếu nại 3.486 văn bản; đã thực hiện xong gần 3.400 quyết định và văn bản. Chưa thực hiện xong 90 quyết định và văn bản, nguyên nhân do một số quyết định, văn bản trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc; một số quyết định, văn bản giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng các hộ dân cố tình không chấp hành. Qua giải quyết đơn tố cáo đã bảo vệ quyền lợi cho 107 người, minh oan cho 95 người; kiến nghị thu hồi 1,62 tỷ đồng, kiến nghị có hình thức xử lý 12 cán bộ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp, chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Song song với việc chỉ đạo tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền rà soát, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước; công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về Luật khiếu nại, tố cáo, về phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiểm tra việc quản lý nhà nước. Qua kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quản lý, các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các trường hợp không thực hiện quy định của luật pháp liên quan đến trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, lợi dụng cương vị công tác gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân. Khi phát hiện có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật, có tiêu cực, tham nhũng đã tập trung làm rõ, củng cố hồ sơ, điều tra, thanh tra kết luận rõ ràng và kiến nghị xử lý nghiêm minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)… Thực tế cho thấy, đến nay tình trạng khiếu nại đông người tại một số địa phương cơ bản giảm, công tác quản lý tài nguyên, đất đai, rừng, bảo vệ môi trường được chấn chỉnh; công tác đền bù giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo kịp thời, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân…
(Còn nữa)
Bình Nguyên