Tăng tỉ lệ tiêm chủng và đảm bảo lợi ích cho trẻ em

10:10, 01/10/2013

(LĐ online) - Do tạm ngưng vắc xin Quinvaxem từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2013 nên việc tổ chức tiêm chủng lại vắc xin Quinvaxem được coi như tổ chức chiến dịch để tránh bỏ sót trẻ nhằm tăng tỉ lệ tiêm chủng và đảm bảo lợi ích cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

(LĐ online) - Do tạm ngưng vắc xin Quinvaxem từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2013 nên việc tổ chức tiêm chủng lại vắc xin Quinvaxem được coi như tổ chức chiến dịch để tránh bỏ sót trẻ nhằm tăng tỉ lệ tiêm chủng và đảm bảo lợi ích cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.

Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi ở P7, Tp Đà Lạt
Tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi ở P7, Tp Đà Lạt


* Chiến dịch tiêm vắc xin Quinvaxem

Vắc xin Quinvaxem quan trọng trong chương trình tiêm chủng mở rộng bởi nó có chức năng “5 trong 1” phòng 5 bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Mỗi trẻ phải tiêm đủ 3 mũi, lịch tiêm cho trẻ vào các tháng 2-3-4 sau sinh.

Báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng về kết quả tiêm chủng trong toàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2013 đạt theo chỉ tiêu giao, riêng trẻ tiêm viêm gan B sơ sinh trước 24 giờ (42,7%) và Quinvaxem đủ 3 mũi (21,7%) chưa đạt. Toàn tỉnh chỉ có 3 huyện có tỉ lệ trẻ tiêm đủ 3 mũi Quinvaxem cao nhất là: Đạ Tẻh (33,2%) và Lạc Dương - Cát Tiên cùng đạt 31,7%. Tỉ lệ thấp nhất là Đà Lạt 8,3% do ảnh hưởng của 1 ca tử vong sau tiêm ở Phường 7 (Đà Lạt ngưng tiêm Quinvaxem từ tháng 2 và tháng 4 đến tháng 9 năm 2013).

Vắc xin Quinvaxem tạm ngưng từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2013 nên việc tổ chức tiêm chủng lại vào tháng 10 tới cần có đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, bàn tiêm, vắc xin, rà soát đối tượng, chỗ ngồi chờ, hỗ trợ tích cực của lực lượng y tế thôn bản, y tế tuyến trên và truyền thông rộng rãi đến người dân đưa trẻ đến tiêm chủng.

Đối tượng sẽ tiêm vắc xin Quinvaxem là trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc xin này theo thống kê toàn tỉnh có 62.075 trẻ, gồm: 19.344 trẻ tiêm mũi 1, 21.135 trẻ tiêm mũi 2 và 21.596 trẻ tiêm mũi 3. Nếu so sánh con số 8 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh chỉ có 5.855 trẻ tiêm đủ 3 mũi Quinvaxem (chiếm 21,7%) thì số trẻ cần tiêm Quinvaxem 4 tháng cuối năm tăng hơn gấp 10 lần.

* Lưu ý quản lý đối tượng, theo dõi phản ứng sau tiêm

BS Chu Thế Vinh – Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt cho biết: Để phục vụ tiêm chủng và đặc biệt tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại thì các đối tượng sẽ nhiều lên. Chúng ta còn thiếu nợ các cháu các mũi 1,2,3 và các cháu đến đúng độ tuổi tiêm chủng. Như vậy, có tới 4 đối tượng tiêm vắc xin Quinvaxem, để đạt được chỉ tiêu là khó khăn của ngành y tế từ nay đến cuối năm. Cơ sở vật chất, theo quy định phải tăng thêm số cán bộ tiêm chủng để đảm bảo tiêm 50 cháu/buổi, tập trung nhân lực khó khăn cho đơn vị y tế.

Để tiêm chủng an toàn phải quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng, thực hiện đúng quy trình, tăng trách nhiệm của bà mẹ trong việc theo dõi sức khỏe của con em trong tiêm chủng, đầu tư thêm nhân lực, kinh phí cho công tác tiêm chủng. Quan trọng là quản lý đối tượng theo dõi cơ địa của trẻ mới tiêm: Trẻ sinh ra trong vòng 1 tuần, 2 tháng không thể nào bà mẹ nhớ hết được những tiền sử bệnh tật của mình hoặc là của trẻ cho nên việc quản lý đối tượng ngay từ khi bà mẹ mang thai. Các cháu sơ sinh trong vòng 42 ngày phải có kiểm tra và nắm tình hình của trẻ trước khi tiêm chủng.

Trong thời gian tiêm chủng các đối tượng đến rất đông và việc tổ chức cũng đã kéo dài thời gian tư vấn cho bà mẹ nhưng chưa thể khai thác hết được căn nguyên, đặc biệt cơ địa của trẻ đối với chất lạ khi đưa vào cơ thể. Do đó, phải theo dõi chặt chẽ phản ứng sau tiêm.

Vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” phản ứng khá chậm sau tiêm 6-8 giờ, do đó vai trò của cán bộ y tế hướng dẫn cho bà mẹ làm sao theo dõi được các cháu trong vòng ngày đầu tiên và tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến sức khỏe trẻ là vấn đề quan trọng để phát hiện sớm sự cố bất thường có thể xảy ra để xử trí kịp thời.

* An toàn tiêm chủng và khuyến khích xã hội hóa

TS Phạm Thị Bạch Yến – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em, đặc biệt trẻ em dưới 1 tuổi trong thời gian tới, ngành Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng có trách nhiệm kiểm tra đột xuất các điểm tiêm chủng. Tất cả các trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, đảm bảo cơ sở vật chất, quy trình bảo quản vắc xin, cán bộ đúng quy trình tiêm chủng thì mới tổ chức tiêm. Đặc biệt, ngành chỉ đạo các lãnh đạo đơn vị y tế phải kiểm tra tất cả 100% các cơ sở tiêm chủng, ngoài ra có kiểm tra đột xuất. Trong những ngày tiêm chủng phải bố trí đủ cán bộ, tăng cường cán bộ bác sĩ ở hệ điều trị cho hệ dự phòng. Chú trọng khâu sàng lọc các cháu trước khi tiêm để các cháu có những bệnh lý kết hợp như là sốt, bỏ ăn khó chịu thì không nên tiêm.

Sau khi tiêm đề nghị các đơn vị phải phát cho mỗi gia đình 1 tờ hướng dẫn để theo dõi phản ứng chậm sau tiêm, thông báo cho bà mẹ để con ở trạm chờ 30 phút theo dõi. Có những trường hợp phản ứng chậm 1-2 ngày thì hướng dẫn các triệu chứng phản ứng chậm để gia đình biết liên hệ. Cung cấp đường dây nóng của trạm y tế, trung tâm y tế để tư vấn khi có phản ứng thì điều chuyển phương tiện cấp cứu kịp thời hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.

Để đạt tỉ lệ tiêm chủng hiện nay ngành y tế cũng đang thực hiện đề án xã hội hóa và đang tiến hành tiêm chủng vắc xin theo dịch vụ. Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm dịch vụ phải bố trí đảm bảo theo quy trình chung nhưng không được bố trí tiêm chung trong một ngày, hoặc ở khu vực khác để tránh lẫn lộn giữa công và tư.

Hiện nay người dân có thể tiêm chủng dịch vụ ngay tại một số trạm y tế, các phòng khám đa khoa khu vực, Trung tâm y tế Dự phòng, các bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, Công ty Vắc xin Đà Lạt.

DIỆU HIỀN