"Tiếng kẻng an ninh" - một điển hình "Dân vận khéo"

04:10, 02/10/2013

Thời gian qua, Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng. Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện hàng trăm điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó mô hình "Tiếng kẻng an ninh" là một ví dụ.

Thời gian qua, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng. Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện hàng trăm điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó mô hình “Tiếng kẻng an ninh” là một ví dụ.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) đã tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm (năm 2012 đạt 28 triệu đồng/người/năm). Các phong trào thi đua yêu nước được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã Bình Thạnh đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống mọi mặt của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Bình Thạnh diễn biến khá phức tạp, nhất là tình trạng trộm cắp tài sản (xe máy, cà phê), trộm cắp vặt (trộm chó, gia cầm). Các đối tượng mang theo hung khí, ngang nhiên thách thức, đe dọa người dân, ném vỡ cửa kính, chặt phá cà phê và đánh nhau nên nhiều người dân khi đơn phương đối mặt với các hành vi phạm tội không dám ngăn cản. Năm 2010 xảy ra 6 vụ trộm cắp xe máy và cạy cửa nhà dân, nhiều vụ trộm chó xảy ra, thanh niên thường xuyên tụ tập uống rượu gây rối đánh nhau 4 vụ trong đó có 2 vụ phải xử lý hình sự. Năm 2011 xảy ra 3 vụ trộm cắp, trong đó 2 vụ trộm cắp vặt, 1 vụ trộm xe máy. Tình trạng gây rối trật tự xảy ra thường xuyên, chủ yếu các đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập uống rượu vào ban đêm tại các ngã ba đường; sau đó tổ chức đua xe, nẹc pô trên tuyến đường dọc quốc lộ, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về tình hình an ninh trật tự diễn ra trên địa bàn xã, Ban Công an xã Bình Thạnh đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết về triển khai mô hình “Tiếng kẻng an ninh” giao cho UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, chỉ đạo Ban Công an xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh làm nòng cốt xây dựng mô hình điểm “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Thanh Bình 3. Theo đó, Ban Công an xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã tổ chức họp dân theo từng cụm dân cư để thảo luận xây dựng các mô hình tự quản. Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại thôn Thanh Bình 3 đi vào hoạt động vào ngày 10/8/2012.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy xã Bình Thạnh, Chi bộ thôn Thanh Bình 3 đề ra nghị quyết và chỉ đạo xây dựng kế hoạch, xây dựng quy chế hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Thống nhất thành lập các tổ tự quản và chọn lực lượng nòng cốt là hội viên Hội Cựu chiến binh, công an viên, thôn đội và một số quần chúng tiêu biểu đã tự nguyện tham gia tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự thôn, xóm. Kinh phí hoạt động do nhân dân tự nguyện đóng góp, mức đóng góp là 100.000đồng/hộ/năm.

Để thống nhất trong thực hiện, Ban Công an xã đã xây dựng quy chế hoạt động của mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và mở lớp tập huấn cho các tổ tự quản và nhà treo kẻng về cách thức đánh kẻng khi có sự việc xảy ra theo quy ước chung. Nếu các tổ tuần tra chưa phát hiện vụ việc, nhân dân phát hiện điện báo cho Tổ an ninh gần nhất và nhà được treo kẻng gấn nhất để đánh kẻng báo động. Khi có tiếng kẻng toàn bộ Tổ tự quản có mặt ngay tại khu vực có vụ việc xảy ra, cùng nhân dân tại địa điểm báo động tập trung đông đủ để kịp thời ứng phó. Khi phát hiện có vụ việc phức tạp báo cho lực lượng công an giải quyết xử lý kịp thời.

Trên toàn thôn Thanh Bình 3 hiện đã xây dựng được 18 chiếc kẻng an ninh treo tại các địa điểm thuận lợi và giao cho các hộ gia đình đánh kẻng báo động cho nhân dân và các tổ khác khi có tình huống xảy ra cùng đánh kẻng. Đồng thời duy trì 7 tổ tuần tra, kiểm soát theo khu dân cư, mỗi tổ từ 25-30 hộ. Hàng đêm, mỗi tổ cử ra 5-7 người tự nguyện tham gia tuần tra thay phiên nhau, riêng mùa cà phê 2 tổ tự quản tuần tra chung 1 đêm.

Đến đầu tháng 9/2013, mô hình tiếng kẻng an ninh ở thôn Thanh Bình 3 đã được nhân rộng trên địa bàn toàn xã với 45 chiếc kẻng an ninh. Qua triển khai mô hình, mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm trong nhân dân được củng cố, nội bộ nhân dân đoàn kết, thống nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Đây thực sự là một cuộc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, phát huy có hiệu quả vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ở thôn, xóm, đem lại cuộc sống bình yên cho từng hộ gia đình và khu dân cư.

Từ hiệu quả của mô hình “Tiếng kẻng an ninh” tại xã Bình Thạnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Kế hoạch số 79-KH/HU về xây dựng và nhân rộng mô hình “Tiếng kẻng an ninh” thôn Thanh Bình 3 xã Bình Thạnh ra toàn huyện.

Lê Văn Tư