Tiếp tục triển khai chương trình UN-REDD giai đoạn II

03:10, 08/10/2013

(LĐ online) - Mới đây, tại Đà Lạt, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – đã chủ trì buổi làm việc để bàn về việc triển khai chương trình "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng" giai đoạn II (UN-REDD giai đoạn II).

(LĐ online) - Mới đây, tại Đà Lạt, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – đã chủ trì buổi làm việc để bàn về việc triển khai chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng” giai đoạn II (UN-REDD giai đoạn II). Cùng dự buổi làm việc, ngoài lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan trong tỉnh còn có lãnh đạo Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II và đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN-PTNT.

Giảm phát thải khí nhà kính do suy thoái tài nguyên rừng đang là nỗ lực hướng đến của UN-REDD
Giảm phát thải khí nhà kính do suy thoái tài nguyên rừng đang là nỗ lực hướng đến của UN-REDD


Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II cho biết, Lâm Đồng là một trong những địa phương trong cả nước tiếp tục được chọn để triển khai thực hiện chương trình “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng” giai đoạn II. Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Lâm Đồng: “Trên cơ sở quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 – 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 5.1.2013 và các quy định, hướng dẫn có liên quan, khẩn trương xây dựng kế hoạch chương trình UN-REDD năm 2014 đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung của chương trình và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Trong đó, lưu ý việc lập kế hoạch phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong các hoạt động; các mô hình triển khai thực hiện phải phù hợp với từng địa phương, thực sự có hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ các mô hình cải thiện sinh kế nhằm làm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng”.

Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam cho biết: UN-REDD là chương trình hợp tác trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng gây nên dưới sự tài trợ của Liên hiệp quốc do Na Uy, Đan Mạch và Tây Ban Nha trực tiếp điều hành. Ở pha I (giai đoạn I) của UN-REDD có 9 nước tham gia chương trình, trong đó có Việt Nam. Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 1 được triển khai thí điểm tại một tỉnh duy nhất là Lâm Đồng (Lâm Đồng đã chọn hai huyện Lâm Hà và Di Linh để triển khai) trong vòng 3 năm từ 2009 đến 2012 với tổng nguồn vốn gần 4,4 triệu USD. Bước sang giai đoạn 2 (bắt đầu từ 2014), Chương trình UN-REDD Việt Nam chọn 6 tỉnh để triển khai là Lâm Đồng, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh, Bình Thuận và Cà Mau. Với nguồn kinh phí gần 100 triệu USD, giai đoạn II của UN-REDD Việt Nam đặt ra mục tiêu: Quản lý tài nguyên rừng bền vững, hướng tới mục đích giảm thiểu khí phát thải nhà kính do phá rừng và suy thoái rừng.

Ở giai đoạn I, Lâm Đồng là địa phương duy nhất trong cả nước được chọn để triển khai chương trình UN-REDD và đã cơ bản hoàn thành 4 mục tiêu đặt ra là: “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng” đã cơ bản hoàn tất, cộng đồng dân cư vùng triển khai chương trình tham gia tích cực vào việc “Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích”, tổ chức nhiều lớp tập huấn về “Tổ chức cộng đồng tham gia và triển khai” và “Nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp” với nhiều lượt người tham gia. Theo Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam, kết quả đạt được ở giai đoạn I là rất quan trọng, trong đó đáng lưu ý là kết quả về việc nâng cao năng lực ở cấp quốc gia nhằm chuẩn bị thực thi REDD+. Tuy vậy, chương trình khi triển khai giai đoạn II, theo dự báo, vẫn còn một số thách thức không nhỏ. Một trong những thách thức đó là, sự tham gia của cộng đồng dân cư vẫn còn nhỏ, mức độ hiểu biết về REDD của các tổ chức và cá nhân chưa ngang tầm và không đồng đều. Cùng đó, ở giai đoạn tiếp theo cần giải quyết một số vấn đề mang tính cốt lõi như công tác điều phối giữa các ngành, cơ sở pháp lý để thực thi, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trong triển khai…

Tại buổi làm việc nói trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo Chương trình REDD+ tỉnh Lâm Đồng trên cương vị công tác của mình tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những nội dung, tài liệu có liên quan đến Chương trình UN-REDD giai đoạn II, nắm bắt thông tin từ tình hình thực tế ở cơ sở để đóng góp ý kiến, triển khai thực hiện tốt kế hoạch 3 tháng cuối năm 2013 và các năm tiếp theo. Với Sở NN-PTNT (cơ quan đầu mối của UN-REDD tỉnh Lâm Đồng), Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải hoàn thành dự thảo phân công nhiệm vụ cho các thành viên của Chương trình và trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 10.2013; đồng thời, làm việc cụ thể với UBND các huyện để bàn bạc, thống nhất lựa chọn các xã, đơn vị tham gia chương trình (ưu tiên lựa chọn các địa phương, đơn vị có nguy cơ rừng bị xâm hại ở mức cao) để thống nhất đưa vào kế hoạch thực hiện chương trình.

Khắc Dũng