Trí thức trẻ về xã nghèo

04:10, 17/10/2013

Lần đầu tiên, một lớp đào tạo, bồi dưỡng 43 trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tốt nghiệp đại học chính quy được tổ chức tại Lâm Đồng để trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trước khi về với các xã nghèo.

Lần đầu tiên, một lớp đào tạo, bồi dưỡng 43 trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên tốt nghiệp đại học chính quy được tổ chức tại Lâm Đồng để trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho những phó chủ tịch UBND xã tương lai trước khi về với các xã nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến đến thăm lớp đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người DTTS gốc Tây Nguyên tốt nghiệp đại học chính quy tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến đến thăm lớp đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người DTTS gốc Tây Nguyên tốt nghiệp đại học chính quy tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã


Thực hiện Kết luận số 242-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 26 và Quyết định số 918/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ là người DTTS gốc Tây Nguyên tốt nghiệp đại học chính quy tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, Trường Chính trị tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, biên soạn tài liệu giảng dạy, học tập cho lớp học. Trường Chính trị đã phối hợp với Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành và đại diện một số các cơ quan trên địa bàn tỉnh tổ chức hội nghị bàn về nội dung chương trình, kế hoạch của lớp học. Nhà trường đã có quyết định phân công giảng viên và mời đại diện 23 cơ quan ban ngành, địa phương trong tỉnh tham gia xây dựng chương trình và nội dung giảng dạy của toàn khóa học. Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị quán triệt để thống nhất nội dung, phương pháp và cách thức biên soạn tài liệu. Đồng thời, tiến hành rà soát, chỉnh sửa, bổ sung tài liệu và in ấn phát hành phục vụ kịp thời cho lớp học.

Tham gia lớp học có 43 học viên, gồm 23 học viên nam và 22 học viên nữ, trong đó, có 2 đảng viên và 41 đoàn viên. Các học viên có độ tuổi từ 23 đến 33. Số lượng học viên đông nhất ở huyện Di Linh với 9 học viên, huyện Bảo Lâm và huyện Lạc Dương có 6 học viên, các huyện Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương mỗi huyện có 4 học viên, các huyện Lâm Hà và Đạ Tẻh mỗi huyện 3 học viên, 2 huyện Cát Tiên và Đạ Huoai mỗi huyện 2 học viên, thành phố Đà Lạt 1 học viên. Tham gia khóa học, các học viên học lý thuyết 3 tháng với thời lượng 660 tiết gồm 44 chuyên đề về lý luận chính trị và thực tập 3 tháng, trong đó, thực tập tại huyện 0,5 tháng và tại xã 2,5 tháng.

Qua các phần đã được học, bước đầu học viên nắm được những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước. Kết quả kiểm tra phần I - Kiến thức lý luận chính trị cơ bản có 100% đạt yêu cầu, trong đó giỏi 16%, khá 79%, trung bình 5%; kiểm tra phần II - Kiến thức chung có 100% học viên đạt yêu cầu, trong đó, 39,5% đạt khá, giỏi.

“Nhà trường đã phân công các giảng viên và mời báo cáo viên có năng lực và có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình trong truyền đạt kiến thức, nội dung, để đảm bảo chất lượng bài giảng, bổ sung, cập nhật kịp thời những kiến thức mới qua thực tiễn công tác, có liên hệ giữa lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng sinh động, dễ hiểu. Qua phiếu đóng góp ý kiến, hầu hết học viên cho rằng về nội dung chương trình cơ bản là phù hợp, bám sát thực tiễn, giúp cho học viên nắm được những kiến thức cơ bản để vận dụng vào thực tế tại cơ quan, đơn vị công tác. Đa số học viên đều là sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học hệ chính quy ở các trường đại học, một số đã được bố trí công tác ở cơ quan chuyên môn của huyện và xã, nên việc tiếp cận những kiến thức chung, kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước bước đầu cũng gặp những khó khăn. Tuy nhiên, các học viên đã tích cực, chịu khó và cố gắng trong học tập, tất cả học viên đều có ý thức trách nhiệm trong học tập, nghiêm túc, chú ý lắng nghe và ghi chép bài đầy đủ, chấp hành tốt nội quy, quy chế nhà trường, đảm bảo duy trì sĩ số và thời gian lên lớp”, ông Đỗ Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Chính trị Lâm Đồng cho biết.

Đây chính là sự tin tưởng của Đảng bộ, chính quyền và nhất là của nhân dân trong tỉnh về những người con ưu tú của buôn làng đã được lựa chọn để đem sức trẻ, tri thức cống hiến cho các xã nghèo, chăm lo đời sống người dân để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

TUẤN HƯƠNG