"Trồng người" vùng đất khó

03:10, 24/10/2013

Tỉnh Lâm Đồng phần lớn trường vùng sâu, vùng xa; còn 1 huyện, 84 xã và 81 thôn nghèo. Học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 23%. Trách nhiệm của người thầy "không phải là gõ đầu trẻ để kiếm cơm", mà phải chăm lo, dạy dỗ, đào tạo các em thành người công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt, người chiến sĩ tốt, có đạo đức trong sáng, có tri thức và sức khỏe để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Tỉnh Lâm Đồng phần lớn trường vùng sâu, vùng xa; còn 1 huyện, 84 xã và 81 thôn nghèo. Học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 23%. Trách nhiệm của người thầy "không phải là gõ đầu trẻ để kiếm cơm", mà phải chăm lo, dạy dỗ, đào tạo các em thành người công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt, người chiến sĩ tốt, có đạo đức trong sáng, có tri thức và sức khỏe để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân… Những di huấn đó cùng tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được đội ngũ nhà giáo Lâm Đồng tự bồi dưỡng, thực hiện sinh động và ngày càng lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng.

Bài 1: Gian nan trường xa, vất vả trường gần

Ốc đảo ruồi vàng

Tôi chọn 2 trường học “2 trong 1”, tiểu học (TH) & THCS là Trường Đưng K’Nớh, xã K’Nơh, huyện Lạc Dương và Trường ChơRé xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng. Đưng K’Nơh, xã nghèo nhất tỉnh. Hộ nghèo năm 2009 trên 54%; năm 2012 gần 30%, cận nghèo gần 10%. Xã giáp ranh tỉnh Đăk Lăk, có độ cao 1.700 mét. Phải qua 3 “cổng trời”, mùa mưa lũ thành ốc đảo. Dân cư ở phân tán. Thôn Đưng Trang đến trường mất 2 giờ đường rừng, HS không về, ở lại nhà người quen. Nhà bán trú, bếp ăn HS chưa có; phòng ở GV chưa đủ. Nhưng, Đưng K’Nơh có “đặc sản” nhiều nhất tỉnh là con ruồi vàng (xmach rơmit). Cô Hà Thị Lê tốt nghiệp Đại học Ngữ văn, 3 năm làm văn thư kiêm thủ quỹ của trường nói: “Ruồi vàng cắn khiếp lắm anh ơi !”. Tháng 10, trường chưa dạy tiếng Anh TH vì không có tài liệu…

Nhưng 10 năm trước, thời chỉ lớp “nhô”, nay Đưng K’Nơh đỡ hơn rất nhiều, có điện, nước, tivi, Internet và cơ sở vật chất. Song việc học của HS nhiều phụ huynh còn “khoán trắng” cho trường. Yêu nghề, an cư lạc nghiệp. Hiện 18 cặp CB, GV nên vợ chồng; 50% cặp các tỉnh định cư ở Đưng K’Nơh. Hiệu trưởng Bon Niêng Ha Soanh nói, 31 CB, GV, CVN đều an tâm công tác, đeo đuổi với 13 lớp, 217 HS. Tỷ lệ vẫn duy trì vững: tuyển sinh lớp 6 đạt 100%; sĩ số TH 99%, THCS 97%. Năm học 2012-2013, hạnh kiểm HS THCS loại tốt 67%, khá 33%; học lực khá 20%, trung bình 49%; học lực TH giỏi và khá 23%... “Năm học này, ít nhất 90% GV loại khá, giỏi về tự bồi dưỡng chuyên môn, không có GV không hoàn thành. GV phải nỗ lực sáng tạo và tận tâm để thu hút HS qua từng giờ học, chứ không chỉ kiểm tra hàng ngày rồi đi huy động lại. Học tập và làm theo Bác là quan tâm, thương yêu HS, đồng nghiệp; nỗ lực về chuyên môn…”, Ha Soanh nói.

 Giờ học ở Trường TH&THCS ChơRé
Giờ học ở Trường TH&THCS ChơRé


Trường xa phòng nhất tỉnh

Xã Đạ Quyn giáp tỉnh Ninh Thuận. Trường ChơRé cách Phòng GD&ĐT huyện 60 cây số. Trường thành lập sau cùng của huyện; 95% HS dân tộc Churu và K’Ho. Đạ Quyn cũng là xã nghèo; năm 2012, hộ nghèo 24%, riêng DTTS 27%. Là vùng giãn dân, thôn xa trường nhất là Ch’Rung, hơn 15 km; 70% HS đi bộ mất nhiều giờ. Chưa có nhà bán trú, người dân chung tay dựng nhà tạm cho HS ở gần trường. Theo hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tùng, khó nhất là chưa tách trường được, nên thiếu phòng học 2 buổi ở TH và phòng chức năng ở THCS… Con đường đến trường ô tô chở gỗ xéo nát, GV đi ủng lội bùn, trơn trượt mùa mưa và mịt mù bụi đất không thấy đường đi lúc nắng cháy. Chủ tịch xã Đạ Quyn Ja Thương nói: Đường khó đi, nên một số cháu bỏ học, được động viên, các cháu đến trường rồi. Mưa nhiều ngày, khắc phục không được.

44 CB, GV hầu hết từ vùng khác đến, chỉ 3 GV là người của xã do đó chỗ ở còn khó. Để trụ lại với trường, địa phương nên tạo điều kiện về đất là nguyện vọng của hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tùng. Nhưng, trên hết là nhà trường đã làm nhiều việc nhân ái. HS học lực yếu, phụ đạo không thu tiền; HS chưa có bàn ghế học ở nhà được hỗ trợ bàn ghế cũ và toàn trường quyên góp tiền lương cho HS khó khăn… Ja Thương cho biết, các đoàn thể xã lồng ghép các chương trình, kế hoạch vận động HS đi học. HS ngại đi, GV vào buôn gặp phụ huynh rồi qua già làng, đoàn thể cùng vận động. Chi hội khuyến học thôn đóng góp đắc lực. Trường quy định mỗi học kỳ GV phải đến được 50% gia đình HS, hết năm học đến tất cả để xây dựng mối liên kết. “GV phải gắn kết với phụ huynh mới làm được. Nếu buông lỏng ra và không vừa dạy vừa dỗ thì không thể duy trì sĩ số và nâng chất lượng được”, thầy Nguyễn Ngọc Tùng nói. Hai năm học này, huy động 100% HS TH và 99-100% HS THCS ra lớp; sĩ số từ 98-99%; hiệu quả đào tạo TH đạt 92%, THCS đạt 84%...

Một trong những điều Bác Hồ nhắc nhở người thầy là phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất. Chỉ có vậy, thầy giáo mới không bị lạc hậu. Điều này ở 2 trường đều chú trọng. Đó là học hỏi đồng nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, linh hoạt về phương pháp truyền thụ… GV đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 53% và 68%. Trường thường xuyên tổ chức ngày hội đọc sách, giao lưu hoạt động văn nghệ, thể thao, hoạt động kỹ năng… để nâng cao năng lực tiếng Việt cho HS.

Mẹ hiền - cô tiên

N’Thôl Hạ có quốc lộ 27 nhưng làm giáo dục hết sức khó, bởi đây cũng là xã nghèo. Cô giáo PangKao K’Xem 12/16 năm làm hiệu trưởng là “thuyền trưởng” của Trường MG N’Thôl Hạ. Trường nhiều năm đạt “Trường chuẩn quốc gia” với nhiều lĩnh vực đạt cao: duy trì sĩ số, bé chăm, bé ngoan, bé sạch, trẻ cân nặng phát triển bình thường, trẻ có chiều cao phát triển bình thường... và 10 năm nay đạt “Trong sạch vững mạnh”.

Về phương pháp giáo dục, Bác Hồ chỉ giáo: cách học phải nhẹ nhàng; không gò ép HS vào khuôn khổ người lớn; phải đặc biệt chú trọng đến sức khỏe của các cháu, chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự phát huy nội lực… Trong tập thể 21 CB, GV (100% GV đạt chuẩn, 94% trên chuẩn), nhiều tấm gương hết lòng vì HS. Đó là cô Lê Thị Thanh Duyên nhà cách trường 15 km, nhưng luôn có mặt sớm đón các cháu, dù mưa hay nắng; cô Kon Sơ Ka Khin đưa HS về nhà tắm rửa và nuôi ăn, hôm sau đưa ra trường vì phụ huynh không đón… KăSă Sang Min là HS nghèo, Trường nhận cháu vào sớm để đỡ đầu toàn diện. Ngờ nghệch không khác “người rừng” như các cô nói, vì cháu không được giao tiếp với cộng đồng. Sau 1 năm, sự hòa nhập của Sang Min đã tác động mạnh đến nhận thức của nhiều phụ huynh.

Trường hợp K’Huấn càng nhói lòng. 4 tuổi, nặng 9 kg, suy dinh dưỡng rất nặng. Cháu chỉ bò, đi không vững, vì hàng ngày mẹ chỉ địu trên lưng. Không biết đi vệ sinh; không biết ăn cơm, cháo, thịt, trứng, vì bố mẹ chỉ cho uống sữa. Phác đồ nuôi cháu bằng chế độ đặc biệt với hồ sơ theo dõi riêng. Giao hiệu phó Vũ Ngọc Anh theo dõi và 2 cô Lê Thị Hiền và KonSă Ka Nguyệt làm mẹ đỡ đầu. Các cô kể, những ngày đầu, chăm bẵm từng tí cơm chấm muối mè nhưng cũng nản vì sợ bé không sống nổi. Mỗi lần thấy cháu ăn ít ai cũng buồn rượi, xúm vào bàn bạc. Phụ huynh tha thiết trông cậy hoàn toàn vào nhà trường và lương tâm ray rứt, các cô nhẫn nại chăm nuôi. Sau 6 tháng, K’Huấn bắt đầu biết ăn dần, lên được 10,8 kg. Cháu bắt đầu biết ra hiệu đi vệ sinh, biết hòa nhập chơi với cô và bạn bè cùng đọc và hát, tuy còn khó. Hiệu phó Ngọc Anh phụ trách bán trú, vừa gặp riêng các phụ huynh vừa tổ chức chuyên đề cho phụ huynh nắm kiến thức nuôi con. Cô xúc động: “Ngày nào không có trẻ cũng buồn, dù các trẻ còn ngọng nghịu nhưng gặp cô là ôm cô kêu chào”…

Bài 2: Trắng đêm ray rứt lớp trống chỗ

Ghi chép: MINH ĐẠO