Để học sinh (HS) có đủ đức, tài thì trước tiên thầy, cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu HS và nghề nghiệp. Hồ Chí Minh rất chú ý đến giáo dục bằng hành vi nêu gương. Thầy, cô giáo như những tấm gương trong sáng, mẫu mực để HS noi theo.
Trắng đêm ray rứt với lớp trống chỗ
[links()]Để học sinh (HS) có đủ đức, tài thì trước tiên thầy, cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu HS và nghề nghiệp. Hồ Chí Minh rất chú ý đến giáo dục bằng hành vi nêu gương. Thầy, cô giáo như những tấm gương trong sáng, mẫu mực để HS noi theo.
Áp dụng công nghệ thông tin, cô Liêng Hot Di Na giúp học sinh lớp 1 tiếp thu nhanh môn Tiếng Việt |
Hai trường Tiểu học (TH) Tà Hine và N’Thôl Hạ của Đức Trọng dù quốc lộ kề bên, nhưng đang là xã nghèo. Năm 2012, Tà Hine còn 21% hộ nghèo, riêng DTTS 24%; thêm 25% hộ cận nghèo nữa; N’Thôl Hạ trên 17% hộ nghèo, DTTS trên 20% và 14% cận nghèo. Trường TH Tà Hine gần 270/300 HS dân tộc Churu và K’Ho; Trường TH N’Thôl Hạ 566/636 HS DTTS. Nhưng, 2 trường đều có 100% GV đạt trình độ chuẩn, 85-90% trên chuẩn. Hai trường huy động HS trong độ tuổi ra lớp đạt 100%; HS được duy trì sĩ số và xếp loại hạnh kiểm, học lực đạt cao. TH Tà Hine là “Trường đạt chuẩn quốc gia” từ 2009…
Bác Hồ nói “Giáo dục nhi đồng là một khoa học”, do vậy cách dạy trẻ phải “giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm”. Bác thường nhắc nhở: chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Xác định quan tâm nhất là lớp 1, hai trường tích cực tổ chức phụ đạo giúp các cháu được bồi đắp vốn tiếng Việt làm phương tiện tiếp thu các kiến thức. “Bổ trợ thêm tiếng Việt vào buổi chiều, nên khó nhất là duy trì sĩ số. Nhà trường không gây áp lực nhiều về chất lượng đối với các em, nếu áp lực là nghỉ ngay. Đến bây giờ thì đa số các cháu đã nắm được cơ bản chứ hồi đầu các cháu nó kén lắm!”, Hiệu trưởng TH Tà Hine Đinh Thị Nga nói. Đạo đức và tính chuẩn mực về nói năng của người thầy làm gương cho HS noi theo được Hiệu phó TH N’Thôl Hạ Lơ Mu Ka Dơng đặc biệt nhấn mạnh: “Trước đây, các em chỉ nói cộc lốc, nay em nào cũng biết thưa gửi rồi anh ạ”.
Nếu TH Tà Hine chọn 2 cô người địa phương và cô Nguyễn Thị Kiều Bắc giỏi nắm bắt tâm lý và nhẹ nhàng với HS lên lớp, thì TH N’Thôl Hạ chọn 3 CBGV trong 20 CBGV địa phương có uy tín nhất làm nhiệm vụ chuyên trách vận động: thầy Kon Sa K’Đức, thầy Kon Sa HaBrơess và hiệu phó Lơ Mu Ka Dơng. Cô Ka Dơng kể: “Những trường hợp khó vận động nhất là HS có cha mẹ làm ăn trong rẫy xa, con cái phó mặc lại cho họ hàng trông. GV phải lần theo bạn bè của nó xem đêm đó nó nằm ở đâu để tìm đến trò chuyện, giúp đỡ chút đỉnh động viên, dụ dỗ các em ra trường, đừng ở nhà mà khổ”. Thường những HS này ít đủ gạo ăn, giấy bút hay hư hao do không biết cách sử dụng nên nhà trường kêu gọi CBGV, HS tự nguyện đóng góp giúp đỡ. Cũng có HS lên trường đói, GV mua bánh mì cho các em ăn để theo học. Khi HS vắng, GV chủ nhiệm báo ngay cho trường và hết giờ dạy họ vào thôn buôn, bỏ việc gia đình và tự đổ xăng xe. Nhận thấy cần phụ đạo, GV tự tổ chức tập trung HS lên lớp dạy không thu tiền. Cô Nga kể: GV phải biết địa chỉ, hoàn cảnh từng em cụ thể chứ không thì khó mà hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Hôm Tết xong 15 em nghỉ học, chiều hôm đó, các cô phải đến tận nhà hỏi thăm, chúc mừng năm mới và tìm hiểu nguyên nhân em nào nghỉ do ốm, em nào ham chơi và động viên, kiên trì tỉ tê rồi cả 15 em lại đến trường. Cô nào trong tủ cũng có kẹo bánh, giấy bút để phát động viên học trò. Các cháu vẫn cứ hiểu đi học là để cho nhà trường chứ chẳng phải cho gia đình và bản thân… Những chiều HS thi, các cô ở lại buổi trưa chăm cho các cháu ăn và nghỉ ngơi chu đáo, ân cần. Trường tuy nhiều GV trẻ, nhưng ai cũng nhiệt tình, nổi trội nhất là các cô Nguyễn Thị Kiều Bắc, TouBrong JaZai, Lê Thị Hiền, Ka Hòa…
Hiệu phó TH Tà Hine TuNeh Jiong Minh Thanh, dân tộc Churu, 25 năm nghề “trồng người”, 20 năm công tác tại trường chia sẻ về trường hợp HS Ja Thủa lớp 5C: Cháu được chọn đi thi điền kinh của tỉnh, nhà trường mời phụ huynh đến, nhưng họ kiên quyết không cho đi vì không an tâm, sợ mất con. Chưa thành, cô Minh Thanh và chủ nhiệm lớp tiếp tục đến nhà phân tích đả thông tư tưởng, động viên cha mẹ rồi ngồi chờ Ja Thủa đi chơi về để giải thích. “Vất vả lắm, em mất 3 tiếng ngồi ở đó gia đình mới đồng ý cho đi”, cô Thanh nói. Cô cho biết: So với trước, giờ các cháu được học 2 buổi; nhận thức của phụ huynh cũng thay đổi; GV người địa phương được đào tạo bài bản, tích lũy nhiều kinh nghiệm từ anh em các dân tộc khác, nên việc huy động sĩ số và chất lượng giáo dục năm sau cao hơn năm trước. GV dân tộc Kinh cũng tích cực học qua đồng nghiệp và đến với dân. Qua đó, các thầy cô vừa học tiếng vừa hiểu về văn hóa bản địa. Những hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống nhà trường tổ chức cũng là kênh giao tiếp quan trọng để GV nắm bắt hoàn cảnh cụ thể từng HS. Nhờ vậy, không chỉ chuyển hóa nhận thức ở phụ huynh, mà đã tác động tích cực nhiều đến xã hội…
Đơn cử ở N’Thôl Hạ, trường hợp Lơ Mu Ha Thai, Chủ tịch Hội Cha mẹ HS và mục sư Cill Pam Ha Leu thôn Srê Đăng. Ông Ha Leu nhận xét: “Các thầy cô bỏ thời gian đến tận gia đình động viên, ai cũng nhiệt tình, kể cả những ngày mưa gió, ban đêm, sau giờ lên lớp. Thầy cô có cách dạy mới nên giữ được sĩ số từ khai giảng đến cuối năm học. Rất tiếc là mấy em không chăm chỉ đến trường”. Cảm kích với nhà trường, mục sư đã vận động dân góp ván làm nhà công vụ cho GV; đặc biệt thường xuyên giúp GV vận động HS mỗi khi họ bất lực. Ngày chủ nhật, các tín đồ đến nhà thờ, mục sư Ha Leu nhắc nhở mọi người thứ Hai nhớ đưa con đến trường. Ông chia sẻ: Tôi rất muốn cho con em có được nhận thức và có đạo đức để sau này trở thành công dân tốt cho xã hội và là tín đồ biết ăn nói trong hội Thánh. Trước đây ông bà thiệt thòi về cái chữ. Vì vậy tôi động viên các cháu đến trường. Các cháu có chữ là có hiểu biết; học được khoa học kỹ thuật để sản xuất đỡ được sức lao động. Cho nên tôi luôn nhắc nhở gia đình từ khai giảng, giữa học kỳ và cuối học kỳ. Nếu bà con chưa hiểu, mình không nản lòng mà tiếp tục giải thích, nhắc nhở vận động…
Bài 3: Dẫu còn nghèo quyết không đói chữ
Ghi chép: MINH ĐẠO