Bác Hồ chỉ cho chúng ta thấy rõ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bởi vì, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp "trồng người" thắng lợi.
Dẫu còn nghèo quyết không đói chữ
[links()]Bác Hồ chỉ cho chúng ta thấy rõ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bởi vì, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp “trồng người” thắng lợi.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến vào tận vùng người H’Mông động viên bà con đừng để con em thất học |
Gian truân phổ cập
Phổ cập giáo dục (PCGD) THCS ở Lâm Đồng sau hơn 7 năm phấn đấu, tháng 1/2009, trở thành tỉnh đầu tiên của Tây Nguyên, tỉnh thứ 49 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia. Nhưng, tại địa bàn tốp đầu về GD&ĐT của tỉnh (Đức Trọng và Đà Lạt), cuối năm 2012 xã Tà Hine và cuối năm 2011 xã Tà Nung mới về đích vững. Bởi, dù là cấp độ 1, phải bảo đảm các điều kiện: được công nhận đạt chuẩn PCGD TH và công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; tỷ lệ thanh, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tốt nghiệp THCS đạt ít nhất 70%...
Cả 2 trưởng phòng GD&ĐT, anh Nguyễn Quang Thái ở Đức Trọng và Nguyễn Vĩnh Phúc ở Đà Lạt đều rất vui mừng vì kết quả của PCGD THCS của 2 xã này. Còn Hiệu trưởng THCS Tà Hine Phan Thị Thảo và Hiệu trưởng THCS&THPT Tà Nung Phan Văn Thế vừa tự hào trút được gánh nặng nhọc nhằn. Cô Thảo kể nghẹn ngào: Khó khăn lắm anh ạ. Vừa là xã nghèo lại hơn 90% HS DTTS tại chỗ. Kinh nghiệm từ 2 xã, ngoài trách nhiệm chính của nhà trường, vai trò vô cùng quan trọng là phải có sự đồng bộ giữa trường với cấp ủy, chính quyền xã, nhân dân và HS. Bên cạnh đó, yếu tố đóng góp to lớn về nguồn lực vật chất của CBGV và toàn xã hội. Để thành công như hôm nay, 2 phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện và thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề chống bỏ học và đảm bảo duy trì phổ cập THCS. Hội nghị có lãnh đạo và các ban, ngành của xã đến già làng, trưởng thôn và các chức sắc tôn giáo… Sau hội nghị, trường và xã triển khai rốt ráo và bền bỉ. Nhiều cán bộ xã chia sẻ những tháng ngày cùng làm phổ cập không giấu xúc động và tự hào. Phó Chủ tịch xã Tà Nung Kră Jăn Ha Djiệp nói: Đa số HS bỏ học THCS giữa chừng là do hoàn cảnh kinh tế và nhận thức của một số bà con. Vì vậy, nhà trường và xã cùng xây dựng kế hoạch, phối hợp phân công từng đoàn thể, đoàn thể cử từng cá nhân cụ thể đi vận động các gia đình. Ví dụ trưởng thôn Phan Gia Hợi lo thôn 2, trưởng thôn Lơ Mu Ha Ten thôn 6… Tiền và vật chất các nơi hỗ trợ giao hẳn các trưởng thôn giúp trực tiếp hộ khó khăn. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Nung Trần Thị Huyền cho biết thêm: Tư tưởng chị em DTTS lo đủ ăn chứ không lo đủ chữ. Do đó, sau khi nhà trường có số liệu HS bỏ học, xã thành lập Ban chỉ đạo; theo đó, hàng tháng, phụ nữ họp rà soát cùng các thành viên mặt trận khác giám sát từng HS một. Chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là hành động tự giác của nhiều cán bộ. Hàng ngày, họ canh HS ăn xong bữa là đưa các cháu đó đến trường giao cho thầy cô, dù lớp ngày hay đêm. HS nào đã “bắt chồng” có con, phụ nữ mua quà mang đến kiên trì động viên để bà ngoại trông cháu cho mẹ đi học. Có khi còn hòa giải giữa các cặp vợ chồng để họ đồng lòng cho con ra lớp… “Chính tấm lòng của các thầy cô đã tác động rất lớn đến chúng tôi. Một em họ cũng dạy, 2 em họ cũng dạy. HS của đoàn thể nào vắng mặt họ báo ngay cho đoàn thể đó. Theo sát, theo miết. Nếu không quyết tâm thì không xong”, chị Huyền nhận xét…
Trưởng phòng Nguyễn Quang Thái nói: “Chúng tôi và nhà trường nhận thức sâu sắc việc duy trì sĩ số, chống bỏ học lưu ban là con đường hiệu quả nhất để củng cố vững chắc PCGD, phát triển giáo dục toàn diện và bền vững”. Hiện, Tà Hine đạt tiêu chí trong độ tuổi tốt nghiệp THCS đạt 71,6%, Tà Nung đạt 73,6%. Để giữ vững, nhà trường và xã tiếp tục bám sát, quyết không để tuột mất.
Chung tay với huyện nghèo Đam Rông
Đam Rông có 73% đồng bào dân tộc tại chỗ, chưa kể các dân tộc nơi khác di cư đến. Năm 2011, hộ nghèo chiếm 52%, trong đó DTTS 72%. Hiện, hộ nghèo chỉ còn 22%, DTTS 30% và 11% hộ cận nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Tâm khẳng định: Với sự đầu tư tích cực của Nhà nước và nội lực phấn đấu của huyện, Đam Rông đang quyết phấn đấu đến năm 2015 thoát khỏi huyện nghèo của nước. Hai trở lực chính ngày càng được hóa giải là nguồn vốn thiếu và trình độ dân trí thấp. Không liệt kê nhưng mấy năm nay sự dồn sức đầu tư trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đối với huyện rất lớn. Đến nay, 100% trường THCS, 50% trường TH có phòng máy vi tính; triển khai dạy chương trình Tin học đại trà cho HS khối 6 đến khối 9 và từ lớp 3 đến lớp 5… Sức người và sức của đã tác động toàn diện và hiệu quả rõ rệt, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT. Từ người dân, HS đến đội ngũ giáo dục được hưởng lợi những giá trí quý báu ấy. Với đội ngũ nhà giáo, trường nào cũng nỗ lực hy sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Trường TH Đạ Nhing nhiều năm không có tiền thưởng Tết, Hiệu phó Dương Mai Oanh giải thích: “Vì trường nghèo quá, cứ phải mua sắm cơ sở vật chất và đồ phục vụ dạy học đã”. Hiệu trưởng THCS Đạ Long Trần Văn Tuấn nói: Số tiền dành dụm được mua tivi 50 inch hơn 23 triệu đồng phục vụ học tập là trên hết; nguyện vọng của GV là phần tiết kiệm bổ sung vào cơ sở vật chất nhà trường. Liêng Hót Ha Hai, Hiệu phó THPT Đạ Tông cho biết thêm: Thiếu nhiều nhưng không thể thiếu tấm lòng nhà giáo, đặc biệt không để thiếu một HS đến trường… Đội ngũ nhà giáo đã và đang thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Đó là: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình… Trưởng phòng GD&ĐT Trần Phú Vinh cho biết: Toàn huyện đã có 6/8 xã đạt chuẩn PCGD MN; 8/8 xã duy trì đạt chuẩn PCGD TH và THCS đúng độ tuổi. Duy trì sĩ số đạt 96%; lên lớp thẳng 90%, đều tăng so năm học trước… Ở Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đam Rông, Hiệu trưởng Đinh Trọng Bảy nói: “Năm học 2013-2014, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện HS, trong đó đặc biệt là chất lượng các bộ môn văn hóa như Ngữ văn, Toán, tiếng Anh. Trường phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn quốc gia”...
Giáo dục Lâm Đồng dẫn đầu vùng 4
Chủ trương và chính sách của Nhà nước là không có trẻ em không được đến trường hoặc phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở. Năm học 2012-2013, HS DTTS ở Lâm Đồng đã được chi 3,4 tỷ đồng để cấp vở, cho mượn sách không thu tiền; miễn 100% tiền học phí… CB, GV toàn ngành nhận đỡ đầu bằng nhiều hình thức trên 500 HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội Phụ nữ các cấp trao 523 suất học bổng với tổng số tiền gần 50 triệu đồng; quyên góp 1.740 bộ quần áo và sách vở, quà trị giá hơn 344 triệu đồng; giúp đỡ trên 31.400 HS có hoàn cảnh khó khăn.
Một trong 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2013-2014, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Ngọc cho biết: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngành và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. “Để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy cho HSDT trong những năm sắp tới, ngành sẽ tiếp tục đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng GV giảng dạy tại các trường thuộc vùng có HS DT vào kế hoạch hàng năm. Theo đó, tiếp tục đầu tư bồi dưỡng về chuyên môn - nghiệp vụ cho đội ngũ GV cả người Kinh và DTTS…”.
Một năm đội ngũ ngành giáo dục Lâm Đồng cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh đã miệt mài phấn đấu để ngày một nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Toàn ngành đã và đang tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với nhiều cuộc vận động khác. Năm học 2012-2013, ngành giáo dục Lâm Đồng hoàn thành xuất sắc 11/16 lĩnh vực công tác, dẫn đầu vùng thi đua số 4 gồm 10 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Cờ thi đua cho 5 đơn vị, 32 bằng khen cho tập thể và cá nhân; công nhận 13 tập thể Lao động xuất sắc.
Ghi chép: MINH ĐẠO