(LĐ online) - Vừa qua, huyện Lâm Hà đã huy động hàng trăm người gồm lực lượng quân đội, công an và dân quân cơ động để giúp hơn 200 hộ dân di dời người và tài sản khỏi khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 đang tích nước dâng cao...
(LĐ online) - Vừa qua, huyện Lâm Hà đã huy động hàng trăm người gồm lực lượng quân đội, công an và dân quân cơ động để giúp hơn 200 hộ dân di dời người và tài sản khỏi khu vực lòng hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 đang tích nước dâng cao. Tuy nhiên, hơn 100 ha cà phê cũng như nhiều tài sản khác của người dân các xã Liên Hà, Tân Thanh vẫn bị chìm ngập trong biển nước của lòng hồ thuỷ điện.
Nhiều tài sản của người dân không kịp di dời nên đã bị chìm trong biển nước |
Sự việc trên xảy ra là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lâm Hà thì việc người dân không kịp di dời tài sản và thu hoạch cà phê là do Công ty CP thủy điện Trung Nam (chủ đầu tư Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 2) thông báo thời gian tích nước quá gấp. Ngày 18/9, UBND huyện Lâm Hà nhận được Fax thông báo về việc tích nước hồ chứa Thuỷ điện Đồng Nai 2 thì đến ngày 21/9 công ty đóng đập tích nước. Có nghĩa là địa phương chỉ nhận được thông báo trước 2 ngày thời gian tích nước. Tuy huyện Lâm Hà đã có công điện khẩn chỉ đạo các xã và ban ngành tại địa phương triển khai các biện pháp di dời người và tài sản cho dân nhưng vẫn không kịp. Một nguyên nhân nữa mà khiến cho người dân chậm trễ trong việc di dời tài sản và thu hoạch cà phê là do Công ty CP thủy điện Trung Nam chưa thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. Ông Trần Đăng Sửu - trưởng xóm Bến Đò, thôn Hà Lâm, xã Liên Hà cho biết: “Khi nhận được lịch đóng nước hồ chứa nước Thủy điện Đồng Nai 2, tôi đã đi thông báo cho toàn thể bà con trong diện bị giải tỏa để di dời nhưng do thời gian quá ngắn nên hầu hết các hộ dân đều bị động trong việc vận chuyển nhà cửa, thu hoạch cây trồng. Bên cạnh đó, do nhiều hộ chưa nhận được tiền đền bù nên không chịu di chuyển nhà cửa nên khi nước dâng cao với tốc độ nhanh đã xử lý không kịp”.
Nhà máy Thuỷ điện Đồng Nai 2 được xây dựng trên sông Đa Dâng, một nhánh của sông Đồng Nai, nằm trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Di Linh với diện tích đất thu hồi lớn. Riêng tại huyện Lâm Hà có 475 ha đất của 297 hộ dân ở các xã Liên Hà, Tân Thanh và Đan Phượng nằm trong diện đền bù, giải toả với tổng kinh phí chi trả, bồi thường, hỗ trợ là 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày tích nước, đơn vị chủ đầu tư mới chi trả được 2 đợt với số tiền hơn 76 tỷ đồng cho 156 hộ dân. Nhiều hộ dân chưa nhận được hoặc nhận chưa đủ tiền đền bù nên họ chưa di dời mới dẫn đến tình trạng trên. Gia đình chị Phạm Thị Hương ở xóm Bến Đò, thôn Hà Lâm, xã Liên Hà có 3,1 ha cà phê kinh doanh, cộng với nhà ở, cây trồng lâu năm và trại chăn nuôi gia cầm… thuộc khu giải tỏa để xây dựng Thủy điện Đồng Nai 2. Theo cam kết với chủ đầu tư dự án Thủy điện Đồng Nai 2 thì gia đình chị được bồi thường tổng số 924 triệu đồng, tuy nhiên đến ngày 24/9/2013, nghĩa là sau khi chủ đầu tư dự án thủy điện đã thực hiện việc tích nước lòng hồ thì gia đình chị Hương vẫn chưa hề nhận được một đồng tiền bồi thường. Hai vấn đề mà gia đình chị Phạm Thị Hương cũng như 200 hộ dân trong diện giải tỏa rất bức xúc là thông báo lịch đóng nước đến khi đóng nước quá ngắn, người dân không chuẩn bị kịp và nhiều hộ dân chưa nhận được tiền bồi thường nên chưa có kinh phí để chuyển đi nơi khác.
Ngoài ra, còn có nguyên do là nhiều hộ dân đã nhận đủ tiền đền bù nhưng chủ quan chờ cho cà phê chín thêm ít nữa, thời gian qua trên địa bàn lại có mưa to nên nước lên nhanh ngoài dự đoán của người dân nên họ trở tay không kịp. Trong những ngày nước lòng hồ dâng cao, các lực lượng tại địa phương dù đã rất nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ kịp giúp người dân tháo dỡ nhà và di chuyển tài sản cho 22 hộ gia đình, chặt cây thu hoạch cà phê cho 8 hộ dân với diện tích khoảng 4 ha.
Lãnh đạo huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay mực nước của hồ Thuỷ điện Đồng Nai 2 đạt xấp xỉ mực nước chết (cao trình 665m) và ước tính có khoảng hơn 150 ha cà phê của người dân xã Liên Hà và Tân Thanh bị ngập. Trong đó có hơn 70% diện tích cà phê bị ngập chuẩn bị thu hoạch niên vụ 2013. Ngoài ra, một số gia cầm, vật nuôi, cá và máy móc, thiết bị gia dụng của nhiều hộ dân không kịp di dời nên cũng bị chìm đắm trong hồ nước. Hiện nay, địa phương cũng chưa thống kê được chính xác mức độ thiệt hại tài sản của người dân nhưng theo ước tính ban đầu thì con số thiệt hại là không nhỏ.
Hiện nay, UBND huyện Lâm Hà cũng đang tiếp tục đề nghị Công ty CP thủy điện Trung Nam khẩn trương chuyển tiền để hoàn thành chi trả cho các hộ dân có diện tích thu hồi trong vùng bị ngập nước và góp phần hỗ trợ giải quyết hậu quả do quá trình đóng đập tích nước những ngày qua gây ra.
DUY DANH