(LĐ online) - Sau khi đi thực địa hiện trường tại thôn Gia Bắc 2, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Xuân Thám, Giám đốc sở Khoa học – Công nghệ Lâm Đồng, nhận định, khu vực xảy ra hiện tượng đất bị trượt lở là vùng có kết cấu địa hình không chặt, bở rời, nhiều đá mồ côi trộn lẫn với đất bở… nên rất dễ bị xói lở khi có mưa lớn.
(LĐ online) - Ngày 22/10, Đoàn công tác của tỉnh Lâm Đồng gồm Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến khảo sát, đánh giá nguyên nhân ban đầu của hiện tượng sụt lún, trượt lở đất bất thường tại thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh.
Ghi nhận hiện trường các đường sụt lún trong vườn nhà dân |
Sau khi đi thực địa hiện trường tại thôn Gia Bắc 2, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Xuân Thám, Giám đốc sở Khoa học – Công nghệ Lâm Đồng, nhận định, khu vực xảy ra hiện tượng đất bị trượt lở là vùng có kết cấu địa hình không chặt, bở rời, nhiều đá mồ côi trộn lẫn với đất bở… nên rất dễ bị xói lở khi có mưa lớn. Nhìn chung điểm trượt lở bắt nguồn từ đỉnh núi, kéo dài xuống thung lũng dưới thấp nên đã gây ra hiệu ứng di truyền, chỗ đất bị đẩy trồi lên, chỗ sụt xuống hoặc đất bị di chuyển từ cao xuống thấp theo một đường rõ rệt.
“Theo tài liệu nghiên cứu của Viện địa lý Tài nguyên TP. Hồ Chí Minh, thôn Gia Bắc 2 nằm trong khu vực giáp ranh giữa vùng tai biến địa chất cao và vùng trung bình nên có nhiều khả năng đã chịu ảnh hưởng của hiện tượng đứt gãy địa chất, một hiện tượng khá phổ biến ở Tây Nguyên. Do đó về mặt khoa học chưa nên đặt mối liên hệ giữa hiện tượng sụt lún đất ở thôn Gia Bắc 2 với việc thủy điện Đồng Nai 2 tích nước khi chưa có ý kiến của các chuyên gia” – ông Thám nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Bùi Đình Dũng (cán bộ địa chất của sở Tài nguyên – Môi trường Lâm Đồng) cũng cho rằng, qua khảo sát thực tế thì hiện tượng trượt lở, sụt lún đất tại thôn Gia Bắc 2 rất giống với các hiện tượng dịch chuyển đất đá về mặt địa hình. Tại đây không ghi nhận các dấu hiệu hoạt động nội sinh của hiện tượng động đất, núi lửa…
Đoàn công tác cũng thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng mời các chuyên gia địa chất, nhà khoa học chuyên ngành về khảo sát, nghiên cứu để đưa ra nguyên nhân chính xác nhất.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cần cắm biển cảnh báo, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng di dời đến nơi ở mới, tránh xa những nơi có vết sụt lún khi trời mưa lớn và sớm lập phương án tái định cư cho các hộ dân bị sập nhà.
Các vết nứt và sụt lún diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn kể từ khi xuất hiện ngày 6/10 |
Nguyễn Dũng