Áp thấp nhiệt đới có khả năng phát triển thành bão ở Biển Đông

09:11, 06/11/2013

(LĐ online) - Chiều ngày 5/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai để tìm giải pháp, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13) ở Biển Đông.

(LĐ online) - Chiều ngày 5/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai để tìm giải pháp, chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão (cơn bão số 13) ở Biển Đông. Tham dự đầu cầu Lâm Đồng có đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
 
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ cho biết thì hồi 13 giờ chiều ngày 5/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc, 116,8 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 290km về phía Đông - Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 6-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
 
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây - Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30 km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ sau mạnh lên thành bão, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ sáng ngày 6-11, vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Từ chiều mai, khu vực các tỉnh nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
 
Ngoài ra, hiện nay trên khu vực Thái Bình Dương một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là Haiyan. Hồi 13 giờ ngày 5/11 có vị trí ở vào khoảng 6,5 độ Vĩ Bắc; 144,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Khoảng chiều và đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.
 
Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu phía Tây của ATNĐ nên trong 24 đến 48 giờ tới, thời tiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu nhiều mây, có mưa rải rác nhiều nơi và có nơi mưa vừa, lượng mưa phổ biến giao động từ 40 đến 60mm; gió Đông đến Đông Bắc cấp 4, cấp 5 có lúc cấp 6 giật trên cấp 7.
 
Sau cuộc họp trực tuyến, đồng chí Phạm S cũng đã đề nghị các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh phải để điện thoại 24/24 giờ và không đi công tác ngoại tỉnh để trực và chỉ đạo ứng phó kịp thời nếu có sự cố xẩy ra; các ngành chức năng và các địa phương cần kiểm tra theo dõi an toàn các hồ đập thuỷ lợi trên địa bàn; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa đề phòng lũ quét, sạt lở đất và lốc xoáy có thể xẩy ra do ảnh hưởng của hoàn lưu bão…
 
DUY NGUYỄN