Đó là biệt danh mà không ít người dân xã Tân Hà (Lâm Hà) dành để gọi tên ông Ký - Nguyễn Văn Ký (73 tuổi, trú tại thôn Thạch Thất I, xã Tân Hà), người "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" suốt gần 5 năm qua...
Đó là biệt danh mà không ít người dân xã Tân Hà (Lâm Hà) dành để gọi tên ông Ký - Nguyễn Văn Ký (73 tuổi, trú tại thôn Thạch Thất I, xã Tân Hà), người “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” suốt gần 5 năm qua...
|
“Ký giả làng” đang phát bản tin thông báo chuẩn bị cho đại hội Mặt trận xã |
Trong ngần ấy thời gian, cùng với bộ loa, đài (tự sắm), ông Ký kiêm luôn chân “phát thanh viên” làm “cầu nối” kiến thức cho người dân trong thôn.
Nhớ về những tháng ngày làm “Ký giả làng”, ông Ký kể: Năm 2009, với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, để đạt được các chỉ tiêu thu ngân sách cũng như các loại quỹ mà chính quyền xã giao cho Mặt trận thôn, ông nghĩ ngay đến công tác dân vận. Bởi theo ông, tuyên truyền lúc nào cũng phải đi trước, trong khi địa bàn dân cư rộng, nhiều cuộc họp triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước thì người đi, người không, nên việc tuyên truyền bằng âm thanh là rất cần thiết. Chỉ có phát thanh thì tất cả người dân trong thôn mới nắm bắt thông tin kịp thời, có thời gian suy ngẫm, không bị động và tạo được sự đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Văn Ký (73 tuổi đời, 45 tuổi Đảng; nguyên quán Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội, nay thường trú tại thôn Thạch Thất I, xã Tân Hà), người có hơn 12 năm làm lính cảnh vệ thuộc Bộ Tổng tham mưu. Cuối năm 1974, phục viên về làm Thư ký đội cày toàn xã. Năm 1976, xung phong đi tiền trạm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Hà. Từng làm Chủ tịch Cựu chiến binh xã Tân Hà và làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn trong nhiều năm liền. |
Nghĩ là làm, ông Ký tự bỏ tiền túi ra mua dàn máy gồm âm ly, micro và một cái loa sắt rồi tự làm “phát thanh viên” và tỏa đi khắp các đường làng, ngõ xóm trong thôn để làm “nhịp cầu” kiến thức cho người dân. Dẫu nắng, dẫu mưa, mỗi khi có chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, huyện hay xã cần đến với dân, “Ký giả làng” lại “đèo bồng” bộ đồ nghề lên xe máy rồi rong ruổi khắp thôn tuyên truyền cho người dân. Lúc đầu có người không hiểu việc ông làm nên khuyên ông nghỉ ngơi cho khỏe chứ làm chi cho nhọc người. “Buồn, nhưng mình chỉ cười và bảo rằng, Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ thì mình phải làm… Và công việc dù có khó khăn đến mấy, cũng phải hoàn thành” - ông Ký bộc bạch.
Cũng theo ông Ký, sau thời gian kiên trì làm công tác tuyên truyền, dân vận bằng loa, kết quả thật không ngờ, nhiều chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước và các loại Quỹ an ninh quốc phòng, Trẻ em, Bảo trợ xã hội, Đền ơn đáp nghĩa; Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ Trường Sa, đồng bào miền Trung bị lũ lụt…, thôn Thạch Thất I đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhưng trong quá trình tuyên truyền bằng loa, ông Ký cũng nhận ra một điều là các bản tin thông báo thường khô khan, không hấp dẫn người nghe. Để khắc phục, ông lại bỏ thêm tiền túi ra mua một chiếc radio cùng một USB để nâng tầm chương trình “phát sóng” lưu động có thêm 15 phút âm nhạc cho người nghe. Chiếc radio thì ông dùng để dò sóng các chương trình âm nhạc của đài VOV, còn USB thì sưu tầm những bản nhạc cổ động cùng các bài hát cách mạng để phát sau mỗi bản tin. Không biết nhờ tính hiệu quả của chương trình hay sự nhiệt tình, không vụ lợi của ông Ký, giờ đây bất cứ nhà nào khi “Ký giả làng” xuất hiện, thì cũng đều mở cửa để ông vào nhà cắm điện đọc các bản tin thông báo đến cho người dân.
Cách làm dân vận không giống ai, nhưng mang hiệu quả của ông Ký đã được người dân thôn Thạch Thất I đón nhận, hưởng ứng cao. “Ngay cả bọn trẻ, nhiều hôm không nghe tiếng loa ông Ký, chúng nó lại thắc mắc…” - Cụ Bùi Thị Chuốt (74 tuổi, ngụ tại thôn Thạch Thất I) cho hay.
Còn theo Trưởng thôn Thạch Thất I Nguyễn Văn Hồng, cá nhân bác Ký là người thuộc thế hệ đầu tiên của vùng này, trước kia bác là Chỉ huy trưởng lực lượng tự vệ chuyên trách vùng kinh tế mới vùng Tân Hà - Lán Tranh, sau đó chuyển sang làm cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp. Hết bao cấp, giải thể cửa hàng, bác Ký tuổi cao nên về hưu, nhưng với uy tín và lòng nhiệt thành, trong nhiều năm liền bác được người dân tín nhiệm bầu vào Ban công tác Mặt trận thôn. Với bản tính nhiệt tình, kết hợp với sự uy tín, bác Ký đã giúp cho thôn có nhiều thành tích đáng kể, nhiều năm liền thôn Thạch Thất I đều đạt danh hiệu thôn văn hóa và đại bộ phận gia đình trong thôn đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt, kể từ ngày thành lập thôn đến nay (33 năm), khu vực này hầu như không xảy ra bất cứ một vụ trọng án nào. Riêng về công tác Mặt trận vận động bà con nộp ngân sách Nhà nước và ủng hộ các loại quỹ, thường trước khi triển khai, bác đều vác loa đi thông báo, tuyên truyền trước cho nhân dân, nhờ đó thu đạt rất cao, cao nhất nhì so với các thôn khác trong xã.
Nhắc đến tên ông Ký, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà Đỗ Văn Minh cho biết, qua tiếng loa của ông Ký, hầu hết các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như chỉ thị, nghị quyết của tỉnh, huyện và xã đều nhanh chóng đến được với người dân trong thôn. Nổi bật như Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong chương trình xây dựng nông thôn mới, bác Ký đã vác loa đi vận động người dân hiến đất, giải tỏa cây trồng, góp sức, góp của để xây dựng công trình đường giao thông liên thôn, liên xã. Nói chung, cứ có văn bản, chỉ thị nào mới là bác lại vác loa đi tuyên truyền, chuyển tải ngay tới người dân, cách tuyên truyền, vận động dân vận của bác rất khéo nên người dân rất đồng tình ủng hộ và đạt hiệu quả rất cao.
Không chỉ vậy, bác Ký còn là thành viên của Tổ hòa giải thôn, mỗi khi nắm bắt tình hình có gì nổi cộm là bác nhanh chóng tiếp cận và có cách giải quyết rất thuyết phục, nên rất nhiều vụ hòa giải đã thành công.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà cũng cho biết thêm, những thôn khác trên địa bàn xã cũng thực hiện rất tốt công tác vận động, nhưng bác Ký có cách tuyên truyền khác mà lại hiệu quả. Ngay như việc phổ biến hương ước, nội quy xây dựng thôn; chủ trương chuyển đổi cây trồng, mô hình sản xuất tái canh cây cà phê… bác Ký đều phối hợp với Chi bộ, Ban Nhân dân thôn tuyên truyền rất tích cực. Tất cả việc làm của bác Ký đã góp phần rất lớn vào việc giữ vững an ninh trật tự, phát triển KT-XH và văn hóa tại địa phương.
THỤY TRANG