Quay trở lại Lâm Hà vào một ngày trời thu, hỏi thăm mãi tôi cũng tìm được đến nhà chị Ka Hiếu. Căn nhà trống không, cửa khóa chặt, chỉ có một cậu bé ánh mắt vô hồn xa xăm ngồi ngẩn ngơ nhìn tôi qua song cửa.
Quay trở lại Lâm Hà vào một ngày trời thu, hỏi thăm mãi tôi cũng tìm được đến nhà chị Ka Hiếu. Căn nhà trống không, cửa khóa chặt, chỉ có một cậu bé ánh mắt vô hồn xa xăm ngồi ngẩn ngơ nhìn tôi qua song cửa. Tiếp tục lần mò, tôi tìm vào tận rẫy cà phê của gia đình chị Ka Hiếu. Trời đổ mưa. Ngồi dưới tấm bạt hái cà phê kéo vội, tôi được nghe câu chuyện cuộc đời của người đàn bà sắp bước sang tuổi lục tuần bên dòng Đa Dâng.
Người mẹ hiền của 7 đứa trẻ không cùng huyết thống
“Cuộc đời mình khổ lắm”! Đưa tay vuốt những hạt mưa rơi trên khuôn mặt cháy sạm, chị kể cho tôi nghe về cái “cuộc đời khổ lắm” ấy. Sớm mồ côi cha mẹ, cuộc đời cô gái trẻ là những ngày chăn bò, cắt cỏ thuê, lo cái ăn cho mình còn khó nói gì nuôi nấng thêm ai. Nhưng số phận đẩy đưa, giờ nghĩ lại chị cảm thấy mình là người may mắn khi là mẹ của 7 đứa con: “Từ năm 1979 đến năm 2000, mình nhận nuôi 7 đứa con không cha mẹ. Thằng đầu không may bệnh nặng qua đời, còn lại bốn đứa nay đã có gia đình riêng, hai thằng út vẫn đang sống với mình”.
Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng chị đều cho các con ăn học đầy đủ. Ka Hồi, con gái thứ 5 của chị tâm sự với tôi: “Mẹ chưa bao giờ nói tới chuyện mấy chị em là con nuôi, em chỉ nghe người ta nói lại thôi. Đứa nào bố mẹ cũng thương hết”.
|
Khá bận rộn với việc thôn, việc nhà nhưng gương mặt chị Ka Hiếu luôn ánh lên niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống. Ảnh: Phan Nhân |
Khi được hỏi về cậu bé mà tôi nhìn thấy qua song cửa sổ, chị thở dài, ánh mắt xa xăm, giọng trầm lắng: “Đó là thằng út K’Niệm, đứa con mình lo lắng nhất. Năm 2000, mình đón K’Niệm về nuôi khi nó bị bỏ rơi trên Bệnh viện Đa khoa Lâm Hà. Nó bị bệnh thần kinh, đã chạy chữa suốt 12 năm trời mà không thuyên giảm”.
K’Niệm không biết làm bất cứ việc gì, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ bàn tay của mẹ. Mỗi đêm, phải có mẹ vỗ về em mới chịu đi ngủ, mỗi lần đói phải có mẹ đưa cơm mới chịu ăn và mỗi lần lên cơn phải có bàn tay xoa dịu của mẹ mới dịu lại. Cái tuổi già đang ngày càng kề cận mà gánh ưu tư vẫn đè nặng lên đôi vai gầy: “Có những lần lên cơn nó đập đầu vào tường liên tục, mình chỉ biết ôm con mà khóc”.
Và một cán bộ thôn xuất sắc
Tuy cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng chị Ka Hiếu lại là một cán bộ thôn xuất sắc. Dù chỉ mới học đến lớp 6 nhưng nhờ đi nhiều, thấy đồng bào còn nhiều nghèo khổ, vì vậy, chị đặc biệt quan tâm tới việc vận động bà con đi theo đường lối của Đảng và thay đổi cách làm ăn.
Chị Ka Hiếu đã từng dạy xóa mù chữ, làm nhân viên y tế cho thôn bản. Chị từng giữ nhiều chức vụ trong thôn như: Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Trưởng ban Mặt trận thôn. Năm 2005, Ka Hiếu được kết nạp Đảng, năm 2009 được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Xoan. Chị Ka Hiếu đã từng vận động bà con xóa bỏ thủ tục thách cưới; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
|
Chị nói: “Đọc sách về Bác Hồ thấy thương Bác. Đói, cực gì Bác cũng chịu, chỉ lo cho dân, không lo cho bản thân. Đời Bác Hồ mình cần kiệm hết sức nên mình thấy đáng học tập lắm”. Chính bởi suy nghĩ đó nên chị đã hăng hái tham gia Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thôn Xoan chủ yếu là người dân tộc nghèo, hủ tục trong ma chay cưới hỏi rất nặng nề. Một đám cưới trung bình tiêu tốn cả 50 - 60 triệu đồng. Quyết xóa bỏ hủ tục này, chị cùng với cán bộ thôn, xã đi vận động từng nhà tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi. Quá trình đi vận động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận động đồng bào xóa bỏ nếp sống lâu đời, những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức lại càng khó khăn hơn gấp ngàn lần. Cứ mỗi lần đến nhà bà con, hay đi làm tập thể, đi đổi công với chị em, chị lại tranh thủ thuyết phục: “Mình còn nghèo lắm, cớ làm sao cứ phải thách cưới người ta? Ai cũng phải vay nợ hàng chục triệu đồng để được cưới chồng rồi nợ trước chồng lên nợ sau, cứ phải trả cả đời. Như vậy, cái nghèo đeo đẳng chúng ta, khổ mãi”.
Nói đi đôi với làm, bắt đầu từ con cháu họ hàng nhà mình, chị vận động bỏ triệt để hủ tục thách cưới, con trai lấy vợ chị không hề thách cưới một đồng. Nhiều người hỏi “sao Ka Hiếu không lấy tiền, lấy trâu?”, chị chỉ cười và bảo rằng “mình có tiền thì cho nó làm vốn, không có thì phải chịu chứ không muốn vợ chồng cưới mà phải gánh nợ”.
|
Với chiếc xe đạp cũ kỹ làm bạn, chị Ka Hiếu đã đi khắp các ngõ ngách của thôn Xoan để vận động bà con xóa bỏ hủ tục, thay đổi tư duy làm ăn, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Nhân |
Gần đây, khi nhà nước tiến hành vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường liên thôn, gia đình chị là hộ đầu tiên hưởng ứng và hiến hơn 300m đất để làm đường. Không chỉ thế, chị còn cùng các đồng chí lãnh đạo thị trấn tích cực vận động bà con trong thôn hưởng ứng hiến đất, hiến công. “Ngày ấy, khi đi vận động bà con hiến đất làm đường, có người đã chửi thẳng vào mặt mình rằng “Nhà mày có đất, mày muốn vứt thế nào thì vứt, nhà tao không có, tao không vứt”… Không nản lòng, mình lại tiếp tục tìm cách thuyết phục”. Lý lẽ của chị đơn giản như chính con người chị vậy “mình có khỏe mãi đâu để khi già rồi lội đường đất, đường lầy mãi được. Con cháu mình chẳng nhẽ cũng phải đi đường bẩn mãi sao? Phải làm đường cho con cháu đến trường quần áo sạch sẽ, cho xe vào chở cà phê, chứ cứ như bây giờ trời mưa bẩn lắm”. Không ai phụ người có lòng, thôn Xoan hôm nay đường sá khang trang hơn, đi lại thuận tiện hơn cũng có một phần công của chị.
Hiện tại, chị đang là Bí thư Chi bộ thôn Xoan, nhưng vì tình hình địa phương thiếu nhân lực, chị phải kiêm nhiệm nhiều việc khác trong thôn nhưng ở cương vị nào, chị cũng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Nói về cách chị phân chia thời gian cho việc gia đình và xã hội, chị cho biết luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội, còn việc nhà tranh thủ về làm vào buổi trưa, buổi tối: “Mình thường chia sẻ về công việc với ông K’ Déo, chồng mình. Thấy mình được bà con tin yêu, được các đồng chí lãnh đạo tín nhiệm, thấy công việc của mình mang lại nhiều lợi ích cho bà con nên ông ấy cũng hỗ trợ”.
Một góc nhà chị treo đầy giấy khen, bằng khen trong đó đáng chú ý hơn cả là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng vào tháng 12/2010 vì đã có thành tích trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ông Bùi Trọng Thiềm - Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn cho biết: “Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng chị Ka Hiếu luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiếng nói của chị ở thôn rất có uy tín, được bà con tin và yêu. Chị là gương sáng điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở xã”.
Tôi chia tay chị khi đã về chiều, trời vẫn chưa ngớt mưa, gói cơm trưa của vợ chồng chị đã nguội lạnh trong giỏ, hai con người lại lom khom nhặt nhạnh những quả cà phê rơi vãi. Vườn cà này là thu nhập chính vợ chồng chị dành để nuôi các con ăn học.
Ngọc Ngà