Trong em, mặt trời vẫn thức giấc mỗi ngày

02:11, 28/11/2013

Hạnh ngồi đó, nhìn tôi bằng đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng không vô định. Phía trước vẫn là bầu trời và cô gái ấy đã biết vượt qua định mệnh, tật nguyền để đi về phía ánh mặt trời.

Hạnh ngồi đó, nhìn tôi bằng đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng không vô định. Phía trước vẫn là bầu trời và cô gái ấy đã biết vượt qua định mệnh, tật nguyền để đi về phía ánh sáng mặt trời.
 
Cô gái mù ấy nói với tôi, "Hạnh không muốn ai nhìn mình bằng con mắt thương hại, dù số phận nghiệt ngã, nhưng mình còn có gia đình, vẫn còn những thứ mà người có hoàn cảnh như mình phải mong ước"...
 
Lê Dương Thể Hạnh đã biết vượt qua bóng tối
Lê Dương Thể Hạnh đã biết vượt qua bóng tối
 
Căn bệnh quái ác
 
Khi đang là thông dịch viên, trợ lý giám đốc của một công ty lớn, Lê Dương Thể Hạnh, cô con gái út được cưng chiều của một gia đình trung lưu lễ giáo bỗng dưng ngã bệnh. Căn bệnh u não đã cướp đi tất cả giấc mơ, hiện thực tươi đẹp của một cô gái sắp sửa làm dâu, sang Nhật du học và nhiều thứ màu hồng... phía tương lai.
 
Căn bệnh quái ác như một trò đùa của số phận ấy ám ảnh vào Hạnh hơn sáu năm về trước. Cô gái Đà Lạt, có gương mặt đặc trưng của xứ hoa và nụ cười như thiên thần ấy, bỗng dưng mất tất cả. Còn lại, một ánh mắt ngây dại không nhìn thấy ánh sáng, một gương mặt biến dạng vì bệnh hiểm nghèo, một bên tai không còn nghe rõ lời nói và một đôi chân không còn vững để bước lên cầu thang trong chính căn nhà nơi mình đã lớn lên.
 
Hạnh không cho tôi một cái cầm tay để sẻ chia khi nói về cuộc đời mình, bởi cô gái ấy biết, chỉ một lần như thế (không phải với tôi), Hạnh sẽ không còn nghị lực để vươn lên, để đi qua bóng tối mà cô đã vắt kiệt tất cả những giọt nước mắt còn sót lại trong mình để vượt qua số phận.
 
Với sơ yếu lý lịch của Lê Dương Thể Hạnh, tôi chỉ có thể tóm tắt: Học giỏi từ THPT + thi đậu đại học (khoa Đông phương học - ngành Nhật, Trường Đại học KHXHNV TP Hồ Chí Minh) + tốt nghiệp + vào làm một công ty lớn của Nhật + trong một thời gian ngắn đã lên chức thư ký kiêm thông dịch viên cho Tổng Giám đốc + và một tương lai hứa hẹn khi được chính công ty cử sang đất nước mặt trời mọc tu nghiệp...
 
Hạnh phúc còn hơn thế khi Hạnh sắp lập gia đình ...
 
Nỗi đau, sự giằng xé, trong những tháng ngày tuyệt vọng đã khiến Hạnh từ bỏ hạnh phúc, tình yêu của mình, để sống và đối mặt với chính hiện tại của bản thân.
 
Bước ra từ bóng tối
 
Đã có những giọt nước mắt khi Hạnh kể với tôi về những ngày tháng tươi đẹp xưa cũ. Nhưng cô gái ấy giấu nước mắt sau tay áo cũng rất nhanh... chẳng phải dối lừa, chỉ bởi Hạnh không muốn thấy mình đáng phải để thương hại.
 
Rất nhanh, sau bệnh tật, Hạnh đã chọn cho mình một con đường - Phải sống và đáng sống! 
 
Và cũng rất may mắn, căn bệnh u não sau khi mổ, dù đã làm mù đôi mắt, khuôn mặt bị biến dạng nhưng không cướp đi trí nhớ, kiến thức của Hạnh đã có được.
 
Nhờ máy tính và Internet, Hạnh đã kết nối được nhiều trái tim cùng cảnh ngộ, để sẻ chia những mất mát. Thông qua phần mềm ứng dụng skype, Hạnh bắt đầu dạy tiếng Anh, Nhật cho ba em khiếm thị tuổi nhỏ hơn mình, một ở Hà Nội, Phú Thọ và Tp.Hồ Chí Minh, cùng với đó, cô giáo Hạnh còn ngồi ở nhà trước máy tính để dạy tiếng Việt cho một học trò ở Úc, Mỹ.
 
"Chỉ có tri thức mới giúp người khiếm thị bước ra được bóng tối và đó cũng chính là cánh cửa mở ra tương lai cho họ" - Hạnh nói bằng cái nhìn của một người đã được trang bị kiến thức rất vững vàng.
 
Và cũng với cô gái không bao giờ chấp nhận sự thương hại ấy thì Hạnh còn có một số phận thật may mắn, vì có cha mẹ, anh chị thành đạt để không phải lo về cơm áo hàng ngày, nên phải làm gì đó cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, dù không nhiều.
 
Ánh sáng  
 
Bên cạnh công việc lên lớp giảng bài cho các em học sinh có cùng cảnh ngộ, Hạnh còn là chủ của trang Web "Sắc màu hy vọng" do chính cô tự lập.
 
Website là nơi cô chia sẻ lòng mình và là nơi kêu gọi, vận động từ thiện cho các em khiếm thị. Chính Hạnh cũng không nhớ mình đã vận động, quyên góp và tổ chức được bao nhiêu chương trình cho các tổ chức người mù trong tỉnh. Cô chỉ nhớ, chương trình gần đây nhất là đêm "Tri ân thầy cô" trong ngày 20/11 cho các em nhỏ ở Hội Người mù Lâm Đồng và chương trình sắp tới sẽ làm là kêu gọi các nhà hảo tâm để giúp tổ chức "Tâm sáng" (đường Lê Quý Đôn - Tp.Đà Lạt) chút gạo, mỳ, mắm, dầu ăn... bởi các em ở đây rất nghèo, hàng ngày đang phải đánh vật với từng bữa ăn.
 
Hàng ngày Thể Hạnh ngoài 4 tiếng để luyện tập thể dục bằng cách đi bộ trong nhà, đạp xe tại chỗ, thời gian còn lại, cô dành tất cả cho máy tính, bao gồm những giờ lên lớp và điều hành trang web "Sắc màu hy vọng" của mình. Nhìn cô ngồi trước máy tính, tai đeo headphone, ít ai nghĩ rằng đó là một cô gái mù loà. 
 
Thành công gần đây nhất của Lê Dương Thể Hạnh chính là sự ghi nhận của Quỹ Bill&Melinda Gates với một giải nhì và một giải phụ Gương mặt truyền thông cơ sở xuất sắc trong cuộc thi viết  "Máy tính cho cộng đồng thay đổi cuộc sống".
 
Cũng thông qua máy tính, nhờ những người bạn trên Internet mà Hạnh biết được cuộc thi này, cô đã gửi đến cuộc thi bài viết và cũng như lời tự sự "Máy tính người bạn cùng tôi vượt qua bóng tối". Qua bài viết, Quỹ Bill &Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú người Mỹ Bill Gates còn trao cho cô thêm một giải phụ bởi họ khâm phục được những việc cô làm cho cộng đồng người khiếm thính thông qua máy tính và kết nối Internet.
 
Trong chuyến Bàn giao máy tính để kết nối Internet miễn phí cho 16 tỉnh của Dự án BMGP-VN giai đoạn II, bước 2 tại Đà Lạt trung tuần tháng 11/2013 vừa qua, Chính bà Deborah Jacobs - Giám đốc chương trình Thư viện toàn cầu của Quỹ đã đến thăm Thể Hạnh. Bà và cô đã có cuộc trò chuyện hết sức thân tình bằng chính ngôn ngữ của người Mỹ, theo bà "Hạnh thực sự đáng để khâm phục, một tấm gương để người khác phải học hỏi bởi những việc cô làm cho cuộc sống thật đáng ngưỡng mộ mà ngay cả người bình thường cũng khó có thể làm được".
 
Mỗi ngày với Lê Dương Thể Hạnh luôn là một ngày bận rộn và ý nghĩa. Mặt trời vẫn thức dậy trong cô mỗi ngày và cô luôn đi về phía ấy!
 
Đặng Tuấn Linh