Bảo Lâm đưa quy chế dân chủ về cơ sở

04:11, 19/11/2013

Xác định mục tiêu "phát triển bền vững phải ổn định từ cơ sở", trong 5 năm qua, huyện Bảo Lâm đã triển khai khá tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở…

Huyện Bảo Lâm có 14 đơn vị hành chính (trong đó, có 13 xã, 1 thị trấn) với 110 thôn và 24 tổ dân phố. Xác định mục tiêu “phát triển bền vững phải ổn định từ cơ sở”, trong 5 năm qua, huyện Bảo Lâm đã triển khai khá tốt việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS). Ông Nguyễn Văn Triệu – Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS, cho biết: “Sau khi có Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 30/8/2008, Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Công văn số 803 – CV/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tiếp tục xây dựng và thực hiện QCDCCS”. 
 
Người dân thôn 9 (Lộc Nam) góp ý kiến xây dựng Quy ước thực hiện QCDCCS
Người dân thôn 9 (Lộc Nam) góp ý kiến xây dựng Quy ước thực hiện QCDCCS
 
Từ khi thực hiện QCDCCS, người dân chủ động tham gia trong mọi phong trào, đặc biệt là hiến đất, góp công, góp của xây dựng NTM. Ở xã nghèo Lộc Bắc, địa phương có trên 80% người dân là đồng bào DTTS, tưởng như việc kêu gọi đóng góp xây đường là chuyện khó, nhưng nhờ cán bộ thôn, xã vừa vận động vừa nêu gương, nên bà con đã đóng góp được 208 triệu đồng để làm đường ở thôn 1. Hoặc, ở xã B’Lá, từ năm 2007 đến nay, người dân đã đóng góp để mở rộng, nâng cấp hơn 18 km đường giao thông nông thôn. Việc mở đường đã ảnh hưởng đến rất nhiều diện tích đất canh tác của người dân, nhưng họ vẫn đồng tình hiến đất và không đòi hỏi đền bù. Còn ở Lộc Thành, trong 5 năm qua, xã đã vận động người dân đóng góp tiền và ngày công để “bê tông hóa” hàng chục km đường liên thôn; xây dựng 20 phòng học, hội trường, trường mầm non, phòng khám đa khoa ở xã… Ở xã Lộc Nam, chính quyền địa phương chọn thôn 9 làm điểm triển khai việc thực hiện QCDCCS. Cán bộ và nhân dân trong thôn hưởng ứng tích cực trên tinh thần “cán bộ gần dân, hiểu dân và dân chia sẻ trách nhiệm với cán bộ”. Trong thời gian từ 2010 đến 2012, người dân thôn 9 đã đóng góp 550 triệu đồng và 250 ngày công để mở đường, xây dựng hội trường, trường mẫu giáo trong thôn. 
 
Việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân thể hiện rõ hơn, kể từ khi QCDC được đưa về thôn, xã. Ở các xã Lộc An, Lộc Thành, B’Lá, Tân Lạc…, mô hình Ban Thanh tra nhân dân (BTTND) và Ban giám sát đầu tư cộng đồng phát huy hiệu quả. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng có vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm, được 2 ban giám sát chặt chẽ; nhờ đó, đã phát hiện một số sai phạm và kiến nghị với chính quyền kịp thời giải quyết. Ông K’Rọi – Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thành, trao đổi: “Ở địa phương, tinh thần trách nhiệm của từng người dân được đề cao. Các công trình, các dự án, các công việc liên quan đến lợi ích của dân đều được đưa ra trước dân để bàn bạc và người dân được giám sát trong quá trình triển khai”. Tại xã B’Lá, BTTND tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ dành cho đồng bào DTTS. Trong nhiều năm, nhờ thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, số lượng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện ở B’Lá giảm đáng kể. Nhiều năm liền, xã không có đơn thư khiến kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. 
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện QCDCCS, ở huyện Bảo Lâm hiện vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về quan điểm và tầm quan trọng cũng như tính cấp bách, lâu dài của vấn đề dân chủ. Do đó, việc triển khai có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn mang tính hình thức. Việc gắn QCDC trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế. Phong cách, lề lối làm việc của một số cán bộ chưa đúng mực; thậm chí còn gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về QCDCCS chưa đi vào chiều sâu… Khắc phục được điều đó, thì việc thực hiện QCDCCS ở huyện Bảo Lâm mới mang lại hiệu quả cao hơn.
 
HẢI UYÊN