Cập nhật kiến thức chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng và cúm A/H7N9

04:11, 06/11/2013

Vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, 70 bác sĩ đang công tác tại các khoa nhi, hồi sức cấp cứu, nội, nhiễm ở các bệnh viện trong tỉnh đã được các giảng viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 hướng dẫn cách chẩn đoán và điều trị cúm A/H7N9, bệnh tay chân miệng ở người lớn và trẻ em. 

Vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, 70 bác sĩ đang công tác tại các khoa nhi, hồi sức cấp cứu, nội, nhiễm ở các bệnh viện trong tỉnh đã được các giảng viên Bệnh viện Nhi Đồng 2 hướng dẫn cách chẩn đoán và điều trị cúm A/H7N9, bệnh tay chân miệng ở người lớn và trẻ em. 
 
Đối với bệnh tay chân miệng, mục tiêu điều trị chung là nhanh chóng phát hiện và hồi sức tích cực các trường hợp có biến chứng nặng đe dọa tính mạng nhằm giảm tỉ lệ tử vong; theo dõi và phát hiện kịp thời, tránh bỏ sót các biến chứng nặng, can thiệp kịp thời nhằm giảm mức độ tổn thương đa cơ quan. 
 
Các bác sĩ được hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9. Virus cúm A/H7N9 là chủng có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng lây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng, tiến triển nhanh, tỉ lệ tử vong cao. Chưa ghi nhận có ca bệnh ở Việt Nam, tuy nhiên, dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát rất cao và hiện chưa có vắc xin phòng ngừa. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.  
 
Hiện toàn tỉnh có 1.114 ca bệnh tay chân miệng, ở các địa phương có số mắc cao là Đà Lạt, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, không có trường hợp tử vong. Có 2 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 (trong đó có 1 ca tử vong) và 2 trường hợp nhiễm cúm A/H3, không có ca nhiễm cúm A/H7N9.
 
DIỆU HIỀN