Mới đây, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt đã công bố thành tựu mới trong việc nghiên cứu chữa trị sau đột quỵ thông qua các phương pháp phục hồi chức năng bằng YHCT.
Mới đây, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Đà Lạt đã công bố thành tựu mới trong việc nghiên cứu chữa trị sau đột quỵ thông qua các phương pháp phục hồi chức năng bằng YHCT.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ tử vong do tai biến mạch máu não đứng thứ ba sau các bệnh tim mạch và ung thư, đứng vào hàng thứ nhất trong các bệnh lý thần kinh. Tai biến mạch máu não để lại di chứng nặng nề, chi phí điều trị tốn kém. Đặc biệt, khi bệnh nhân bị liệt, nỗ lực điều trị để phục hồi chức năng vận động và ngôn ngữ là mục tiêu của người thầy thuốc và mong muốn của người bệnh. Đề tài đánh giá hiệu quả điều trị của bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang”, kết hợp điện châm trên bệnh nhân nhồi máu não” của BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch đã giúp cải thiện độ liệt cho bệnh nhân.
BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch đang điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ bằng bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” kết hợp điện châm |
Tai biến mạch máu não xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi từ 51-70 tuổi. Đề tài nghiên cứu quá trình điều trị cho 66 bệnh nhân đột quỵ bị liệt nửa người, có 35 trường hợp trúng phong thuộc thể nhiệt và 31 bệnh nhân trúng phong thuộc thể hàn, kết quả điều trị 100% bệnh nhân đều có chuyển độ liệt. Cụ thể, điều trị cho 66 bệnh nhân từ 40 - 75 tuổi bị tai biến mạch máu não do nhồi máu não sau giai đoạn cấp đã được phục hồi chức năng vận động bằng phương pháp này. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm cùng liệu trình điều trị 45 ngày, một nhóm được áp dụng bài thuốc “Tiểu tục mệnh thang” kết hợp với điện châm. Đây là bài thuốc cổ phương có xuất xứ từ “Bị cấp thiên kim yếu phương” của danh y Tôn Tư Mạo nhà Đường (Trung Quốc), thuốc dạng sắc đóng túi 150ml/túi do máy sắc thuốc đóng túi tự động của Bệnh viện cung cấp. Nhóm thứ 2, bệnh nhân được áp dụng bài thuốc “Hoa Đà tái tạo hoàn” kết hợp với điện châm, thuốc này do Công ty TNHH Dược phẩm Kỳ Tinh (Trung Quốc) sản xuất dạng hoàn nhỏ, đóng lọ.
Các bệnh nhân bị đột quỵ nằm ở khoa nội, khoa châm cứu của bệnh viện đã trải qua 45 ngày điều trị bằng phương pháp này, được chăm sóc theo dõi và cho uống thuốc, điện châm hàng ngày theo đúng liệu trình điều trị. Kết quả đánh giá khả năng bệnh nhân phục hồi tốt đạt 51,51%, khá đạt 48,49%, so sánh khả năng phục hồi chức năng vận động bằng sử dụng “Hoa Đà tái tạo hoàn” kết hợp điện châm đạt hiệu quả tốt 42,42% và khá 57,58%. Kết luận nghiên cứu khẳng định thuốc “Tiểu tục mệnh thang” có tác dụng phục hồi chức năng vận động tương đương bài thuốc “Hoa Đà tái tạo hoàn” và không có tác dụng không mong muốn.
Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch cũng đã có bước tiến mới trong điều trị phục hồi chức năng ngôn ngữ, giúp người bệnh cải thiện được khả năng nói sau tai biến mạch máu não. Đề tài “Đánh giá tác dụng của điện châm trong điều trị thất vận ngôn trên bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp” của BSCKII Trần Thị Tiến - Trưởng Khoa nội Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch thực hiện đạt hiệu quả cao. Thất vận ngôn là tình trạng rối loạn ngôn ngữ do tổn thương bán cầu não, hay gặp trong tai biến nhồi máu não. Có 90 bệnh nhân bị tai biến nhồi máu não được điều trị nội trú và ngoại trú tại khoa nội, khoa châm cứu của bệnh viện sử dụng phác đồ huyệt hiện đang dùng để điều trị chứng thất vận ngôn tại Viện Châm cứu Trung ương và sử dụng kỹ thuật tân châm của Nguyễn Tài Thu, đặc biệt sử dụng kim dài châm sâu. Kết quả khẳng định điện châm có tác dụng tốt trong điều trị thất vận ngôn do nhồi máu não sau giai đoạn cấp. Tỉ lệ bệnh nhân có tiến bộ về ngôn ngữ là 97,8% trong liệu trình điều trị 45 ngày, có sự cải thiện rõ rệt về độ trung bình thất vận ngôn trước và sau điều trị. Yếu tố liên quan đến kết quả điều trị thất vận ngôn bằng điện châm chính là thời gian, người bị bệnh càng sớm can thiệp thì kết quả điều trị tốt hơn, đặc biệt với bệnh nhân mới bị đột quỵ trong vòng 3 tháng.
Thạc sĩ Phạm Đỗ Ngô Đồng - Phó Khoa châm cứu Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch có đề tài nghiên cứu về “Hiệu quả phục hồi vận động sau đột quỵ của phương pháp châm cứu cải tiến phối hợp với sự hợp tác của người bệnh”. Phương pháp châm cứu cải tiến là phương pháp trong đó các huyệt được chọn là huyệt trên đường kinh ở vùng bị bệnh đồng thời nằm ở đầu bám tận của cơ để có thể kích thích cơ tốt hơn. Kết quả thực tế trên 177 bệnh nhân bị liệt nửa người điều trị tại bệnh viện từ tháng 6/2011-5/2013 khẳng định châm cứu cải tiến có hiệu quả phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân sau đột quỵ với tỉ lệ phục hồi tốt, khá đạt 69,32%. Cũng phương pháp này nhưng có thêm sự hợp tác bằng cách nỗ lực vận động tự chủ của bệnh nhân trong khi châm cứu thì tỉ lệ phục hồi cao hơn, mức độ tốt, khá đạt 85,4%. Kết quả khẳng định để phục hồi di chứng vận động sau tai biến mạch máu não, ý chí và sự nỗ lực tập luyện vận động tự chủ của bệnh nhân rất quan trọng.
DIỆU HIỀN