Thật cảm động khi biết rằng một cô giáo trẻ tình nguyện về công tác ở vùng sâu đã vượt qua khó khăn để vận động học sinh ra lớp và không ngừng sáng tạo có nhiều giải pháp hữu ích giúp cho việc dạy trẻ mầm non ngày càng tốt hơn.
Cô Hồ Thị Hải ở Trường Mầm non Đạ Rsal vinh dự được nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2008 - 2013. Thật cảm động khi biết rằng một cô giáo trẻ tình nguyện về công tác ở vùng sâu đã vượt qua khó khăn để vận động học sinh ra lớp và không ngừng sáng tạo có nhiều giải pháp hữu ích giúp cho việc dạy trẻ mầm non ngày càng tốt hơn.
|
Cô giáo Hồ Thị Hải đã nghĩ ra nhiều giải pháp tạo hứng thú học tập cho trẻ ở Trường Mầm non Đạ Rsal (Đam Rông) |
Theo đuổi con chữ, Hồ Thị Hải (sinh năm 1984) rời quê Nam Đàn (Nghệ An) để vào Đà Nẵng học tập. Năm 2007 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, khoa Giáo dục mầm non tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Hải tình nguyện vào Đam Rông (Lâm Đồng) công tác. Cô giáo Hải được Phòng Giáo dục - Đào tạo Đam Rông tiếp nhận và phân công về công tác tại Trường Mầm non Đạ Rsal. Và, cô giáo Hải đã tình nguyện đến một xã thuộc vùng sâu vùng xa, giáp ranh với tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trường lớp còn thiếu thốn, học sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, vốn từ tiếng Việt của trẻ rất ít đã gây nhiều khó khăn cho cô giáo trẻ khi dạy học sinh mầm non ở đây.
Cô giáo Hải nhớ lại: “Ngày đầu nhận lớp lá 4 tại điểm trường Đắc San, tôi rất lo lắng về giao tiếp với trẻ. Từ sáng tới trưa tôi chào đón 18 em học sinh; và các cháu rất đỗi hồn nhiên, ngơ ngác, không nói được tiếng Kinh. Với chỉ tiêu nhà trường giao cho tôi phải vận động trẻ ra lớp từ 25 - 30 em, thế là bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra trong đầu tôi làm thế nào để trẻ ra lớp đều đặn. Tôi tìm hiểu nguyên nhân là do đa số phụ huynh cho con em mình theo cha mẹ làm nương rẫy. Tôi đã phối hợp với cán bộ phụ nữ thôn cũng như trưởng thôn vận động học sinh ra lớp nhưng kết quả khoảng 2 tuần đầu tiên tôi chỉ đón đúng số học sinh với con số ban đầu là 18 em. Tôi quyết định viết giấy mời họp phụ huynh. Tại cuộc họp, tôi đề nghị bà con nấu cơm cho trẻ mang theo đến lớp. Đến trưa, tôi cho các em ăn uống và ngủ nghỉ tại lớp. Như vậy, trẻ vừa học vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe, không phải chịu nắng mưa nơi nương rẫy nữa. Phụ huynh đồng ý 100%, và số lượng học sinh tăng lên vượt quá chỉ tiêu nhà trường giao là 34 em ở cả 3 độ tuổi là 3, 4, 5 tuổi. Tranh thủ thời gian, tôi đã theo lớp học tiếng K’Ho. Dần dần, tôi đã nói được một số vốn từ cơ bản và hiểu được những gì trẻ nói. Từ đó, tôi cảm thấy vui hơn khi mình hiểu trẻ và trẻ hiểu mình hơn”.
Đã 7 năm trôi qua cùng bước chân tình nguyện, đất và người như níu giữ cô giáo trẻ ở lại xã nghèo của một huyện nghèo trong cả nước và cô Hải đã lập gia đình xây dựng cuộc sống mới gắn với sự nghiệp bám trường bám lớp vùng sâu Đam Rông.
Trường Mầm non Đạ Rsal nằm ngay bên trục quốc lộ 27, có 2 điểm trường: một điểm trường chính ở thôn Phi Có và một điểm lẻ ở thôn Đắc San, tổng số học sinh là 392 cháu, có tổng số 11 lớp với 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường nhiều năm đạt danh hiệu trường lao động tiên tiến xuất sắc cấp cơ sở, chất lượng giảng dạy ngày càng cao, số học sinh ra lớp ngày một đông, trình độ giáo viên đạt chuẩn 100% và trên chuẩn 47%. Đóng góp cho sự phát triển của trường, cô giáo Hải đã có nhiều sáng kiến giải pháp hữu ích như: “Dạy trẻ 5 tuổi khám phá khoa học”, “Dạy trẻ 4 tuổi kể chuyện diễn cảm”, “Giúp trẻ 4 - 5 tuổi hứng thú vẽ theo đề tài”, “Dạy trẻ 4 tuổi đếm số lượng trong phạm vi 5, nhận biết số lượng trong phạm vi 5” được hội đồng sáng kiến cấp cơ sở công nhận. Với đề tài “Một số giải pháp tổ chức cho trẻ 4 tuổi tạo nhóm có số lượng trong phạm vi 5” rất phù hợp với thực tế dạy trẻ ở vùng sâu, cô Hải đã tìm ra những giải pháp tốt nhất giúp trẻ 3 - 4 tuổi chưa qua chương trình mẫu giáo 3 tuổi hứng thú tham gia vào hoạt động làm quen với toán và biết cách đếm, tạo nhóm có số lượng trong phạm vi 5 một cách có hiệu quả.
Năm học 2012 - 2013, cô Hải được phân công chủ nhiệm lớp chồi 1, với tổng số học sinh là 39 trẻ. Nhận thấy có khoảng 60% cháu là năm đầu tiên đến lớp, chưa được học qua chương trình nhà trẻ và mẫu giáo 3 - 4 tuổi nên các cháu còn bỡ ngỡ, rụt rè, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập nói chung và hoạt động làm quen với toán nói riêng. Cô Hải áp dụng các biện pháp như: Xây dựng môi trường học tập trong và ngoài lớp, sáng tạo, linh hoạt tổ chức cho trẻ làm quen tập hợp số lượng trong phạm vi 5; sử dụng mô hình, bài thơ, câu chuyện, trò chơi, câu đố để tổ chức hoạt động làm quen với biểu tượng toán. Kết quả là trẻ thích học làm quen với toán tăng từ 53,8% (khảo sát đầu năm học) lên 94,8% sau khi thực hiện giải pháp, trẻ đếm đúng và ghi nhớ kết quả đếm tăng từ 38,4% lên 84,6%, trẻ nhận biết chính xác các chữ số từ 1 đến 5 tăng từ 53,8% lên 89,7%. Nhờ giải pháp này, cô Hải đã gây hứng thú cho trẻ, tạo cho trẻ “học mà chơi, chơi mà học”. Đồng thời, cô gợi mở, hướng dẫn, khuyến khích trẻ phát huy tính tích cực, sáng tạo, tò mò ham hiểu biết để hoạt động học toán thật sự nhẹ nhàng, thoải mái và có kết quả tốt.
Ngoài công việc của một giáo viên chủ nhiệm lớp, cô giáo Hồ Thị Hải còn được nhà trường giao nhiệm vụ làm tổ khối trưởng từ năm học 2008 - 2009 đến nay. Cô luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền cô Hải đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được UBND tỉnh tặng bằng khen.
DIỆU HIỀN