Là ngành thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách xã hội của Chính phủ, Sở Lao động TB&XH Lâm Đồng đã chủ động đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết tốt các vấn đề: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng...
Trong những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, chính sách xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện có hiệu quả. Là ngành thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách xã hội của Chính phủ, Sở Lao động TB&XH Lâm Đồng đã chủ động đề xuất những giải pháp cụ thể để giải quyết tốt các vấn đề: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động, bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng...
Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết cho 23.600 lao động có việc làm, đạt 78% kế hoạch. Trong đó, lao động xuất khẩu 447/600 người, đạt 74,5% so với kế hoạch. Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, có 30.600 người học nghề, đạt 76,5% so với kế hoạch. Ngành Lao động TB&XH thường xuyên quan tâm chăm sóc, nâng cao mức sống cho đối tượng chính sách người có công cách mạng. Ngành phối hợp với Sở Xây dựng Lâm Đồng sửa chữa 309 căn nhà cho gia đình người có công cách mạng và phối hợp với các địa phương nâng cao mức sống cho hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo và cận nghèo theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy. Đồng thời, đang triển khai rà soát hồ sơ để kịp thời chỉnh sửa các chế độ chính sách đối tượng người có công cách mạng cho phù hợp với Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã sửa đổi, với tinh thần công khai, minh bạch, đúng luật. Triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, toàn tỉnh cấp 245.336 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và 44.295 thẻ thuộc hộ cận nghèo. Đồng thời, triển khai cho vay vốn làm ăn đối với hộ cận nghèo; tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ tiền điện, chi trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí... Hiện nay, đang tập trung hỗ trợ cho huyện nghèo Đam Rông, 29 xã nghèo và 81 thôn nghèo bằng nguồn vốn Chính phủ, nguồn vốn địa phương và nguồn vốn của các tổ chức kinh tế, xã hội và của cả cộng đồng. Công tác bảo trợ xã hội được chú trọng tăng cường hơn trước; nhất là việc tập trung nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng tại cộng đồng. Các đối tượng người già cô đơn không nơi nương tựa và trẻ mồ côi đều được các ngành, các cấp quan tâm phối hợp với ngành Lao động TB&XH Lâm Đồng thực hiện có hiệu quả.
Việc thực hiện các chính sách xã hội có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Để thực hiện tốt các chính sách xã hội, ngành Lao động TB&XH cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành các địa phương, đơn vị; cụ thể hóa các chính sách an sinh xã hội do Chính phủ ban hành, phải huy động lực lượng toàn xã hội, thực hiện các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là huy động các nguồn lực cho huyện nghèo Đam Rông, các xã nghèo, thôn nghèo... gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo ra cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững không để tái nghèo. Thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; làm cho đối tượng tin tưởng vào chính sách của Nhà nước yên tâm vượt qua số phận hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống. Tập trung nâng cao mức sống người có công với nước bằng hoặc cao hơn mức sống cư dân địa bàn nơi cư trú. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật Lao động trong các doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... Có các biện pháp chế tài khi các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, không đóng bảo hiểm cho người lao động.
HỮU ÂN