ISO trong cải cách hành chính

03:11, 05/11/2013

Tính đến hết tháng 9/2013 tại Lâm Đồng đã có 49 đơn vị hành chính áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tính đến hết tháng 9/2013 tại Lâm Đồng đã có 49 đơn vị hành chính áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 trong giải quyết thủ tục hành chính.
 
Giải quyết thủ tục hành chính tại cấp cơ sở. Trong ảnh: Bộ phận một cửa xã Hiệp Thạnh - Đức Trọng
Giải quyết thủ tục hành chính tại cấp cơ sở. Trong ảnh: Bộ phận một cửa xã Hiệp Thạnh - Đức Trọng
 
Để thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) theo bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organisation for Standardisation - ISO), viết tắt TCVN ISO 9001-2008 là một yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với các cơ quan hành chính trong tỉnh. Yêu cầu này được cụ thể hóa qua các kế hoạch, chương trình CCHC ban hành hằng năm.
 
49 cơ quan, đơn vị áp dụng hệ thống QLCL trên bao gồm UBND các cấp; các sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị trực thuộc. Cụ thể, cấp tỉnh có UBND tỉnh; cấp huyện thành có 10 huyện và 2 thành phố; cấp xã, thị trấn có duy nhất một đơn vị đang áp dụng là UBND thị trấn Liên Nghĩa - Đức Trọng. Khối sở, ban, ngành còn có các đơn vị trực thuộc cũng áp dụng. 
 
Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng, một đơn vị thuộc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng trực tiếp quản lý về ISO, tính đến cuối tháng 9/2013, đã có 30 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn TCVN ISO 9001-2008; 13 đơn vị đang áp dụng; 3 đơn vị đã qua kiểm tra đánh giá và đang trong thời gian chờ cấp giấy chứng nhận; 1 đơn vị chờ triển khai và 2 đơn vị chưa thực hiện được.
 
Có thể kể một số đơn vị tiêu biểu của tỉnh đã được đánh giá cấp giấy chứng nhận như Thanh tra tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tư Pháp…; các đơn vị đang áp dụng như Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên - Môi trường… Riêng UBND thị trấn Liên Nghĩa đã được cấp giấy chứng nhận. Các đơn vị chưa triển khai gồm Chi cục Văn thư Lưu trữ (không có thủ tục nào giải quyết với dân nên chưa triển khai), Chi cục Kiểm lâm (chưa có kinh phí).
 
Theo ông Nguyễn Quang Duy, cán bộ của Chi cục Quản lý Đo lường Chất lượng Lâm Đồng, việc các đơn vị đưa hệ thống QLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 vào các hoạt động hành chính đến nay đã đi dần vào nề nếp. Không chỉ minh bạch hóa biểu mẫu giấy tờ, từng hoạt động trong giải quyết thủ tục hành chính đều được đưa vào quy trình trong đó quy định rõ thời gian giải quyết cụ thể. Cùng đó, nhiệm vụ của mỗi cán bộ công chức trong từng công đoạn được phân định rõ ràng và chính việc phân định này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm lẫn thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức.
 
Không chỉ thế, TCVN ISO 9001-2008 còn là một công cụ giúp quản lý, kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính một cách hữu hiệu hơn. Thủ tục hành chính được theo dõi chặt chẽ từ đầu đến khi hoàn tất, được cụ thể hóa bằng những tiêu chí đo lường, được đánh giá cụ thể nhằm không ngừng cải tiến hệ thống, làm cho hệ thống vận hành hiệu quả hơn, góp phần loại bỏ những thủ tục phiền hà tự đặt ra không cần thiết. 
 
Tuy nhiên, như Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh thông qua các cuộc kiểm tra cho biết, vẫn còn những đơn vị áp dụng ISO cho có, nặng hình thức; chưa đánh giá kết quả thực hiện trên sự hài lòng của người dân và các đối tượng được phục vụ. Không ít lãnh đạo các đơn vị coi đây là một việc để “đối phó”, thiếu chỉ đạo, khuyến khích, cung cấp nguồn lực cho hệ thống hoạt động nên thời gian từ khi triển khai áp dụng đến khi được cấp giấy chứng nhận bị kéo dài. Nhiều cán bộ công chức được tăng cường cho công tác QLCL nhưng phải đảm đương cả công việc chuyên môn nên rất ít thời gian dành giải quyết hồ sơ hành chính, lại thường xuyên bị thay đổi nên hệ thống vận hành rất khó khăn. 
 
Bên cạnh đó, bộ thủ tục hành chính của một số đơn vị còn quá nhiều thủ tục, các quy trình thực hiện, tài liệu kèm theo không ít, lặp đi lặp lại, nên việc áp dụng ISO không mang lại hiệu quả; kinh phí đánh giá giám sát và duy trì hàng năm vẫn còn chậm trễ; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên việc thực hiện các thủ tục liên quan đến cấp phép trực tuyến còn gặp khó khăn. 
 
Để việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống ISO có hiệu quả, theo Chi cục Quản lý Đo lường và Chất lượng tỉnh, các đơn vị cần thực sự có quyết tâm cùng nỗ lực cao từ phía lãnh đạo cũng như cán bộ công chức của đơn vị khi thực hiện. Chi cục cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các đơn vị áp dụng để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đúng kế hoạch đã được duyệt, có biện pháp xử lý thích hợp với các đơn vị có tên trong danh sách mà không thực hiện; đồng thời khi chọn tư vấn, các đơn vị cần lựa chọn các tổ chức được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cấp giấy xác nhận đủ điều kiện hoạt động để quá trình tư vấn và chứng nhận được đảm bảo về mặt chất lượng. 
 
Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng cũng đang kiến nghị UBND tỉnh cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho bộ phận một cửa tại các đơn vị cơ sở; đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ, phục vụ tra cứu thủ tục hành chính, tra cứu việc giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân; chỉ đạo việc thực hiện ISO đến cấp xã trong một cửa, đồng thời nên bố trí mỗi huyện một người chuyên trách về ISO. Với cấp trung ương, Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng kiến nghị Bộ Khoa học Công nghệ cần sớm chuẩn hóa bộ tài liệu ISO phù hợp và hiệu quả hơn đối với các cơ quan hành chính nhà nước cùng có giải pháp hỗ trợ công tác đào tạo, hình thành lực lượng chuyên gia tư vấn đánh giá ISO tại mỗi tỉnh.   
 
Viết Trọng