Thực tế điều kiện trong sinh hoạt của đội ngũ giáo viên ở đây gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc cũng như vật chất và tinh thần. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện, nước phục vụ công tác và sinh hoạt.
Từ nhu cầu thực tế…
Xã Liêng Srônh là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây huyện Đam Rông, cách trung tâm huyện 35 km dọc theo trục quốc lộ 27, giáp ranh với tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông. Liêng Srônh có 406 hộ với 2.111 khẩu, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Địa hình đồi núi, giao thông đi lại rất khó khăn; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông - lâm kết hợp.
Ngày 27 tháng 4 năm 2011, huyện Đam Rông thành lập điểm trường Đạ Mpô thuộc thôn 5, xã Liêng Srônh, giao cho Trường Tiểu học Đạ Rsal quản lý. Điểm trường Đạ Mpô cách trường chính 10 km, chưa có đường giao thông đi lại, để đi được vào trường phải qua 2 lần bè bằng tre nứa rất nguy hiểm, đặc biệt chưa có điện thắp sáng… Năm học 2012-2013, có 6 cô giáo ở nội trú tại trường Đạ Mpô, thực hiện công tác giảng dạy và tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho bà con nhân dân và công tác giảng dạy cho học sinh tại điểm trường, hầu hết đều là người dân tộc Mông ở các tỉnh phía bắc vào làm ăn sinh sống.
Thực tế điều kiện trong sinh hoạt của đội ngũ giáo viên ở đây gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện làm việc cũng như vật chất và tinh thần. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện, nước phục vụ công tác và sinh hoạt. Đối với điện phục vụ công tác và sinh hoạt thì hoàn toàn không có, do nguồn điện lưới quốc gia quá xa. Mọi sinh hoạt đều sử dụng nguồn chiếu sáng bằng đèn dầu, các thiết bị cần sử dụng nguồn điện như: Ti vi, máy tính xách tay, điện thắp sáng… không thể sử dụng được nên khó khăn rất lớn trong sinh hoạt và phục vụ công tác chuyên môn.
|
Lắp các Panen pin mặt trời ở điểm trường Đạ Mpô |
…đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật
Trong một lần xuống làm việc với huyện Đam Rông, Tiến sĩ Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở KH & CN biết thông tin này, ông đã trăn trở suy nghĩ cách làm sao để đưa điện chiếu sáng về cho trường Đạ Mpô, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và giảng dạy cho thầy cô giáo, các em học sinh.
Hiện nay, đối với những nơi chưa có mạng lưới điện quốc gia vươn tới thì có nhiều mô hình để cung cấp điện sinh hoạt như: Máy phát điện, bình ăc - qui, thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió... Các mô hình đều có những ưu, khuyết điểm và khả năng phù hợp với thực tế khác nhau. Ở Liêng Srônh không thể làm thủy điện nhỏ vì nguồn nước quá xa và sẽ gây tàn phá môi trường. Máy phát điện phải tiêu tốn nguyên liệu gây khó khăn thêm chi phí trong sinh hoạt hàng ngày và không có người vận hành vì ở đây toàn là giáo viên nữ. Việc sử dụng ắc quy, quá trình nạp lại điện phải thường xuyên mà địa điểm trường quá xa, đường sá đi lại khó khăn nên thực tế không dùng được giải pháp này. Lắp đặt điện gió thì không thích hợp bởi đây là điểm trường quy mô nhỏ, với lại hệ thống này chi phí cao, gây ô nhiễm tiếng ồn trong khi vận hành. Còn lại một phương án tương đối khả thi: Điện mặt trời. Đây là một giải pháp công nghệ mới, với các ưu điểm là: Hệ thống gọn nhẹ, tính ổn định cao, vận hành đơn giản, không tốn các chi phí về nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo hiện đang được khuyến khích sử dụng rộng rãi trong nước và trên thế giới.
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Lê Xuân Thám bàn với lãnh đạo Sở giao cho Chi đoàn thanh niên cơ quan lập dự án: “Xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời và thiết kế hệ thống nước sinh hoạt cho Phân hiệu Trường Tiểu học Đạ Mpô”. Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở quy mô nhỏ này, giá thành hợp lý, đơn giản trong vận hành và sử dụng, tiết kiệm trong chi phí hàng ngày và đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế của đội ngũ giáo viên hiện tại.
Nơi vùng sâu đã có “mặt trời”
Dự án được giao cho kỹ sư Nguyễn Hồng Ngọc, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Sở KH&CN Lâm Đồng phối hợp với Trường Tiểu học Đạ Rsal - Đam Rông. Việc xây dựng hệ thống điện mặt trời tại điểm trường Đạ Mpô với yêu cầu cụ thể là phục vụ công tác và sinh hoạt cho đội ngũ giáo viên. Từ đó làm cơ sở cho việc triển khai các mô hình tương tự trong thời gian tới. Do đó, dự án cần tiến hành khảo sát một số chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở khoa học cho các mô hình tiếp theo.
Từ yêu cầu đó, các kỹ sư của Sở KH & CN đã về cơ sở để khảo sát và thu thập thông tin: Số giờ nắng, cường độ nắng… Vị trí lắp đặt hệ thống pin cũng như các vị trí đèn chiếu sáng. Vị trí đặt hệ thống nước sinh hoạt. Thu thập số liệu về hiệu năng sử dụng của hệ thống điện năng lượng theo 2 mùa mưa, nắng. Sau khi tổng hợp thông tin, báo cáo, xử lý, phân tích số liệu, đề xuất, lựa chọn vị trí đủ điều kiện lắp đặt hệ thống, đoàn thấy trước mắt hệ thống điện cần đáp ứng cho nhu cầu sử dụng: 4 bóng đèn điện, 1 máy tính xách tay, 1 tivi.
Vất vả 5 tháng trời khảo sát, chọn vị trí lắp đặt, hệ thống điện 500Wp ở Đạ Mpô đã hoạt động tốt, ổn định. Khi ánh điện được bật lên, các cô trò của trường cũng như phụ huynh rất vui mừng, phấn khởi. Vậy là ở giữa vùng sâu cách Đà Lạt hàng trăm cây số đã có những ngọn đèn điện tỏa sáng lung linh, có điện xài TV, máy tính giúp cô trò dạy tốt, học tốt. Dự kiến sau một năm hoạt động ổn định, Sở KH & CN sẽ mở rộng dự án đầu tư thêm hệ thống điện năng lượng mặt trời 1.74 KW, đáp ứng cho 100 bóng đèn compact phục vụ việc giảng dạy và sinh hoạt của cô trò nơi đây.
LÊ CÔNG