Mỗi ngày tại Đà Lạt có khoảng 5000m3 nước thải sinh hoạt được đưa về nhà máy để xử lý thành nước sạch trả lại cho môi trường. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hệ thống dẫn nước thải này của Đà Lạt đang phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn.
Mỗi ngày tại Đà Lạt có khoảng 5000m3 nước thải sinh hoạt được đưa về nhà máy để xử lý thành nước sạch trả lại cho môi trường. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là hệ thống dẫn nước thải này của Đà Lạt đang phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn.
|
Nước thải từ đường ống chảy tràn ra đường |
Cho một Đà Lạt sạch hơn
Với tổng chiều dài trên 140km chạy trong các khu dân cư đưa nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý, hệ thống thu gom nước thải là bộ phận quan trọng của Nhà máy Xử lý nước thải Đà Lạt. Công trình này do Chính phủ Đan Mạch tài trợ 257 tỷ đồng, và phần còn lại (64 tỷ đồng) là vốn đối ứng của phía Việt Nam. Thi công từ năm 2001, đưa vào sử dụng từ năm 2005, có công suất xử lý 7.400m3 ngày đêm, đây là một nhà máy có công nghệ xử lý nước thải thuộc vào loại hàng đầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải toàn bộ nước thải sinh hoạt của thành phố Đà Lạt đều được đưa về xử lý tại đây. Hiện nay, nhà máy này mới chỉ thu gom và xử lý được nước thải của khu vực trung tâm Đà Lạt gồm phường 1, phường 2 cùng một số khu vực của phường 5, phường 6 và phường 8 - nơi có hệ thống đường ống đi qua. Nước thải qua hệ thống thu gom được đưa về trạm bơm, bơm về nhà máy, xử lý bằng công nghệ cơ học và sinh học theo một chuỗi quy trình riêng. Kết thúc quá trình xử lý, nước đạt chuẩn môi trường và được trả ra suối Cam Ly.
Nói một cách khái quát, theo ông Nguyễn Hữu Khải, Giám đốc Nhà máy Xử lý nước thải Đà Lạt (nay là Xí nghiệp Quản lý nước thải thuộc Cty Cấp thoát nước Lâm Đồng), hệ thống xử lý nước thải này được xây dựng là cách để cứu lấy một phần Đà Lạt gồm con suối Phan Đình Phùng cùng khu vực hạ lưu suối Cam Ly bị ô nhiễm trầm trọng lúc đó. Chính vì vậy, trong gói thầu của công trình này còn bao gồm cả việc cải tạo lại hai con suối trên một cách cơ bản. “Thay vì cứ để khoảng 5.000m3 nước thải này thoát ra môi trường gây ô nhiễm, hệ thống này sẽ vận hành đưa chúng về nhà máy xử lý thành nước sạch trước khi trả lại tự nhiên” - ông Khải giải thích.
Sau 8 năm vận hành hệ thống này, hiện Lâm Đồng đang khởi động dự án xử lý nước thải giai đoạn 2 cho Đà Lạt bằng nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Theo ông Khải, giai đoạn 2 khi khởi động cũng không thể kết nối cho toàn bộ các khu dân cư còn lại trên địa bàn vì Đà Lạt tương đối rộng. Vì vậy, hệ thống thu gom nước thải sắp đến sẽ được lắp đặt tại các khu vực dân cư có nước thải chảy vào hồ Xuân Hương và trên đầu nguồn hồ Tuyền Lâm gồm phường 3, phường 4, phường 9, phường 10 và thêm một số khu vực khác khi đường ống này chạy qua. “Mục tiêu đưa ra cho lần này là việc giải cứu cho hồ Xuân Hương đang bị ô nhiễm và cho cả hồ Tuyền Lâm về lâu dài” - ông Khải cho biết.
Vấn nạn của hệ thống thoát nước thải
Trước nhất, đó là cách làm rất “thiếu trách nhiệm” của một số người tại các khu dân cư nơi có hệ thống xử lý nước thải đang hoạt động: Bằng cách mở nắp ga đường ống thu gom nước thải và đổ vào đây rác thải, xác súc vật chết, có lúc cả chất thải rắn từ các công trình xây dựng vào, gây tắc nghẽn đường ống, làm hỏng hệ thống bơm nước thải về nhà máy. Có trường hợp cạy lấy cả nắp ga bằng sắt trên mặt đường gây nguy hiểm cho người đi đường.
Nhưng nghiêm trọng nhất hiện nay là tình trạng đưa nước mưa lẫn với nước thải chung vào đường ống thoát nước thải. Hệ thống thoát nước thải này được thiết kế chỉ để dành riêng cho thoát nước thải sinh hoạt (gồm nước từ hầm cầu, nước thải từ giặt giũ, tắm rửa, nấu ăn...), khi đấu nối vào hệ thống này, cán bộ kỹ thuật đã đến từng hộ yêu cầu tách nước mưa tự nhiên ra khỏi nước thải nhưng thay vì dẫn nước mưa ra cống rãnh để thoát tự nhiên thì không ít hộ dân cứ đưa cả đường nước mưa vào chung đường nước thải. Và hậu quả là cả hệ thống này hầu như không hoạt động được vì quá tải. Nước mưa khi vào mang theo cát, đá sỏi, rác làm tắc nghẽn đường ống, phá hoại thiết bị bên trong đường ống, phá hoại hệ thống máy bơm, làm cho nhà máy mất ổn định trong quy trình xử lý. Lượng nước lớn trong đường ống đã gây áp lực, thổi ngược lại làm trào nước thải ra các nhà cầu ở nhà dân trong hệ thống kết nối, thổi bật các nắp hố ga ở những khu vực thấp như đường Phan Đình Phung, đường Tô Ngọc Vân… đẩy nước thải ra môi trường. Toàn bộ lượng nước thải chưa qua xử lý này sẽ tràn ra đường, chảy ra suối Cam Ly về hồ Tuyền Lâm. “Với một lượng nước thải nhỏ chảy vào hồ thiên nhiên có thể tự làm sạch được nhưng vượt quá ngưỡng sẽ mất cân bằng, gây ô nhiễm với những tác động khó lường trong khi hồ Tuyền Lâm lại là nguồn cung cấp nước cho một phần Đà Lạt” - ông Khải giải thích.
Đã có rất nhiều giải pháp kỹ thuật được Nhà máy Xử lý nước thải Đà Lạt đưa ra để đối phó với tình huống này như thiết kế hệ thống lọc rác và chất thải rắn, thiết kế các van điều phối nước trong đường ống tự động mở cho nước trào ra ngoài khi áp lực nước dâng cao trong mùa mưa, khóa các nắp hố ga chống mất cắp… Nhưng theo ông Khải, tất cả những điều này chỉ là giải pháp tạm thời. “Làm sạch cho môi trường không chỉ là công việc của kỹ thuật mà đây là vấn đề chung của cả cộng đồng, của mọi người, mọi nhà cùng chung tay vào; của cả xã hội, của hệ thống chính quyền thành phố Đà Lạt nữa”.
Giải pháp lâu dài và căn cơ, theo ông Khải, chính là việc vận động mọi người dân trên địa bàn Đà Lạt hiểu rõ được ích lợi của hệ thống thoát nước thải để mọi người cùng chung tay với nhà máy bảo vệ đường ống. “Chúng tôi đang tính cách để tuyên truyền đến các trường học trên địa bàn Đà Lạt, vận động các khu dân cư, đưa cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ tách nước mưa ra khỏi hệ thống thoát nước thải và chúng tôi rất cần sự đồng thuận, hướng ứng của người dân vì một Đà Lạt sạch hơn” - ông Khải nói.
Viết Trọng