Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường

03:11, 20/11/2013

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa XI) về "Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", vừa qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Lâm Đồng được thực hiện tương đối đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường. 

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCHTW Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, vừa qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Lâm Đồng được thực hiện tương đối đồng bộ, bước đầu đạt hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phát sinh chất thải ra môi trường. Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được quan tâm, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân có chuyển biến. 
 
Tuy nhiên, trong thực tế, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao. Nhiều cơ sở chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường, còn chạy theo lợi nhuận, bất chấp tác hại đến môi trường. Việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường có lúc, có nơi mang tính đối phó. Ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống của xã hội. Các thói quen xấu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng… xảy ra phổ biến ở nhiều nơi.
 
Trước thực trạng đó, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động môi trường. Chú trọng phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, bảo đảm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường từ khâu lập, phê duyệt, triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý, kiểm soát việc xả, thải gây ô nhiễm, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp; các điểm khai thác, chế biến khoáng sản; khu vực đô thị, khu vực nông thôn. Kiểm soát chất lượng không khí ở khu vực đô thị, khu dân cư thuộc địa bàn TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các thị trấn. Tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường đối với các hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm ngăn chặn đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên và nhiên vật liệu không đảm bảo yêu cầu vào địa bàn tỉnh. Hạn chế tối đa lượng rác thải công nghiệp có nguồn gốc hữu cơ, tăng cường thu gom, xử lý phụ phẩm, phế phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi làm phân hữu cơ vi sinh, phân xanh; hạn chế sử dụng phân bón hóa học… Đồng thời chú trọng khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân. Quan tâm cải thiện việc cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; nhất là ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải của ngành công nghiệp; nước thải chế biến nông sản, nước thải sinh hoạt đô thị. Tập trung xử lý chất thải rắn tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các thị trấn, xử lý chất thải y tế của các bệnh viện. Chú trọng cải tạo, xử lý những hồ, ao, kênh, mương, suối bị ô nhiễm nặng. Cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư…
 
Để thực hiện mục tiêu trên, một trong các giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu cho đảng viên, cán bộ, công chức, các tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền, tạo dư luận xã hội để lên án, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng cùng các hành vi hủy hoại, gây ô nhiễm môi trường…
 
BÌNH NGUYÊN