Qua 3 năm triển khai thực hiện, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Đức Trọng đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như từng bước làm thay đổi mọi mặt đời sống ở thôn, xóm và cộng đồng dân cư.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Đức Trọng đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như từng bước làm thay đổi mọi mặt đời sống ở thôn, xóm và cộng đồng dân cư.
Bình Thạnh là xã điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) của huyện Đức Trọng. Đại bộ phận nhân dân xã Bình Thạnh theo đạo Thiên Chúa. Trong những năm qua, đời sống văn hóa trên địa bàn xã đã được quan tâm, cải thiện; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể từ xã đến thôn quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu đã dần được xóa bỏ, những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn đã được gìn giữ và phát huy. Hiện, 4/4 thôn đã được công nhận là thôn văn hóa; và năm 2012, có 84% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Năm 2012 vừa qua, xã Bình Thạnh đã được chọn làm địa bàn điểm trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của huyện Đức Trọng và đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã, với nhiều kết quả khả quan.
Theo Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Đức Trọng, không riêng xã Bình Thạnh, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đức Trọng, phong trào TDĐKXDĐSVH đã thật sự đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân. Và để phong trào trên đạt được những kết quả đáng mừng, ngay từ đầu, huyện Đức Trọng đã ban hành quyết định củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện; xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động theo từng quý, năm và chỉ đạo ban chỉ đạo các xã, thị trấn, ban vận động các thôn, tổ dân phố thực hiện tốt nội dung của phong trào ngay từ cơ sở; động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể của huyện đều có nội dung, hình thức tuyên truyền phong trào TDĐKXDĐSVH một cách thiết thực, phong phú, gắn với các phong trào thi đua, các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, thu hút hàng ngàn lượt hội viên, đoàn viên và người dân tham gia.
Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn, nhỏ tại địa phương. Cụ thể, trong 3 năm qua, toàn huyện đã xây mới 13 nhà và sửa chữa hai nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng; trao tặng 13 nhà tình thương; từ chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ 885 hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Số hộ đăng ký xây dựng và xây dựng thành công gia đình văn hóa, cũng như các thôn, buôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa không ngừng tăng. Năm 2012, toàn huyện có 31.655 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 83%); 10/15 xã, thị trấn đã phát động xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 4/15 xã, thị trấn được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa. Tính đến nay, toàn huyện có 167/177 thôn, tổ dân phố đã phát động xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, có 149/177 thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, trong đó có 7/15 xã, thị trấn có 100% số thôn được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Ngoài ra, công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa đã được các cơ quan, đơn vị, trường học và các công đoàn cơ sở tích cực triển khai. Năm 2011, có 151/151 đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa, trong đó có 118 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 78,1%; năm 2012, kết quả bình xét đợt 1 cho thấy có 55 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Việc xây dựng các thiết chế và hoạt động văn hóa - thể thao tại cơ sở cũng được huyện Đức Trọng chú trọng. Trong 2 năm 2011-2012, bằng nguồn vốn của nhà nước, nguồn vốn từ các chương trình, dự án và nhân dân đối ứng, huyện đã đầu tư xây dựng 24 nhà sinh hoạt cộng đồng cho 24 thôn với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, trong đó kinh phí do nhân dân đóng góp trên 4 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 53 sân bóng đá 5 người; 19 sân bóng đá 7 người, 15 sân bóng đá 11 người, 48 sân bóng chuyền, 8 sân tennis, 12 sân cầu lông để nhân dân rèn luyện thể thao.
Bên cạnh đó, toàn huyện cũng xây dựng và duy trì hoạt động đều đặn 100 CLB gia đình văn hóa tại cơ sở, với nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương… góp phần tạo sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh cho nhân dân, đồng thời, mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt của đời sống.
Thy Vũ