Những "bông hoa" đẹp của ngành giáo dục

08:11, 20/11/2013

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968) và Ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam 20/11, báo Lâm Đồng xin giới thiệu 3 trong số 51 tấm gương tiêu biểu - những bông hoa đẹp nhất của ngành giáo dục Lâm Đồng.

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968) và Ngày truyền thống Nhà giáo Việt Nam 20/11, báo Lâm Đồng xin giới thiệu 3 trong số 51 tấm gương tiêu biểu - những bông hoa đẹp nhất của ngành giáo dục Lâm Đồng  vừa được tuyên dương tại Hội nghị Tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục giai đoạn 2008 - 2013 . Trong cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện sống khác nhau nhưng ở họ đều có chung một điểm nổi bật - luôn miệt mài với sự nghiệp “trồng người”. 
 
Người của buôn làng, sống vì buôn làng
 
Đó là tâm sự của Ka Hiền – giáo viên Trường Mẫu giáo Bảo Thuận (Di Linh). Sinh ra và lớn lên ở thôn Ka La 1, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, cô gái người dân tộc Cơ Ho ấy luôn ấp ủ ước mơ đằng sau những con chữ. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm, cô làm đơn xin được về công tác tại nơi mình sinh ra, làm giáo viên tại Trường Mẫu giáo Bảo Thuận. 36 năm công tác tại quê nhà, với tuổi trẻ và lòng đầy nhiệt huyết, Ka Hiền đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
 
Cô giáo Ka Hiền trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp
Cô giáo Ka Hiền (giữa) trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.
Bảo Thuận là một xã nghèo, người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên việc cho con em đi học đầy đủ là điều rất khó. Luôn trăn trở về điều này, Ka Hiền tâm sự:“Học xong được quay trở về phục vụ bà con mình vui mừng và hãnh diện lắm. Để không phụ lòng tin yêu và mong mỏi của buôn làng, mình luôn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là việc làm sao vận động được bà con đưa con em mình đến trường. Mình quan tâm nhiều nhất tới nhóm lớp lá để giúp các cháu có nền tảng vững chắc khi vào lớp một. Sinh ra ở vùng sâu nên mình rất thương các cháu”. 
 
Đã nhiều năm trong nghề, nhưng Ka Hiền luôn trăn trở “Làm sao để có thể chăm sóc và giảng dạy các cháu đạt hiệu quả cao nhất?”. Suy nghĩ thường trực đó đã thôi thúc Ka Hiền tìm kiếm, tư duy và đưa ra được các giải pháp hữu ích về tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc; Dạy trẻ 5 tuổi học tốt lĩnh vực phát triển ngôn ngữ; hình thành và rèn luyện kỹ năng rửa tay cho trẻ 5 tuổi;… đưa chất lượng giảng dạy trẻ vùng dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, góp phần không nhỏ vào việc giúp các cháu giao tiếp tốt và giảm hẳn tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng.
 
Cô Văn Thị Thùy Lưu – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bảo Thuận nhận xét: Ka Hiền là một giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiệt tình và tận tụy. Là người đồng bào nên cô có cách giảng dạy rất đặc biệt và hiệu quả với các cháu ở đây. Đặc biệt, Ka Hiền rất chịu khó tìm tòi cách giảng dạy mới và thường xuyên làm mới môi trường học tập cho các cháu. Cô đã tạo ra các đồ chơi từ những vật dụng quen thuộc của trẻ vùng quê như hình bé trai, bé gái bằng nộm rơm, tạo hình người từ quả bầu bí khô, tạo các con vật từ quả thông… làm vật dụng giảng dạy, gây hứng thú cho các cháu học tập. 
 
Không chỉ vậy, Hiền còn là một giáo viên rất có tâm với các đồng nghiệp, cô luôn sẵn lòng giúp giáo viên người kinh tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để làm tốt các nhiệm vụ giáo dục.
 
Với những cống hiến của mình, trong nhiều năm liền, Ka Hiền được bình chọn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2008 -2009, cô được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
 
Không ngừng trau dồi đạo đức và trình độ chuyên môn 
 
Khi được hỏi về những trăn trở và tâm huyết sau 13 năm giảng dạy, Nguyễn Thị Sỹ, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Cát Tiên, tâm sự: “Văn học là nhân học, nên là một giáo viên dạy văn, tôi luôn luôn cố gắng trau dồi đạo đức tư cách, không ngừng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của một nhà giáo”.
 
a
Một giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Sỹ 
Với suy nghĩ này, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Sỹ đã nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ. Là giáo viên dạy lớp 12, năm học khẳng định “tay nghề” của các giáo viên, song chất lượng bộ môn ở những lớp cô Sỹ phụ trách luôn vượt trội so với mặt bằng chung của tổ khối chuyên môn: chất lượng bộ môn nhiều năm liền vượt tỉ lệ mặt bằng tỉnh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, số học sinh giỏi cấp tỉnh ngày càng tăng lên, đặc biệt cô đã bồi dưỡng được học sinh tham gia kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia và đạt giải khuyến khích. Bản thân cô Sỹ cũng đã hai năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 
 
Tuổi đời còn rất trẻ, cô Sỹ là một trong những giáo viên tham gia nhiều hoạt động năng nổ góp phần cùng với Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhiều năm liền. Đặc biệt, cô là một trong những giáo viên của trường hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 
 
Thầy Phan Văn Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Cát Tiên cho biết: Cô Sỹ là một trong những giáo viên dạy tốt có chất lượng ở trường, luôn chịu khó tìm tòi và sáng tạo, trăn trở để tìm phương pháp đổi mới hiệu quả trong giảng dạy. Với nhiều nỗ lực và cống hiến trong công tác cũng như các hoạt động khác cô luôn được bạn bè đồng nghiệp tin yêu, học sinh quý mến. 
 
Luôn giữ lửa với nghề
 
Cô Nguyễn Thị Nga được cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Đạ Tông, huyện Đam Rông đánh giá là người giáo viên mẫu mực, có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, luôn trau dồi đạo đức nhân cách nhà giáo. Không chỉ được học sinh và phụ huynh tin yêu, cô còn là tấm gương mẫu mực để đồng nghiệp noi theo. 
 
Trong các bài giảng của mình, cô Nga luôn chú trọng vào việc lồng ghép với các bài học về cuộc sống, về nhân cách con người để trau dồi đạo đức, tư cách cho học sinh, giúp các em dần hoàn thiện nhân cách của con người trong thời đại mới. 
 
a
Cô giáo Nguyễn Thị Nga tại hội nghị biểu dương các nhà giáo tiêu biểu hôm 18/11
Chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp, cô Nga nói: “Bản thân tôi luôn cảm thấy lúc nào yêu nghề, nhiệt huyết với công tác giảng dạy. Chính vì vậy mà tôi luôn cố gắng thực hiện tốt các quy định của nhà trường đề ra, thực hiện tốt ngày giờ công lao động, tham gia tốt các phong trào thi đua như tự làm đồ dùng dạy học, phong trào thi đua dạy tốt học tốt, tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Qua những tiết dạy, giờ dạy học luôn giúp tôi nảy ra những suy nghĩ, tìm tòi các phương pháp dạy học như thế nào cho phù hợp với từng môn, từng đối tượng sao cho hiệu quả nhất, đặc biệt là với học sinh vùng sâu như huyện Đam Rông”.
 
Ngoài công tác giảng dạy, cô Nga còn đặc biệt chú tâm đến việc quan sát sự hình thành ý thức tự giác của các em học sinh ở trường cũng như ở nhà. Từ đó, cô thường xuyên theo dõi để kịp thời biểu dương nhắc nhắc nhở các em. 
 
Ông Kră Jăn Mi sel - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ Tông, đánh giá: Cô Nga là một giáo viên cố gắng rất nhiều trong công tác giảng dạy và nhất là vận động học sinh ra lớp. Sĩ số học sinh lớp cô Nga luôn duy trì ổn định 100%, chất lượng luôn đạt từ 95% trở lên. Là một giáo viên có ý thức cầu tiến và luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp trong đời sống và chuyên môn.
 
Mùa tri ân nhà giáo đã về, những “bông hoa nhà giáo” đang đua nhau khoe sắc trong “vườn hoa giáo dục”, xin gửi lời chúc và lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả các thế hệ nhà giáo đã, đang và sẽ công tác trong ngành giáo dục – những người lái đò chở bao thế hệ sang sông.
 
Ngọc Ngà