Xét nghiệm HIV là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán phát hiện, điều trị phòng lây nhiễm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Để đưa ra một kết quả cuối cùng khẳng định mẫu xét nghiệm dương tính luôn là áp lực lớn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên ở Labo xét nghiệm HIV.
Xét nghiệm HIV là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán phát hiện, điều trị phòng lây nhiễm cho bệnh nhân HIV/AIDS. Để đưa ra một kết quả cuối cùng khẳng định mẫu xét nghiệm dương tính luôn là áp lực lớn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên ở Labo xét nghiệm HIV.
|
Các BS, kỹ thuật viên xét nghiệm HIV luôn bị áp lực về kết quả, phải đảm bảo chính xác, kịp thời, an toàn |
Đằng sau mỗi mẫu xét nghiệm HIV là số phận của một con người chờ định đoạt. Nhiều bệnh nhân bị sốc khi biết kết quả xét nghiệm máu có HIV dương tính, đó như một bản án tử hình. BS Nguyễn Thị Bích Thuần, phụ trách Khoa xét nghiệm HIV của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng khẳng định: “Chất lượng công việc của labo xét nghiệm HIV là tính chính xác, kịp thời và an toàn. Khi làm các xét nghiệm, chúng tôi chỉ mong rằng kết quả đừng nhiễm HIV. Vì thống kê số đối tượng lấy mẫu hầu hết dưới 49 tuổi, còn sức khỏe, khả năng lao động, khả năng sinh sản thì có hơn 90% dương tính, thậm chí trẻ dưới 15 tuổi cũng có tỉ lệ nhiễm nhất định. Chúng tôi mong đừng nhiễm nhưng kết quả dương tính thì rất buồn, nhất là rơi vào trường hợp các cháu còn quá bé”.
Lâm Đồng có 2 labo xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận đạt tiêu chuẩn xét nghiệm khẳng định HIV dương tính: 1 ở Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và 1 ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng. Khoa xét nghiệm HIV của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng chính thức hoạt động từ tháng 4/2010. Ban đầu là xét nghiệm sàng lọc HIV, kể từ ngày 1/5/2013 được Bộ Y tế công nhận là phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ do dự án Quỹ toàn cầu tài trợ và cán bộ làm việc ở đây được đào tạo theo đúng quy chuẩn của labo xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Khoa xây dựng các quy trình xét nghiệm, lấy mẫu, trả lời kết quả theo quy định của Bộ Y tế và tuân thủ chặt chẽ. Trường hợp lấy mẫu trong vòng 7 ngày trả lời kết quả và trường hợp khẩn cấp cần kết quả ngay trong vòng 24 giờ. Các trường hợp khẩn cấp đó là khi phụ nữ chờ sinh được tư vấn lấy mẫu xét nghiệm HIV trả lời kết quả sớm, hoặc trường hợp tai nạn cần kết quả xét nghiệm HIV ngay để có quyết định điều trị… Trong trường hợp mẫu xét nghiệm cần kết quả gấp trong vòng 24 giờ, cán bộ xét nghiệm phải tập trung cao độ, kể cả làm ngoài giờ để cho kết quả sớm.
Nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Theo danh mục 82 nghề - công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - TBXH ban hành đang còn hiệu lực thi hành đối với ngành Y Dược: Có hai nghề đứng đầu danh mục đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, xếp vào điều kiện lao động loại VI là: Trực tiếp khám, điều trị, phục vụ người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và công việc giải phẫu bệnh lý đại thể, liệm xác, ướp xác, khám nghiệm tử thi, vệ sinh nhà xác.
DH
|
Cán bộ nòng cốt của labo này là kỹ thuật viên xét nghiệm Đào Bá Chiển. Dù tuổi đời còn trẻ, sinh năm 1981 nhưng anh có nhiều kinh nghiệm nhờ được đào tạo chuyên về xét nghiệm ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Hà Nội, từng làm việc ở labo xét nghiệm của Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và labo xét nghiệm khẳng định HIV dương tính của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Anh Chiển chia sẻ: “Công việc này chuyên về kỹ thuật nên làm việc lâu thì tích lũy nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi luôn bị áp lực về kết quả. Khi làm xét nghiệm sàng lọc thì áp lực nhẹ hơn vì còn gởi một bước để xét nghiệm khẳng định. Bây giờ, mình làm xét nghiệm cho ra kết quả để khẳng định dương tính, không ai dám chắc mình đúng hết. Trong thực tế, chúng tôi chưa để sai sót, các xét nghiệm chính xác, phải thực hiện 3 sinh phẩm cho 3 xét nghiệm khác nhau trước khi đưa ra kết quả khẳng định mẫu dương tính”.
Trung bình mỗi năm labo này thực hiện 3.000 mẫu xét nghiệm HIV nhưng bao giờ cũng vượt kế hoạch. Chẳng hạn mấy năm gần đây, Lâm Đồng triển khai chiến dịch phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, labo thực hiện khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm HIV cho phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, cán bộ của khoa còn thực hiện nhiệm vụ giám sát việc lấy mẫu tại cộng đồng từ 1-4 đợt/năm tùy theo kế hoạch của từng đơn vị. Riêng năm 2013, khoa đã thực hiện hơn hàng ngàn mẫu lấy ở các phòng khám và điều trị ngoại trú cho người có HIV/AIDS, Trung tâm 05-06 và Trại giam Đại Bình.
Với khối lượng công việc lớn nhưng labo xét nghiệm HIV chỉ có 3 nhân sự. Người lớn tuổi nhất là BS Bích Thuần (sinh năm 1959) và người trẻ nhất là Cử nhân Phạm Thị Kim Tuyết (sinh năm 1990) mới vào làm việc ở labo từ tháng 3/2013. Cô gái trẻ cho biết: “Em học công nghệ sinh học vào đây làm việc phải học lại từ đầu và đã làm được các xét nghiệm đơn giản. Em nghĩ công việc xét nghiệm HIV không có gì sợ cả vì mình giúp nhiều người phát hiện bệnh để điều trị sớm”.
BS Bích Thuần cho biết: Tuyển người vào labo không phải dễ. Tất cả cán bộ làm ở labo xét nghiệm HIV đều có chứng chỉ đào tạo chuyên môn và áp dụng vào công việc phòng tránh lây nhiễm. Vì khoa xét nghiệm tuyến cuối của tỉnh nên vấn đề phơi nhiễm cao hơn do các test dương tính cao và đối tượng nghi nhiễm 50/50 cần làm xét nghiệm lại để khẳng định. Do đó, rủi ro nghề nghiệp lớn nếu thao tác không chuẩn, bảo hộ không kỹ, khí dung bắn vào mắt, có xây xát khi tiếp xúc với mẫu máu… Tuy vậy, những người làm xét nghiệm HIV đều bày tỏ sự gắn bó công việc lâu dài. Kỹ thuật viên Chiển tâm sự: “Cái duyên đã gắn bó tôi với công việc này. Nếu không yêu nghề chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế thôi thì tôi đã chuyển việc khác rồi! Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi luôn sống trong 2 dòng cảm xúc: buồn - vui theo từng kết quả xét nghiệm”.
AN NHIÊN