Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng

03:11, 24/11/2013

Trong việc phát triển NNCNC thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định, đó cũng là định hướng của tỉnh về "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao". 

Ở Lâm Đồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) là một trong các khâu đột phá mà tỉnh tiếp tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với mục tiêu rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Trong việc phát triển NNCNC thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định, đó cũng là định hướng của tỉnh về “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. 
 
Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng ngày càng khẳng định vị thế cạnh tranh. (Ảnh: Thu mua cà chua ở Đơn Dương)
Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng ngày càng khẳng định
vị thế cạnh tranh. (Ảnh: Thu mua cà chua ở Đơn Dương)
 
Từ năm 2004, Lâm Đồng đã bắt đầu tiến hành xây dựng nền NNCNC. Đến nay, qua 8 năm, NNCNC đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 27.000 ha canh tác ứng dụng CNC, chiếm khoảng 8,1% tổng diện tích gieo trồng hàng năm. Hiện toàn tỉnh có 150.000ha có doanh thu trên 90 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần bình quân chung của cả nước, trong đó, có trên 10.000ha có doanh thu từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Do đó, Lâm Đồng là địa phương được Trung ương đánh giá đứng đầu cả nước về sản xuất NNCNC. Hiện toàn quốc có 4 doanh nghiệp được Bộ NN & PTNT công nhận doanh nghiệp ứng dụng CNC thì Lâm Đồng chiếm tới 3 doanh nghiệp (Công ty cổ phần CNSH Rừng hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm và Công ty TNHH Đà Lạt GAP). Đồng thời, Lâm Đồng còn là địa phương duy nhất trong cả nước xuất khẩu cây giống sang châu Âu có quy mô với 10,5 triệu cây/năm…
 
Phát triển NNCNC là một lợi thế lớn của Lâm Đồng, mô hình này đã và đang được áp dụng trên quy mô toàn tỉnh và hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, chè, cà phê… Tuy vậy, vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng CNC còn thiếu và chưa được đào tạo về cơ bản các kỹ thuật nên khi tiếp xúc với lĩnh vực CNC thì người vận hành vẫn gặp nhiều khó khăn khi sử dụng máy móc, thiết bị và chưa có tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp. Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, toàn tỉnh cần phải có thêm 2.000 cán bộ khoa học kỹ thuật ngành công nghệ sinh học, trong đó, có khoảng 150 cán bộ đầu ngành, và dự kiến đến năm 2020 mới có đủ cán bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển công nghệ, giảng dạy, quản lý và sản xuất kinh doanh về công nghệ sinh học. 
 
Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực CNC với hàng ngàn người nông dân và doanh nghiệp từ năm 2008, với hình thức mời chuyên gia tập huấn kỹ thuật, tiếp cận sản xuất CNC, tiếp cận thị trường, cạnh tranh quốc tế. Các doanh nghiệp và hộ nông dân hưởng ứng tích cực, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất. Từ chỗ chỉ vài chục ha ở các doanh nghiệp FDI và chỉ tập trung ở Đà Lạt thì nay sản xuất NNCNC đã mở rộng tới các huyện lân cận như Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương… với nhiều loại cây trồng từ rau, hoa, dâu tây, chè, cà phê, lúa chất lượng cao đến một số vật nuôi có giá trị cao như bò sữa, bò thịt cao sản, cá nước lạnh… Nhân lực chủ chốt trong việc phát triển NNCNC tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các nghề đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng liên quan đến nông nghiệp, số lượng sinh viên học không nhiều; mặc dù khi ra trường, các em có việc làm đạt tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, cần phải làm tốt khâu định hướng cho các em trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Một nhân tố cần phải chú ý là các nông dân, nông hộ trực tiếp tham gia vào sản xuất nông sản. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực NNCNC cần gắn với thị trường lao động và đào tạo nghề. Và đào tạo nghề cho người dân là một hướng đi cần thiết, vì người nông dân vừa là người lao động nhưng cũng là những chuyên gia trên đồng ruộng. Tuy nhiên, để phát triển nguồn nhân lực NNCNC thì không thể thiếu những cơ chế, chính sách từ nguồn lực Nhà nước nhằm tạo nền tảng mở đường, tạo động lực, từ đó, phát huy được nguồn lực con người, nội lực của người nông dân và tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển nông nghiệp của địa phương.
 
TUẤN HƯƠNG