Phát triển rừng bền vững phải gắn với phát triển văn hóa

04:11, 14/11/2013

Trong khuôn khổ của Hội thảo giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai mới được tổ chức tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, thực trạng và các giải pháp đã được đưa ra bàn thảo. Một trong các giải pháp mà các nhà khoa học quan tâm để phát triển rừng bền vững là phải gắn với phát triển văn hóa. 

Trong khuôn khổ của Hội thảo giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai mới được tổ chức tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, thực trạng và các giải pháp đã được đưa ra bàn thảo. Một trong các giải pháp mà các nhà khoa học quan tâm để phát triển rừng bền vững là phải gắn với phát triển văn hóa. 
        
* Thạc sĩ NGUYỄN VĂN DIỆN - Giám đốc VQG Cát Tiên: Những thách thức mà Ban quản lý VQG Cát Tiên đang phải “đối mặt” trong việc bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, khung hình phạt còn nhiều hạn chế. Sự phối kết hợp kiểm soát giữa VQG Cát Tiên với một số ngành tại địa phương chưa đồng bộ, dẫn đến việc xâm hại, lấn chiếm rừng, đất rừng và tài nguyên rừng đã làm giảm vùng cư trú của các loài động vật hoang dã và tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy thoái sinh cảnh. Kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên sông Đồng Nai và nạn khai thác cát bừa bãi có thể làm thay đổi chế độ thủy văn của hệ đất ngập nước trong VQG Cát Tiên. Sự phát triển mạnh mẽ của các loài ngoại lai; nguồn nước bị ô nhiễm do việc sử dụng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; các hoạt động tiêu cực từ du lịch sinh thái... là những nguyên nhân rừng phát triển chưa bền vững. 
        
* Thạc sĩ TRẦN VĂN MÙI - Phó Ban quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai: Thế giới đang tồn tại những hạn chế mang tính thách thức: Sự suy thoái tầng ozon, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái... đã khiến trái đất ngày càng nóng lên, nhiệt độ hằng năm cũng tăng theo, nguồn tài nguyên nước cạn kiệt, nước biển dâng, bão lũ, thiên tai, hạn hán ngày càng nhiều. Để hành tinh này còn có cơ hội tồn tại, chúng ta nhất thiết phải thay đổi văn hóa ứng xử với rừng. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá cho những hành động thiếu ý thức của mình. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về giá trị của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và xác lập quan điểm bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ và là sự nghiệp của toàn dân, mọi tổ chức đều có trách nhiệm hưởng ứng và tham gia. Ngoài ra, chúng ta nên khống chế diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng tối thiểu cho từng địa phương, trên cơ sở chiến lược phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Bởi lẽ, mỗi địa phương cần phải có diện tích rừng nhất định để đảm bảo vấn đề môi sinh môi trường trong tiểu vùng; có chính sách ưu đãi cho những địa phương có độ che phủ rừng cao; áp dụng chế độ chi trả dịch vụ môi trường cho các địa phương; có chính sách, chế tài đối với những địa phương vì quyền lợi cục bộ, trước mắt chỉ lo phát triển kinh tế mà không quan tâm đến việc gìn giữ môi trường chung; khuyến khích người dân sống thân thiện với rừng, xây dựng nhiều mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên rừng một cách khôn ngoan, hợp lý và bền vững; tăng cường công tác khuyến lâm, khuyến nông và khuyến công cho những người dân sống gần rừng, nhằm giảm áp lực đến rừng; xây dựng hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho những tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ và xây dựng vốn rừng; đồng thời, tăng cường khung hình phạt để đủ sức răn đe những cá nhân và tổ chức cố tình có những hành vi xâm phạm tài nguyên rừng bất hợp pháp.
    
* Tiến sĩ HUỲNH VĂN TỚI - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai: Phát triển rừng bền vững cần phải gắn với phát triển văn hóa. Một khi nhận thức cộng đồng đúng đắn sẽ làm nảy sinh tình cảm đẹp và sẽ có hành động tốt. Để ứng phó với những hiện tượng mang tính thách thức, cần có những chính sách tổng thể và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân, nhất là nhóm người nghèo rất dễ bị tổn thương; cần có sự kết nối giữa lý thuyết, thực hành và thực tế mới có thể hình thành sự phát triển rừng bền vững. Từ những nỗ lực trong sự liên kết này, để có thể hiểu thêm, có những cái nhìn mới, những nỗ lực mới hướng tới mục tiêu tạo ra sự tăng trưởng xanh. 
 
XUÂN LONG - TRỊNH CHU