"Chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, vậy mà đôi khi vẫn bị người đời nhìn bằng con mắt kỳ thị, không bình thường" - Chị Tăng Thị Phượng, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, mở đầu cuộc trò chuyện.
“Chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, vậy mà đôi khi vẫn bị người đời nhìn bằng con mắt kỳ thị, không bình thường” - Chị Tăng Thị Phượng, cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, mở đầu cuộc trò chuyện.
|
Người dân Bảo Lâm tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS |
Đặc thù công việc là vậy, nhưng từ năm 2008 đến nay, chị Phượng vẫn luôn miệt mài, “bám sát” những tụ điểm tệ nạn xã hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS, rồi giới thiệu đến cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, chị cùng với 3 người trong “Nhóm Đồng đẳng” (thành lập năm 2012), thường xuyên cung cấp bao cao su miễn phí cho các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn Bảo Lâm cũng như phân phát bơm kim tiêm sạch tại những điểm “nóng”, có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, như: Lộc Ngãi, Lộc Thắng, Lộc Thành, Lộc An, Lộc Nam và B’Lá.
Trong năm 2013, Đội Y tế Dự phòng huyện Bảo Lâm triển khai các mô hình câu lạc bộ truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ làm tốt các biện pháp dự phòng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các khu dân cư; đưa nội dung phòng, chống ma túy vào trường học; tổ chức quản lý giáo dục, cảm hóa những người nghiện ma túy; tổ chức cho các khu dân cư, những gia đình có người nghiện ma túy làm cam kết không tiếp tay cho tội phạm ma túy; không trồng cây có chất gây nghiện…, nên trong số 14 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm, hiện có 5 xã không để xảy ra tội phạm về ma túy, là Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Đức, Lộc Tân và Lộc Quảng; qua đó, đã hạn chế phát sinh số ca nhiễm mới.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, tổng số người sống với HIV trên địa bàn Bảo Lâm là 77 người. Trong đó, 24 người đã tử vong do AIDS, 17 người tử vong do các nguyên nhân khác, 19 người đã chuyển đi nơi khác. Hiện tại, Trung tâm Y tế Bảo Lâm đang quản lý 15 người nhiễm HIV.
“Tiếp cận được các tụ điểm tệ nạn đã khó, nhưng để tiếp cận được đối tượng và đưa họ đi kiểm tra sức khỏe lại càng khó hơn!” - Chị Tăng Thị Phượng chia sẻ. Chị Phượng kể: Trong một lần đi tư vấn cho một đối tượng ở xã Lộc An, chị bị mẹ của đối tượng chửi như tát vào mặt và đuổi như đuổi tà. Tuy vậy, chị Phượng vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, đối tượng đã theo chị đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm.
Một lần khác, ở Lộc Bắc, đối tượng là một người đàn ông rất hung dữ. Chị Tăng Thị Phượng đến tư vấn sức khỏe, người này kiên quyết không hợp tác, còn tỏ rõ sự hung hãn của mình. Thuyết phục mãi mà vẫn không đưa được đối tượng đi khám sức khỏe. Nhưng sau đó, đối tượng không may bị rốt rét, nên chị đã lấy được máu của đối tượng và đem đi xét nghiệm. Trường hợp khác, đối tượng ở Lộc Bảo, là người quen thân, thành thử khi đặt vấn đề đưa đối tượng đi xét nghiệm HIV, khiến chị Phượng phải đắn đo rất nhiều. Nhưng sau đó, chị nói thật với đối tượng, không ngờ đối tượng đã hợp tác một cách vui vẻ...
Hằng ngày, chị Phượng phải tới những quán cà phê hoặc nhà nghỉ để tư vấn cho các đối tượng có nguy cơ. Công việc này đòi hỏi phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Bởi, vào các quán cà phê, khách sạn, quán ăn để tuyên truyền không phải là chuyện đơn giản. Trước tiên, phải tiếp cận được người quản lý, rồi mới có thể tiếp cận được tiếp viên. Ban đầu là tuyên truyền về các bệnh phụ khoa; sau đó, mới tuyên truyền sâu hơn và khuyên họ đi kiểm tra sức khỏe. Nhiều lần các đối tượng này hứa sẽ đi nhưng rốt cuộc họ lại bỏ trốn.
Công việc của Nhóm Đồng đẳng là ban ngày lẫn ban đêm thường lui tới các điểm hút chích, giao lưu với người nghiện, gái mại dâm, nên dễ bị người ngoài hiểu lầm. Chị Nguyễn Thị K - thành viên của Nhóm Đồng đẳng, kể: “Có lần tôi suýt bị công an bắt, vì nghi ngờ buôn bán ma túy!”. Anh Lê Văn C - từng là con nghiện và công việc của anh bây giờ là xâm nhập vào nhóm những người nghiện ma túy để hướng dẫn họ sử dụng an toàn và giúp họ đến các trung tâm tư vấn để xét nghiệm. Còn chị Hoàng Thị L - một người không may bị lây nhiễm HIV, hơn ai hết, chị là người thấu hiểu những nỗi đau của người nhiễm HIV, nên chị đã chủ động tiếp xúc với họ, động viên, chia sẻ với họ. Và hiện nay, chị L là một trong những thành viên tích cực của Nhóm Đồng đẳng ở Bảo Lâm.
TRỊNH CHU