"Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Lâm Đồng nằm trong giới hạn cho phép"

05:11, 20/11/2013

(LĐ online) - So với khu vực, số trẻ phản ứng nặng ở Lâm Đồng không có sự khác biệt. Tính chung số trẻ phản ứng sau tiêm cao là tín hiệu tốt cho thấy số lượng tỉ lệ phát hiện được rất cao nhờ giám sát tốt. 

(LĐ online) - Sáng nay, 20/11, đoàn cán bộ giám sát của Viện Pasteur Tp.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Sở Y tế Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Đà Lạt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành giám sát đánh giá tình hình phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Lâm Đồng. PGS-TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM trực tiếp tổ chức đoàn giám sát đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả giám sát này.
 
PGS-TS Phan Trọng Lân -Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM
PGS-TS Phan Trọng Lân -Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM
*PV: Xin ông cho biết một số nhận định về công tác tổ chức tiêm chủng Quinvaxem tại Lâm Đồng?
 
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM: Tôi đánh giá công tác y tế dự phòng, đặc biệt là tiêm chủng mở rộng ở Lâm Đồng thực hiện rất tích cực. Các khâu chuẩn bị, triển khai tiêm chủng, kiểm tra giám sát tiêm chủng ở Lâm Đồng làm rất tốt so với các tỉnh trong khu vực. Trước khi tiêm chủng, 196 điểm tiêm chủng đã được tuyến tỉnh (Trung tâm Y tế Dự phòng và Sở Y tế) dành 3 tuần kiểm tra toàn bộ để đảm bảo an toàn tiêm chủng. 
 
Việc giám sát, tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm như: hướng dẫn sử dụng kẹp nhiệt độ cho các bà mẹ trực tiếp theo dõi nhiệt độ của trẻ rất tốt trong khâu sàng lọc. Đà Lạt có nhiệt độ từ 16-21 độ C, việc kiểm tra nhiệt độ của trẻ rất tốt cho khâu khám sàng lọc trước tiêm.
 
Sau tiêm chủng: Cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và cán bộ y tế các huyện làm tốt việc giám sát hướng dẫn bà mẹ sau khi tiêm đưa trẻ về nhà gọi điện đến các đơn vị tiêm chủng để báo cáo tình hình sức khỏe của trẻ. Cụ thể: Đà Lạt đã giám sát chủ động, chọn 10% số trẻ tiêm vắc xin với khoảng 400 trường hợp đã được cán bộ y tế gọi điện hàng ngày theo dõi trẻ sau tiêm và hướng dẫn cách điều trị khi trẻ có phản ứng nhẹ và đưa đi bệnh viện khi trẻ có phản ứng nặng. Đây là điều rất nổi bật giúp cho hoạt động giám sát tốt hơn. 
 
*PV: Thưa ông, số trẻ phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Lâm Đồng so với các địa phương trong khu vực là nhiều hay ít? Có vấn đề gì bất ổn không?
 
  PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM: Số liệu giám sát của chúng tôi sáng nay cho con số cụ thể ở Lâm Đồng có 310 ca phản ứng nhẹ sau tiêm vắc xin Quinvaxem, 4 trường hợp phản ứng nặng gồm: Đà Lạt 1 ca, Đức Trọng 1 ca, Bảo Lâm 2 ca. Ở đây cần phân biệt các trường hợp đưa trẻ vào bệnh viện theo dõi như ở Đà Lạt 8 ca, trẻ mới sốt 29 độ C nhưng trạm y tế xã đã chủ động đưa trẻ đến bệnh viện theo dõi như là biện pháp tích cực trong giám sát. 
 
Tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Đà Lạt chiếm 1,6% đứng thứ 7 trong số 12 huyện, thành phố; tỉ lệ phản ứng sau tiêm vắc xin toàn tỉnh Lâm Đồng là 2,52% nhờ việc giám sát theo dõi tốt. So với các năm trước (2010 -2012), hoạt động giám sát tốt hơn nên số ca phản ứng sau tiêm chiếm 2,52 lần trong giới hạn cho phép. Bởi vì, nhiều trường hợp nhẹ mà giám sát không kịp thời thì sẽ trở thành nặng. 4 ca trẻ phản ứng sau tiêm nặng do: sốt cao, co giật, quấy khóc trên 3 giờ được đưa vào viện điều trị khỏi. 
 
So với khu vực, số trẻ phản ứng nặng ở Lâm Đồng không có sự khác biệt. Tính chung số trẻ phản ứng sau tiêm cao là tín hiệu tốt cho thấy số lượng tỉ lệ phát hiện được rất cao nhờ giám sát tốt. Quan trọng nhất là đáp ứng an toàn tiêm chủng, số liệu trẻ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn cho phép. 
 
*PV: Như vậy, yếu tố khí hậu ở Đà Lạt có ảnh hưởng gì đến tình hình phản ứng sau tiêm vắc xin của trẻ không?
 
Khám tầm soát trước khi tiêm vắc xin tại Đà Lạt. Ảnh: Báo Nhân Dân
Khám tầm soát trước khi tiêm vắc xin tại Đà Lạt. Ảnh: Báo Nhân Dân
PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM: Trẻ bị phản ứng sau tiêm của Đà Lạt chiếm 1,6%, đứng thứ 7 trong 12 huyện ở Lâm Đồng. Tức là trong 100 trẻ tiêm có 1,6 trường hợp bị phản ứng sau tiêm, còn cả tỉnh Lâm Đồng là 2,52%. Thời điểm này Đà Lạt lạnh từ 16-24 độ C, mùa mưa nhiều độ ẩm tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm phát triển đặc biệt là sốt, các bệnh siêu vi. 
 
Như vậy, khi chúng ta giám sát tiêm ở thời điểm tiêm Quinvaxem trùng với thời điểm các bệnh tật phát sinh, do đó giám sát càng nhiều bao nhiêu thì số lượng trẻ phản ứng sau tiêm càng tăng. Tăng đây không phải chúng ta cho rằng do vắc xin mà do cái nền bệnh tật chung của toàn thành phố. Khám sàng lọc để ra được các bệnh tiềm tàng thì không chỉ y tế khám mà có áp phích hướng dẫn bà mẹ theo dõi tiền sử bệnh tật của con em mình để đảm bảo điều kiện tối đa cho việc sàng lọc được các bệnh trước tiêm. Có ảnh hưởng yếu tố thời tiết nhưng chúng ta không thể thay đổi lịch tiêm chủng, vì trẻ tiêm đúng lịch thì khả năng bảo vệ càng tốt cho trẻ. Yếu tố đặt lên hàng đầu là đảm bảo đúng lịch tiêm chủng hơn là yếu tố khí hậu. 
 
*PV: Tóm lại là ngành y tế Lâm Đồng đã giám sát tốt nên tăng số ca phản ứng trẻ sau tiêm?
 
PGS-TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM: Chính vì làm tốt quá thì số liệu nhảy quá. Chúng tôi đã giám sát sàng lọc lại và đánh giá số liệu chính xác là: Đà Lạt 1,6%, Lâm Đồng 2,52% trẻ phản ứng sau tiêm, tỉ lệ nằm trong giới hạn cho phép (Tỉ lệ trẻ phản ứng sau tiêm tại khu vực phía Nam: 2,6% trẻ sốt cao trên 39,5 độ C và 15,8% trẻ bị sốt). Giám sát tốt không chỉ ngành y tế mà có vai trò đóng góp của các bà mẹ rất nhiều. 
 
*PV: Xin cám ơn ông!
 
DIỆU HIỀN (thực hiện)