Vượt hoàn cảnh éo le, trở thành cô giáo dạy giỏi

03:11, 24/11/2013

Ngôi trường nhỏ nằm cuối phường nên ít người biết, nhưng tấm gương Hồng Thúy vượt hoàn cảnh để trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh và nhiều năm cấp thị xã (thành phố) thì nhiều đồng nghiệp biết đến.

Trong số 51 nhà giáo tiêu biểu của ngành GDĐT Lâm Đồng giai đoạn 2008-2013 chắc khó có ai rơi vào hoàn cảnh éo le như cô giáo Phí Thị Hồng Thúy. Cô là giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn, Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc. Ngôi trường nhỏ nằm cuối phường nên ít người biết, nhưng tấm gương Hồng Thúy vượt hoàn cảnh để trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh và nhiều năm cấp thị xã (thành phố) thì nhiều đồng nghiệp biết đến.
 
Cô giáo Hồng Thúy và học sinh lớp 1A1
Cô giáo Hồng Thúy và học sinh lớp 1A1
 
Cánh chim không mỏi
 
Quê ở tỉnh Thái Bình nhưng Hồng Thúy sinh năm 1977 tại đất Bảo Lộc, Lâm Đồng. Năm 1998, tốt nghiệp Trung học Sư phạm, cô nhận công tác giảng dạy ở Trường Tiểu học thị trấn ĐamBri, huyện Đạ Huoai. Vào nghề giáo một năm, nhiệm vụ hết sức nặng vì phụ trách học sinh (HS) lớp 1 ở vùng đất nghèo và nhiều em là dân tộc thiểu số. Thế nhưng Hồng Thúy vừa giảng dạy vừa theo học chương trình cao đẳng tiểu học để năm 2001 nhận được tấm bằng cử nhân. 
 
Không dừng lại, năm 2005, Hồng Thúy tiếp tục theo học đại học tiểu học từ xa và tốt nghiệp 5 năm sau đó. Năm 2000, chuyển lên Trường Tiểu học Tân Sơn, phường Lộc Tiến và đăng ký ngay thi giáo viên giỏi (GVG) cấp thị xã và thành công. Liên tục 13 năm cô là GVG cấp trường, 12 năm GVG cấp thị xã (thành phố); liên tục là “Lao động tiến tiến”, “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở. Năm học 2009-2010, Phí Thị Hồng Thúy đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” của Liên đoàn Lao động tỉnh và GVG cấp tỉnh, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. 
 
Những thành tích vừa nói đã chứng minh sinh động một cô giáo Phí Thị Hồng Thúy nỗ lực vượt khó thật trân quý. Khi dạy ở thị trấn ĐamBri, cô không về Bảo Lộc mà tự nguyện ở lại “cắm bản”. Đời sống người dân nghèo, HS thường theo bố mẹ đi nhặt điều nên vấn đề chất lượng giáo dục luôn là niềm trăn trở ở cô. Vì vậy, cứ thứ năm hằng tuần, cô Thúy quyết định đến từng nhà giải thích cho phụ huynh và khuyên bảo HS đến trường. Cô Thúy vừa dạy vừa dỗ với tâm nguyện: “Các em là lớp 1 nên còn nhiều bỡ ngỡ với chương trình phổ thông. Làm sao các em có thêm kiến thức để không chán nản mà bỏ học giữa chừng, nhất là khi gia đình chưa quan tâm đúng mức”. Cô giáo Thúy đến với HS bằng tâm huyết “yêu nghề mến trẻ”, gần gũi với HS bằng lương tâm người thầy, tấm lòng người thân. HS lớp 1 của cô giáo Thúy nhờ vậy vừa duy trì được sĩ số cao vừa nâng dần chất lượng…
 
Được chuyển về thị xã Bảo Lộc nhưng nhà của cô Hồng Thúy cách trường 12 km, mãi tận xã ĐamBri. Rồi đời riêng bỗng trầm đắng cay như cô và đồng nghiệp chia sẻ với tôi với tư cách là một nhà giáo hơn là một nhà báo. Những tâm tình ấy không còn là góc khuất của Thúy mà được trải lòng để thêm một lần giúp cô đứng vững và hơn một lần cảm thông từ các đồng nghiệp… Năm 2003, Hồng Thúy sinh con đầu lòng; năm 2005, sinh con thứ hai. Khi đứa con thứ hai được 6 tháng thì “trâm gãy bình tan”, vợ chồng chia tay. Từ đó đến nay, một tay cô chăm bẵm nuôi nấng hai con đi học cùng với một mẹ già, không có một người thân nào khác ở Bảo Lộc. Ngày đưa con đến trường học và lên lớp giảng dạy, tối về kèm cặp con học bài, khuya đêm cô bắt đầu nghiên cứu soạn giáo án. Những lúc rỗi, cô lại cùng mẹ và hai con xúm vào làm thêm nghề nhặt cây rừng bán cho người ta cắm bình bông.
 
Tôi hỏi: “Hoàn cảnh éo le như vậy, đã lúc nào em có ý định bỏ nghề chưa?”. Hồng Thúy chia sẻ: “Em biết là một gánh nặng, nhất là những lúc con ốm đau, nhưng chưa lúc nào em tính bỏ nghề cả vì sự ủng hộ, động viên của đồng nghiệp. Hình như những lúc như thế, em càng yêu nghề hơn thầy ạ…”.
 
Đam mê với sự nghiệp 
 
Ở Trường Tiểu học Tân Sơn, Phí Thị Hồng Thúy cũng được phân công dạy lớp 1 và kiêm khối trưởng liên khối 1, 2, 3. Lớp của cô, chất lượng HS cuối năm năm học nào cũng đạt 100% hạnh kiểm tốt; tỷ lệ HS học lực loại khá và giỏi đạt cao. 
 
Để trở thành GVG, ngoài luôn tận tâm, gần gũi san sẻ với HS, cô Hồng Thúy không ngừng nghiên cứu, tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng HS và không bao giờ nặng lời với các em. Cô đặc biệt chú ý đến việc hình thành nhân cách, lưu tâm tới việc giáo dục đạo đức cho các em. Mặt khác, Hồng Thúy tự sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học; bài giảng tăng cường phương pháp trực quan bằng những hình ảnh thân quen với lứa tuổi HS. Nhờ vậy, HS tiếp nhận kiến thức vừa có hiệu quả vừa được phát triển kỹ năng sống, ý thức về môi trường… Đối với HS lớp 1, để tăng cường vốn tiếng Việt, cô Thúy nhận thức được người GV phải dạy cho HS đọc chuẩn âm, chuẩn từ và từ đó nâng dần lên đặt câu thông qua xem tranh… “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cũng có lúc em tính buông thi GVG nhưng nhà trường và bạn bè động viên nên lại thi. Em nghĩ, bài giảng phải xác định cho được mục tiêu yêu cầu để từ đó có phương pháp dạy thích hợp, kết quả là thước đo hiệu quả giáo dục”, cô Hồng Thúy nói. 
 
Nhận xét về giáo viên Phí Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Tân Sơn Đặng Thị Tân cho biết: “Cô Thúy là một GV có nghị lực vượt khó vươn lên; tâm huyết trong giảng dạy và công tác. Vừa là GV có tay nghề vững vàng, cô còn là khối trưởng cáng đáng công việc của trường xuất sắc. Cô có tinh thần tương thân tương ái với đồng nghiệp, nhiệt tình truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp mới nhưng bản thân luôn khiêm tốn học hỏi. Cô Hồng Thúy được bạn bè, đồng nghiệp, phụ huynh và HS quý mến, tôn trọng…”. Những nhận xét đó là phần thưởng lớn nhất dành cho cô Phí Thị Hồng Thúy để cô tiếp tục vượt lên trong chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn đón đợi.
 
MINH ĐẠO