Cán bộ "bé hạt tiêu"

03:12, 03/12/2013

Anh Phạm Đa chưa đến tuổi lục tuần, nhỏ thó, sức khỏe yếu đến mức Chủ tịch Âu ví "quanh năm ngồi ôm bếp sưởi". Nhưng anh Đa có một nội lực phi thường, là cán bộ năng nổ, tận dụng hết sức lực cá nhân để lo công việc cho thôn và xã.

Cuối tháng 10, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt được đoàn kiểm tra thành phố kiểm tra và kết luận cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng “Nông thôn mới” (NTM). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Sĩ Sơn đánh giá rất cao những kết quả thành công của Trạm Hành. Còn Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Âu chia sẻ: Kết quả là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhưng phải kể đến một trong những người nổi bật nhất là anh Phạm Đa - Bí thư chi bộ thôn Trạm Hành 1. 
 
Chức to hay nhỏ vẫn mẫu mực 
 
Bí thư Phạm Đa tại con đường tổ 8
Bí thư Phạm Đa tại con đường tổ 8
Anh Phạm Đa chưa đến tuổi lục tuần, nhỏ thó, sức khỏe yếu đến mức Chủ tịch Âu ví “quanh năm ngồi ôm bếp sưởi”. Nhưng anh Đa có một nội lực phi thường, là cán bộ năng nổ, tận dụng hết sức lực cá nhân để lo công việc cho thôn và xã. Anh quê ở Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại Xuân Trường, Đà Lạt. Ra rừng hoạt động từ 1973 rồi làm Xã đội trưởng, Phó Chủ tịch xã Xuân Trường từ năm 1980 đến 1994. Năm 1985, anh được kết nạp Đảng, năm 1986 cấp trên động viên anh rời Xuân Trường xuống Trạm Hành nhận nhiệm vụ chuẩn bị thành lập xã mới. Anh bán hết đất đai, nhà cửa di cư đến vùng đất mới Trạm Hành 1 bây giờ. Anh Đa tâm sự: Tôi chỉ có lớp 5 giữa chừng thôi à. Bỏ học vì hoàn cảnh mẹ mất sớm lúc anh 12 tuổi, cha bị chế độ Mỹ-ngụy bỏ tù 3 lần nên phải nuôi em... Học thấp, nhà nghèo, sức khỏe yếu thế mà năm 1999 còn bị tai nạn thập tử nhất sinh, phải điều trị cả năm trời. Ra viện, anh làm Bí thư chi bộ 4 thôn. Không giấu giếm và tự ti về trình độ văn hóa thấp của mình mà ngược lại càng thôi thúc anh phấn đấu. Thành tựu của xã Xuân Trường có công lớn của anh. Vì vậy, anh được nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất của Chủ tịch nước và Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng. 
 
Cán bộ, nhân dân 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành ai cũng chia sẻ về một Phạm Đa mẫu mực nhưng do trình độ văn hóa nên không được bố trí làm cán bộ lãnh đạo xã mới. Mất chức lớn quyền to, không lăn tăn, Phạm Đa vui vẻ nhận làm cán bộ thôn. Chức nhỏ nhưng nghị lực quyết không nhỏ, trình độ văn hóa thấp nhưng quyết năng lực làm việc không thấp. Có thể hiểu, sức mạnh nội lực tiềm tàng trong anh được hun đúc tổng hòa từ nhiều yếu tố tự thân: khắc phục sức khỏe - tự học hỏi rèn luyện - trách nhiệm đảng viên - tinh thần đồng chí, đồng đội - nhất tâm vì dân vì tập thể. Và anh đã thành công, uy tín từ tập thể, niềm tin yêu nể trọng từ mọi người. Anh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, hàng chục giấy khen các cấp, các ngành và là “Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2008-2013” của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Ông “nông thôn mới” 
 
Sự ghi nhận trên ở anh Phạm Đa bởi đặc biệt về thành tích trong các phong trào, nhất là xây dựng NTM. Con thuyền vượt được thác ghềnh hay không quan trọng ở người cầm lái biết tạo nên sức cộng hưởng từ mọi thuyền viên. Nhưng trước hết, người thuyền trưởng dám đứng đầu sóng ngọn gió, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Câu chuyện làm đường bê tông liên tổ 5 và 7 chiều dài 1,1 km trong đó dân đóng góp hơn 417 triệu đồng là một ví dụ điển hình. Mới huy động được một nửa, Bí thư Phạm Đa quyết định khởi công trước sự ngỡ ngàng của xã. Anh viết thư ngỏ mang đến tận từng nhà kêu gọi sau đó lập chốt giữa đường để tiện cho người qua kẻ lại đóng tiền. Chỉ trong một tuần, 217 triệu đồng còn lại được thu đủ. 
 
Còn con đường tổ 8 dài 300m với tổng kinh phí 380 triệu đồng, phải huy động hơn 120 triệu đồng của 10 hộ thường trú và 7 hộ vãng lai càng khó. Vì dân ít, nghèo, huy động số tiền lớn. Ngày dân vào rẫy, tối về họp bàn, đến bảy cuộc vẫn chưa xong vì dân không tin làm nổi. Anh mang sổ nhà, sổ đất ra nói với dân tổ 8: Đây là tài sản của nhà tôi, bà con hãy tin tôi làm được, nếu đường không xong hay không có chất lượng, tôi xin mọi người phát mãi số tài sản này. Cái tinh thần quyết liệt và tình cảm chân thành của ông Bí thư Đa như làn gió tác động mạnh đến mọi người. Tình làng nghĩa xóm thêm một lần hun đúc bởi sự san sẻ của người khá gánh cho người khó, người có đóng dùm người chưa có. Sau mấy ngày, tiền huy động đủ, con đường bê tông rộng 3m, dày 16cm do dân bàn, dân làm, dân giám sát hoàn thành. Ngày hoàn công, nhà thầu, 3 hộ dân khá tự nguyện góp thêm hơn 4 triệu đồng cùng ăn mừng công. Chị Lê Thị Hoa Mai là thư ký kiêm giám sát công trình con đường này nói: “Ban đầu cũng chỉ khoảng 50% hộ ủng hộ chủ trương vì một số hộ họ khó khăn lắm, ví dụ như Thanh Hương đây. Nhưng rồi thành công, đường đẹp, xóm làng vui, ai cũng mừng khó tả”. Đó là những bài học về “dân vận khéo” mẫu mực.
 
Trao quyền cho dân 
 
Thành công của Bí thư Phạm Đa còn là thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, trong đó cốt lõi là sự công tâm, minh bạch và sử dụng đồng tiền của tập thể có hiệu quả nhất. Bài học khác của anh Đa là phải tập trung xây dựng cho được hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư. Từ mô hình “Tổ nhân dân” của tổ 8, anh đang triển khai chuyển cả 8 “Tổ nhân dân” trong thôn Trạm Hành 1 sang “Tổ tự quản” cùng xây dựng “Câu lạc bộ gia đình văn hóa” làm nòng cốt. Thôn không bao biện nữa mà giao hẳn tất cả cho tổ điều hành mọi lĩnh vực từ an ninh - chính trị đến văn hóa - xã hội… Anh nói: “Không có tổ chức này là chết ngắc liền”. 
 
Có vậy thì thôn Trạm Hành 1 trong 5 năm qua mới huy động được dân đóng góp gần 940 triệu đồng làm 2 con đường, nhà văn hóa thôn và khoảng 75 triệu đồng các quỹ an sinh xã hội. Thôn Trạm Hành 1 trong 8 năm qua đều đạt “Thôn văn hóa”; các đoàn thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, “Chi bộ tiêu biểu” duy nhất của xã; nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Anh Đa cho biết năm 2014 thôn sẽ tiếp tục khởi công 900 mét của 2 con đường nối dài ở tổ 4 và 5, tổng kinh phí dự trù 900 triệu đồng, trong đó dân đóng góp một phần ba; làm 2,2 km hệ thống điện chiếu sáng khoảng 100 triệu đồng từ kinh phí của dân... Công việc đã khởi động, chắc chắn sẽ thành công nhờ kinh nghiệm và uy tín của anh.
 
TĨNH XUYÊN