Cây cầu vượt lũ ở xứ đạo

04:12, 25/12/2013

Sau gần bốn tháng thi công, tháng 4/2013, công trình cầu treo dây văng vượt lũ ở xứ đạo Lạc Viên vắt qua con sông Đa Nhim đưa vào sử dụng, kết nối đôi bờ trong mùa mưa lũ đối với hàng ngàn hộ dân trong vùng…  

Sau gần bốn tháng thi công, tháng 4/2013, công trình cầu treo dây văng vượt lũ ở xứ đạo Lạc Viên (xã Lạc Xuân, Đơn Dương), vắt qua con sông Đa Nhim được khánh thành đưa vào sử dụng, kết nối đôi bờ trong mùa mưa lũ đối với hàng ngàn hộ dân trong vùng…  
 
Linh mục Phương (người ngoài cùng bên phải) chỉ đạo thi công cầu vượt lũ qua sông Đa Nhim
Linh mục Phương (người ngoài cùng bên phải) chỉ đạo thi công cầu vượt lũ
qua sông Đa Nhim
 
Ngày 4/4/2013, là ngày mà người dân trong vùng mong đợi nhất. Đó là thời điểm cây cầu treo dây văng vượt lũ nối liền hai bờ con sông Đa Nhim đoạn qua địa bàn xã Lạc Xuân chính thức được khánh thành. Người dân ở các thôn Lạc Viên A, Lạc Viên B, Diom A, Diom B và thôn Giãn Dân (xã Lạc Xuân) đã vỡ òa trong niềm vui tột cùng, bởi từ nay không còn cảnh đi vòng và bị chia cắt đôi bờ mỗi khi đập thủy điện Đa Nhim xả lũ.
 
Công trình có tổng kinh phí xây dựng trên 3,5 tỷ đồng, trong đó riêng tiền mua sắm vật tư thiết bị khoảng 1,3 tỷ đồng, phần còn lại là do giáo dân đóng góp khoảng 1.700 ngày công và gần 1,2km đường dẫn bê tông nối cây cầu với QL27. Cây cầu được thiết kế dài 114m, rộng gần 2m, được giữ vững bằng các mố trụ bê tông và gần 100 sợi dây văng chắc chắn và chỉ dành cho xe hai bánh, người đi bộ lưu thông. Từ khi đưa vào sử dụng cây cầu, hàng ngày đã giúp cho hàng trăm hộ dân trong vùng đi lại, vận chuyển rau củ bằng xe máy, và hơn hết là không còn lo nước lũ tràn bờ, ngăn cách lối về… 
 
Người dân thôn Diom B thổ lộ, trước đây, mỗi khi muốn ra UBND xã, hoặc đón xe buýt lên Đà Lạt đều phải đi vòng, nhà nào không có xe máy thì phải mất 40.000 - 50.000 đồng tiền xe ôm/lần đi về, nay có cây cầu rồi thì chỉ cần bách bộ hơn 1km là đã đến trung tâm xã. Đặc biệt, ngay cả mùa mưa lũ cũng không sợ chia cắt vì ngập nước. 
 
Còn giáo dân ở giáo xứ Lạc Viên cũng không giấu được niềm hạnh phúc, vì theo họ, từ lâu đã mong ước có được cây cầu vượt lũ nối liền đôi bờ bãi bồi phù sa của con sông Đa Nhim để tiện đi lại và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vậy nhưng, “sức người” có hạn, nay nhờ linh mục Phạm Công Phương, Giáo xứ Lạc Viên một tay đứng ra thiết kế, tài trợ và chỉ đạo xây dựng…, nên người dân mới có được cây cầu như ý, chính vì vậy mà các giáo dân ở đây còn gọi cây cầu vượt lũ này là cầu “Cha Phương”.
 
Câu chuyện về linh mục Phương đứng ra xây cầu cho người dân ở xã Lạc Xuân được nhiều người truyền tai nhau là vậy, nhưng khi hỏi, ông chỉ cười rồi phân bua: “Tôi chỉ lo phần thiết kế bản vẽ, vận động nguồn tài trợ để mua nguyên vật liệu… Việc thi công hoàn toàn do người dân trong vùng cùng chung sức xây dựng”. Cũng theo linh mục Phương, ý tưởng xây cầu bắt đầu nhen nhóm từ khi ông được Tòa Giám mục điều động từ Nhà thờ Chánh tòa (TP Đà Lạt) về làm Quản xứ Giáo xứ Lạc Viên, kiêm Quản hạt Đơn Dương vào năm 2004. Khi ấy, thấy người dân trong vùng đi lại khó khăn và thường xuyên bị chia cắt mỗi khi đập Đa Nhim xả lũ, nên ông ấp ủ làm sao phải xây được một cây cầu mới giúp dân vượt dòng nước dữ. 
 
Chính cách nghĩ đơn giản, nhưng đầy lòng nhân ái này, linh mục Phạm Công Phương đã bắt tay vào nghiên cứu, tự tay lên bản thiết kế, dự toán kinh phí đầu tư xây dựng công trình cầu treo dây văng vượt lũ. “Kệ, mình cứ làm cầu cho dân, nếu không đủ tiền sẽ có nguồn này nguồn kia tài trợ… Và kết quả là có được cây cầu vượt lũ sau tám năm ấp ủ ý tưởng” - Linh mục Phương nói.
 
Trước ngày khởi công, là người miền Tây, linh mục Phương chẳng lạ gì với những cây cầu treo, nhưng để xây dựng cây cầu treo dây văng vắt qua con sông Đa Nhim có dòng nước chảy xiết vào mùa lũ này, ông phải rong ruổi khắp nơi để tìm hiểu thêm về kết cấu của những cây cầu treo. Mỗi cây cầu ông đều ghi lại chi tiết về thiết kế và các điểm mạnh, điểm yếu để rút kinh nghiệm cho bản vẽ của mình. Để giảm nhẹ chi phí, linh mục Phương vừa đóng vai trò quản lý công trường, vừa là “kiến trúc sư” giám sát thi công, vừa lo việc mua nguyên vật liệu từ TP HCM và đảm nhận luôn nhiệm vụ điều hành toàn bộ công việc ở công trình. 
 
Gần bốn tháng thi công là quãng thời gian vừa vất vả, vừa tràn trề khí thế hối hả của bà con giáo dân Giáo xứ Lạc Viên trên công trường. Mỗi ngày trung bình có vài chục người thi công, một nhóm lo xây trụ cầu, làm đường. Nhóm khác thì thiết kế trụ cáp, thành cầu tại nhà thờ. Linh mục Phương cho biết: “Do mình vận động người dân góp sức làm cầu, nên họ chia nhau làm xoay vòng, nhóm này làm xong một ngày đến lượt nhóm khác. Vậy nên mỗi ngày đều có “thợ mới” nên tôi cũng phải hướng dẫn công việc khá vất vả”.
 
Tuy nhiên, dường như chưa hài lòng, linh mục Phương lại tiếp tục thiết kế một bản vẽ cho công trình cầu tràn mới. Theo ông, cây cầu này có tổng kinh phí bằng với cây cầu vừa hoàn thành, và sẽ được xây dựng cách vị trí cầu treo khoảng một cây số về phía thượng nguồn, dành cho các loại xe bốn bánh chuyên chở hàng hóa. Nếu được cơ quan chức năng chấp thuận cho xây dựng, cây cầu này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc vận chuyển rau màu, hàng hóa trong mùa mưa lũ.
 
Không chỉ đứng ra xây cầu vượt lũ cho người dân, linh mục Phạm Công Phương cho biết, ông không nhớ chính xác là đã làm được bao nhiêu km đường, nhưng riêng trong năm 2013 đã giúp đỡ, vận động giáo dân trong giáo xứ xây dựng, nâng cấp được khoảng 20 tuyến đường lớn nhỏ trong vùng để bà con giáo dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận tiện hơn. Đồng thời, ông cũng vận động bà con giáo dân góp phần thực hiện tốt phong trào xanh, sạch, đẹp ở các khu dân cư; tích cực tham gia xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học dở dang. Từ năm 2007 đến nay, Giáo xứ Lạc Viên thường xuyên tổ chức trao học bổng cho các em sinh viên, học sinh đạt thành tích trong học tập và trao quà cho các em học sinh nghèo vượt khó trong giáo xứ vào các dịp lễ, tết và dịp hè, bình quân mỗi năm tổng trị giá tiền học bổng và quà tặng của ban khuyến học Giáo xứ Lạc Viên lên đến 30 triệu đồng… 
 
Đặc biệt, năm 2012 và 2013, linh mục Phạm Công Phương còn vận động bà con giáo dân tham gia xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trong các khu dân cư, nhằm góp phần bảo vệ tình hình an ninh trật tự, đồng thời tạo điều kiện cho các cháu học sinh đi học ban đêm về nhà được an toàn. Chỉ tính riêng nguồn kinh phí để kéo trên 14km đường dây và lắp 360 bóng đèn thắp sáng trong các khu dân cư, Giáo xứ Lạc Viên đã hỗ trợ trên 350 triệu đồng. 
 
Nhắc đến công trình cầu vượt lũ ở xứ đạo Lạc Viên, ông Phan Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay, việc xây cầu cho dân của vị linh mục Phạm Công Phương rất đáng hoan nghênh. Qua đó, phát huy tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo” và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Thụy Trang