K'Siêng - Nhịp cầu tin yêu và vững chãi

03:12, 10/12/2013

Anh bám trụ địa bàn huyện nghèo này và như con thoi, vào xã vận động dân, lên Đà Lạt tham gia hội đàm với đoàn Mặt trận tỉnh Champasak của Lào quay về trong đêm. Rồi họp Thường vụ Huyện ủy, làm việc với MTTQVN tỉnh...

Nhiều lần hẹn và sau gần 4 giờ đi xe máy đến Đam Rông tôi gặp được anh K’Siêng. “Khó gặp anh quá, đúng là anh siêng năng như tên của anh đấy”, tôi nói. Anh phân trần khiêm tốn: “Không đâu, đặt tên thế chứ mình không siêng đâu”. Anh bám trụ địa bàn huyện nghèo này và như con thoi, vào xã vận động dân, lên Đà Lạt tham gia hội đàm với đoàn Mặt trận tỉnh Champasak của Lào quay về trong đêm. Rồi họp Thường vụ Huyện ủy, làm việc với MTTQVN tỉnh...
 
Khép mình vào tập thể 
 
Anh K’Siêng sinh năm 1955, là người dân tộc K’Ho, quê ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Mười tám năm giữ các cương vị lãnh đạo xã Phi Liêng, năm 2005, huyện Đam Rông thành lập, anh làm ủy viên thường trực HĐND huyện và 5 năm nay là Chủ tịch Mặt trận huyện. 
 
Bí thư Huyện ủy Đam Rông Vũ Kim Sinh nhận xét về “sự lăn lộn với địa bàn” của anh K’Siêng: Là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, tuy trình độ văn hóa không cao nhưng anh hiểu biết, có trách nhiệm; chân tình, chan hòa, tận tụy với công việc. Anh có tiếng nói uy tín trong việc tuyên truyền vận động đồng bào chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, đồng chí trung thành, trung thực, thẳng thắn trong góp ý tham gia xây dựng tổ chức, đoàn thể. Anh giữ được vai trò uy tín của một trưởng khối đoàn thể, một Bí thư chi bộ. Anh K’Siêng là người nêu gương sống trách nhiệm, đi đầu trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Một cán bộ tự giác khép mình vào tập thể, xứng đáng là điển hình trong đội ngũ lãnh đạo; người được nhân dân yêu thương tín nhiệm; chan hòa chân tình với đồng chí, đồng đội…
 
Sức lan tỏa tự nhiên 
 
Làm lãnh đạo, anh K’Siêng vừa luôn tu dưỡng bản thân, vừa chú trọng đến giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Anh học hỏi mọi người và làm gương, tạo được sức lan tỏa, đồng thời kiên quyết đấu tranh để cả tập thể thường xuyên nghiêm túc phấn đấu rèn giũa. Chất mộc mạc của anh như sự kết dính tiềm tàng kết nối mọi người thành khối đoàn kết và thân ái. Minh định rõ được vai trò của mình, anh K’Siêng xuất sắc là nhịp cầu nối vững chãi giữa Đảng, Nhà nước với người dân. Cách làm là cụ thể hóa các chương trình phối hợp, phân định rõ trách nhiệm từng cá nhân và thống nhất cùng hành động. Cách anh đi là tập trung hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân. Phân tích thực tiễn, anh tham mưu, đề xuất, phản biện và vạch những giải pháp năng động; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để những chủ trương, đường lối thực sự bắt rễ sâu trong các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Anh có nhiều kinh nghiệm quý về phát huy vai trò các già làng, trưởng bản, nhân sỹ trí thức, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. 
 
Còn nhớ những năm 1987-1993, công cuộc định canh định cư đối với đồng bào bản địa là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn ở Đam Rông. Anh K’Siêng đến tận từng buôn giải thích, tuyên truyền bà con và bằng nỗ lực giành thành quả từ mô hình kinh tế vườn hộ của mình để chứng minh thuyết phục. Sau 20 năm, người dân Đam Rông không còn du canh du cư, mức sống tăng lên khoảng 10 lần. “Phải lắng nghe tìm hiểu khó khăn của dân để chia sẻ và vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Vấn đề là tạo được trong họ niềm tin đối với những đường lối, chủ trương thì người dân mới tham gia tự giác và tích cực”, anh K’Siêng chia sẻ. 
 
Hoa vẫn nở cùng đất Đam Rông 
 
Huyện Đam Rông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước; dân số trên 43 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 70% với khoảng 20 dân tộc nhưng đa số là cư dân gốc Tây Nguyên. Huyện có gần 71% người dân theo các tôn giáo. Khó đấy, nhưng sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước cùng đội ngũ cán bộ điển hình như anh K’Siêng, Đam Rông đang nỗ lực để năm 2015 không còn là huyện nghèo như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đức Tâm. Số liệu mới nhất anh Tâm cho biết: toàn huyện còn dưới 15% hộ nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 23%, so năm 2012 đều giảm 7%. Năm 2013, Đam Rông có tốc độ tăng trưởng 18,4%; GDP bình quân đầu người 19,8 triệu đồng/người/năm, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước 44,4 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch. 48/52 thôn văn hóa, 1 xã văn hóa cấp tỉnh; 95% hộ dùng điện; 85% hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 36 trường học với hơn 13,3 ngàn học sinh, tăng 2 trường (hơn 300 học sinh)…
 
Có những kết quả này phải kể đến thành công từ các cuộc vận động. Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng “Nông thôn mới” do MTTQ phối hợp chủ trì. Một huyện nghèo nhưng từ đầu năm đến nay, UBMTTQ huyện góp sức chung tay làm nên những con số rất khích lệ: Quỹ “Vì người nghèo” trên 124 triệu đồng; Quỹ “Ủng hộ Trường Sa” trên 110 triệu đồng; Quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt trên 130 triệu đồng… 
 
UBMTTQVN huyện Đam Rông nhiều năm là tập thể Lao động tiên tiến; 8 năm thành lập huyện nhận 12 bằng khen của trung ương và tỉnh… Cá nhân anh K’Siêng liên tục là “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở và năm 2012 là “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh; chỉ tính 5 năm nay anh nhận 9 bằng khen của trung ương, của tỉnh và đang được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng.
 
Bí thư Vũ Kim Sinh nói: Mặc dù tuổi anh K’Siêng đã lớn, nhưng tỉnh và huyện sẽ tiếp tục cử anh đảm đương cương vị Chủ tịch Mặt trận huyện nhiệm kỳ tới cho đến lúc nghỉ hưu. Đó là tín nhiệm của lãnh đạo đối với K’Siêng bởi anh là nhịp cầu tin yêu và vững chãi ở vùng đất Đam Rông.
 
ĐẠO PHAN