Ông giáo của buôn làng

03:12, 29/12/2013

Trong suốt 35 năm "đưa đò" và 20 năm làm công tác quản lý giáo dục, chưa lúc nào trong ông không thôi thúc và cháy bỏng hai chữ "yêu thương".  

Trong suốt 35 năm “đưa đò” và 20 năm làm công tác quản lý giáo dục, chưa lúc nào trong ông không thôi thúc và cháy bỏng hai chữ “yêu thương”.  Với cộng sự, đồng nghiệp, ông là người tiên phong, gương mẫu. Với học sinh  DTTS, ông là ông giáo gần gũi, làm nhiều hơn nói. Ông là thầy giáo Nguyễn Ry - Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Dân tộc Nội trú (DTNT) Bảo Lâm.
 
Tận tâm với học sinh DTTS
 
Năm 2005, phân hiệu Dân tộc nội trú được tách ra từ Trường THPT Bảo Lâm và thành lập đơn vị giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh DTTS. Thầy giáo Nguyễn Ry, từ vị trí Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lâm, được luân chuyển về làm Hiệu trưởng Trường DTNT Bảo Lâm. Cương vị mới, theo lời ông, đáng lo nhiều hơn đáng mừng. Thời điểm đó, trường mới có 94 học sinh, được bố trí về địa điểm mới đang còn ngổn ngang trên một công trường xây dựng. Sân trường sình lầy, chưa có cây xanh, chưa có đường đi lối lại. Thiếu phòng học, thiếu cả phòng ở và phòng ăn, thầy trò phải học nhờ ở Trường THPT Bảo Lâm và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện. Cái khó và cái thiếu luôn hiện diện, dễ làm nản chí những ai thiếu nghị lực. Điều thường trực lo lắng trong ông là làm sao để sớm ổn định trường lớp, ổn định chất lượng giáo dục ở một môi trường giáo dục đặc thù dành riêng cho học sinh DTTS. 
 
Thầy giáo Nguyễn Ry
Thầy giáo Nguyễn Ry
 
Theo lời kể của cô Nguyễn Thị Tài - Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Chi bộ Trường DTNT Bảo Lâm: “Thầy Ry đã không ngại xắn quần xúc từng xẻng đất để làm đường đi và sân chơi cho các em”. Ông đã mạnh dạn phá bỏ một số phòng ở để mở rộng phòng ăn tập thể; “ngoại giao” với các lão nông xung quanh trường để xin vỏ cà phê về cải tạo đất, bày cho giáo viên và học sinh trồng rau, trồng khoai, tăng gia sản xuất; mang cây xanh về cải thiện quang cảnh nhà trường; dự từng tiết học, chia sẻ từng giờ sinh hoạt lớp để động viên học sinh và giáo viên không bỏ trường, bỏ lớp. Ông “trăn trở” từ miếng ăn, giấc ngủ của học sinh cho đến việc kiên trì dạy các em giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ở… Thầy giáo Ry chia sẻ: “Đối với học sinh DTTS, phương pháp giáo dục trước nhất là nêu gương; sau nữa là phải kiên trì, nhẫn nại trong từng việc nhỏ. Ví như việc dạy các em không được làm đổ cơm ra bàn trong giờ ăn, cũng phải dạy từ từ, ngày này qua ngày nọ. Hoặc, việc dạy học sinh nếp sống “tự quản, tự rèn”, tự ý thức trách nhiệm của mình đối với việc học, cũng được Hiệu trưởng kiên trì nhắc nhở, hướng dẫn trong từng giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, giờ ăn, giờ ngủ và trong cả giờ chơi. “Một khi đã hình thành thói quen, tất yếu sẽ gặt hành động tốt” – Đó là phương châm giáo dục đặc thù được Hiệu trưởng Nguyễn Ry duy trì từ bao năm nay ở Trường DTNT Bảo Lâm. 
 
Thương trò như thương con
 
Tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thầy giáo Nguyễn Ry được Huyện ủy Bảo Lâm tặng giấy khen. Năm 2013, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến trong Cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác. Tổng kết phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ông được Sở GD-ĐT đánh giá cao và Trường Phổ thông DTNT Bảo Lâm được chọn làm “điểm” triển khai rộng phong trào này. 
Có lẽ, điều đọng lại trong bất kỳ ai khi tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Ry, chính là tấm lòng đôn hậu và một phong cách giản dị, gần gũi. Với học trò, cách ông nói chuyện cũng không hề xa cách, thân tình như cha với con. Động viên đội năng khiếu trước ngày các em đi thi học sinh giỏi, ông bảo: “Các con cố gắng nhé, bình tĩnh và tự tin mà làm bài cho tốt. Kết quả thế nào, về thầy cũng có quà. Em nào đạt giải cao thì thầy sẽ mua cho cái máy nghe nhạc!”. Trước đó, từng có nhiều học sinh khá, giỏi trong trường nhận được phần thưởng đáng khích lệ như thế. Nhưng phần thưởng cao quý hơn, mà bất kỳ học sinh nào trong trường cũng nhận được, đó là tình thương của thầy Hiệu trưởng. Ngày Nhà giáo VN 20/11/2011, khi các trường, các địa phương đang nhộn nhịp hoạt động chào mừng, thầy giáo Ry và tập thể giáo viên Trường DTNT Bảo Lâm lại lo đến chóng mặt với dịch Cúm A (H1N1) đang hoành hành. Gần 70 học sinh của trường bị bệnh. Trung tâm Y tế huyện chỉ đủ chỗ cho 30 em điều trị, hơn 30 em khác phải nằm cách ly tại trường. Túc trực ở trường 24/24 trong suốt 20 ngày cách ly, không phải là cha mẹ của các em, mà chính là thầy Hiệu trưởng cùng một số giáo viên. 
 
Không chỉ trong chuyện đau ốm bệnh tật, mà ngay cả chuyện các em học yếu, vi phạm kỷ luật, thầy giáo Ry cũng không bao giờ “phiền” đến phụ huynh. Ông bảo: “Đồng bào một khi đã tin tưởng giao con cho mình, thì nhất cử nhất động là phải mình trước tiên. Nó học yếu, mình lo. Nó đánh nhau, mình răn phạt. Nó chưa ngoan, mình dạy cho ngoan. Quan tâm, lo lắng phải xuất phát từ tình thương. Vậy thì đồng bào mới tin tưởng mà gửi con cho mình”. 
 
Bất kỳ chuyện lớn, chuyện nhỏ trong trường, học trò cũng tìm đến thầy Hiệu trưởng để nhờ giải quyết. Học sinh vi phạm kỷ luật, không bao giờ bị khiển trách trước cờ, trước toàn trường, mà được Hiệu trưởng mời vào phòng riêng chỉ dạy, khuyên răn. Ông dạy học trò cách tha thứ thay vì bắt phạt, cách sửa lỗi thay vì nhận lỗi. Ông cũng dạy học trò cách thực hành nhiều hơn lý thuyết, vì ông quan niệm: “Sau này, về với buôn làng, chính các em là người dạy buôn làng cách trồng khoai, trồng rau, cách ăn ở vệ sinh, cách thực hành các kỹ năng sống văn minh, tiến bộ”. 
 
Tấm gương sáng về tự học, tự rèn
 
Không chỉ nêu gương trong vai trò quản lý giáo dục, thầy giáo Nguyễn Ry còn được đồng nghiệp nể trọng về tấm gương tự học. Để có thể vượt qua khoảng cách ngôn ngữ, ông đã tự mày mò học tiếng dân tộc, rồi vận động tập thể giáo viên nhà trường cùng học theo. Đến nay, hầu hết cán bộ, giáo viên của trường đã học, đã nói và giao tiếp được nhiều bằng tiếng dân tộc. Bản thân thầy giáo Ry, dù lớn tuổi (SN 1958), vẫn cặm cụi hàng ngày bên chiếc máy vi tính để cập nhật những công nghệ thông tin mới trong giảng dạy. Thấy nhiều giáo viên đã lớn tuổi hoặc giáo viên trẻ mới về trường, bước đầu chưa thành thạo trong sử dụng máy tính, ông hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Nhờ vậy, chỉ sau 2 năm thành lập trường, toàn bộ 25 giáo viên đều sử dụng khá thành thạo máy vi tính, biết ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng. Một thầy giáo trẻ chia sẻ rằng: “Được sống và làm việc với thầy Ry, ai cũng thấy mình ngày càng trưởng thành hơn về mọi mặt”. Tấm gương tự học của thầy giáo Nguyễn Ry còn tỏa sáng trong gia đình. Hai con gái lớn đã tốt nghiệp, là giáo viên giỏi của Trường THPT Bảo Lâm và hiện đều tiếp tục học cao học. Con trai út đang là sinh viên đại học năm thứ ba. Nhiều năm liền, gia đình ông được công nhận là “gia đình hiếu học”. 
 
Sau gần 10 năm kể từ ngày đầu, Trường DTNT Bảo Lâm đã có trên 270 học sinh DTTS, vươn lên là một trong những trường tiêu biểu xuất sắc (trong khối 9 trường DTNT của tỉnh) năm 2012. Theo cô Hiệu phó Nguyễn Thị Tài, trường có được thành tích của ngày hôm nay, công đầu không phủ nhận chính là của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ry. Còn với mình, phần thưởng quý nhất vẫn thường được ông chia sẻ, đó là “đám” học trò bây giờ đã nề nếp; một tập thể giáo viên yêu thương, đoàn kết; một sự tín nhiệm của bậc phụ huynh. 
 
HẢI UYÊN