Mang trong mình căn bệnh "thế kỷ" nhưng không chấp nhận số phận nghiệt ngã, chị đã vươn lên trở thành cán bộ của Hội phòng chống HIV/AIDS năng động, tích cực của huyện Di Linh.
Mang trong mình căn bệnh “thế kỷ” nhưng không chấp nhận số phận nghiệt ngã, chị đã vươn lên trở thành cán bộ của Hội phòng chống HIV/AIDS năng động, tích cực của huyện Di Linh.
Dòng đời nghiệt ngã
Ngồi trước mặt tôi, chị vẫn tươi cười, tự tin giao tiếp như một người thành đạt, có địa vị vững chắc trong xã hội. Đối diện với con người ấy, mấy ai biết rằng chị đang mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS - loại bệnh mà chỉ cần nghe tới cũng để làm cho người ta rùng mình ghê sợ, tìm cách xa lánh, kỳ thị. Chị là Trần Thị Thảo (24 tuổi), ngụ tại thị trấn Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Cuộc đời của Thảo là một chuỗi những tháng ngày không một chút bình yên. Thảo sinh ra trong một gia đình nghèo 6 anh em, cơm ăn chưa đủ no, áo mặc không đủ ấm, lận đận lắm chị mới được gia đình cho học hết lớp 9. Năm 2006, khi đang làm công nhân tại Bình Dương, Thảo quen một người đàn ông nhà ở Bình Dương làm chung công ty. Cuộc tình vội vã đã nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Thảo cũng không ngờ, chính người chồng mà mình yêu thương, đặt trọn niềm tin để xây dựng một cuộc sống gia đình trước khi cưới đã mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS. Và tất nhiên, chị trở thành nạn nhân của căn bệnh quá ác ấy.
|
Chị Trần Thị Thảo (trái) bên chị Lê Thị Hợp |
Thực ra, nếu không sinh con, Thảo cũng không thể biết được mình đã mắc căn bệnh này. Đó là vào năm 2008, ba ngày sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ TP HCM khéo léo báo hung tin, Thảo đã mắc bệnh HIV. Không ít lần tại phòng bệnh Thảo đã nghĩ đến việc mở cửa sổ gieo mình xuống đất để quên đi nỗi đau, quên đi cuộc đời đã không đem lại cho chị một lần hạnh phúc trọn vẹn. Thế nhưng, may mắn thay, Thảo đã không làm điều dại dột đó. Nhìn cha mẹ, người thân bên cạnh động viên, Thảo nghĩ mình phải sống. Sống không để cho mình nữa mà để cho đứa con gái bé bỏng, cho người thân, họ hàng, cùng những người đang đặt niềm tin vào chị trước thử thách nghiệt ngã này.
Sau cú sốc lớn tưởng chừng không thể qua khỏi, sức mạnh của tình yêu lại thôi thúc Thảo có nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương chồng con hơn. Thế nhưng, cuộc đời lại không cho Thảo được một phút bình yên để hưởng hạnh phúc. Dù đã mắc bệnh HIV/AIDS trong người nhưng chồng Thảo vẫn không chịu từ bỏ ma túy, ghen tuông mù quáng và quan hệ bừa bãi với không ít phụ nữ khác. Đó là lý do năm 2010, Thảo quyết định ra tòa ly hôn chồng rồi đem con gái về quê nhà Di Linh sinh sống cùng gia đình. Sau quá nhiều đau khổ, cuối cùng Thảo cũng đã một lần được mỉm cười hạnh phúc khi biết kết quả xét nghiệm con gái mình không bị nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, cuộc đời của Thảo như vừa được sinh ra lần thứ hai, chị sống có trách nhiệm với bản thân hơn, và niềm tin vào cuộc sống đã bắt đầu trở lại.
Cán bộ hội năng động, nhiệt tình
Và bây giờ, Thảo là một cán bộ đầu tàu, gương mẫu trong phong trào đấu tranh từng bước đẩy lùi và loại bỏ căn bệnh HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng tại huyện Di Linh. Người có công đưa Thảo vào Hội Phòng chống HIV/AIDS của huyện là chị Lê Thị Hợp, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Di Linh, đồng thời là thư ký của chương trình này. Chị Hợp chia sẻ, cũng như nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS khác, lúc đầu để tiếp cận với Thảo đã là điều rất khó chứ không hi vọng vận động được Thảo tham gia vào hội. Chị Hợp đã phải mất ít nhất 3 lần tìm tới nhà mới gặp được Thảo. Gặp rồi phải phân tích, vận động… Thảo tham gia. Việc thuyết phục làm sao để Thảo dám công khai với mọi người mình bị nhiễm HIV/AIDS và tham gia vào hội để tuyên truyền, vận động mọi người sống lành mạnh, các biện pháp phòng tránh HIV, không xa lánh, phân biệt, kỳ thị những người mắc bệnh... là cả một vấn đề lớn. Nhưng rồi, một điều bất ngờ đã xảy ra, Thảo tự nguyện tham gia vào hội sau khi nhận ra mình phải có trách nhiệm với những người xung quanh và cả chính những người bệnh. Ngày 1/12/2012, nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, chị Trần Thị Thảo đã đứng trước hàng nghìn người của huyện Di Linh đọc diễn văn công khai mình bị nhiễm HIV/AIDS. Chị Lê Thị Hợp cho biết, bài diễn văn của Thảo đã làm lay động tất cả những người có mặt trong lễ mít tinh hôm đó. Sau sự kiện này, dư luận địa phương đã có một cái nhìn đầy nhân ái, cảm thông sâu sắc đối với những người không may mắc bệnh HIV như Thảo. Cũng từ sự kiện ấy, Thảo trở thành một cán bộ năng động tham gia các hoạt động của Hội Phòng chống HIV/AIDS huyện Di Linh và trở thành trưởng hội.
Chị Lê Thị Hợp cho biết, nhờ có sự năng động, tham gia phong trào nhiệt tình của Thảo mà không ít bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS tại huyện Di Linh đã dám ra công khai với mọi người, tự tin ra nhập Hội Phòng chống HIV/AIDS của huyện. Hằng tháng, Thảo đều đặn dẫn đầu những người trong hội đi phát kim tiêm, bao cao su, thuốc ngăn ngừa nhiễm HIV… cho những người bệnh và có khả năng nhiễm bệnh cao. Để mọi người hiểu hơn về căn bệnh HIV/AIDS, Thảo đã cùng với những thành viên trong hội thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của căn bệnh, các con đường lây nhiễm, biện pháp phòng tránh… Nhờ có sự hoạt động nhiệt tình, có trách nhiệm của Hội Phòng chống HIV/AIDS do Thảo làm trưởng hội mà người dân huyện Di Linh đã có cái nhìn thân thiện hơn về những người không may mắc phải căn bệnh thế kỷ này. Cộng đồng đã không còn cái nhìn ác ý, kỳ thị về những người bệnh.
Chị Lê Thị Hợp cho biết, không chỉ là người đầu tàu, gương mẫu trong phong trào đấu tranh từng bước loại bỏ HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng, Thảo còn là một tấm gương sáng trong lao động, sản xuất. Từ một người bệnh với nỗi đau tột cùng, trở về quê nhà với hai bàn tay trắng, đến nay chị Thảo đã có nhà riêng, mua được xe gắn máy, sắm nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống. Và vui hơn thế là nhờ có chị mà hôm nay những người không may bị nhiễm HIV/AIDS tại huyện Di Linh có thêm niềm tin vào cuộc sống và tương lai.
NGÔ KHẮC LỊCH