Cách đây hai năm, việc các cơ sở chế biến cà phê tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt xả nước chế biến cà phê trực tiếp xuống hồ Cam Ly Thượng, gây chết cá hàng loạt, sau khi báo chí phản ánh, các ngành chức năng vào cuộc đã buộc các cơ sở chế biến cà phê vi phạm đền bù thiệt hại cho các hộ hợp đồng mặt nước hồ nuôi cá với Trung tâm Quản lý Đầu tư - Khai thác thủy lợi Lâm Đồng trên 350 triệu đồng.
Cách đây hai năm, việc các cơ sở chế biến cà phê tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt xả nước chế biến cà phê trực tiếp xuống hồ Cam Ly Thượng, gây chết cá hàng loạt, sau khi báo chí phản ánh, các ngành chức năng vào cuộc đã buộc các cơ sở chế biến cà phê vi phạm đền bù thiệt hại cho các hộ hợp đồng mặt nước hồ nuôi cá với Trung tâm Quản lý Đầu tư - Khai thác thủy lợi Lâm Đồng trên 350 triệu đồng.
Tưởng rằng sau vụ đền bù thiệt hại đó, các cơ sở chế biến cà phê ở Tà Nung không còn xả nước trực tiếp xuống hồ Cam Ly Thượng nữa, nhưng không phải thế. Vụ cà phê 2013, tình trạng xả nước chế biến cà phê trực tiếp xuống hồ vẫn tiếp diễn, gây nên nhiều thiệt hại cho người hợp đồng nuôi cá tại hồ và cả những hộ dân trồng cà phê, hoa màu tại các xã Tà Nung, Mê Linh, T.T Nam Ban (Lâm Hà) vốn sử dụng nước hồ để tưới vườn. Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, thôn 3, xã Mê Linh, tháng 9/2012, ông hợp đồng với TT Quản lý Đầu tư - Khai thác thủy lợi Lâm Đồng để nuôi cá trên mặt hồ Cam Ly Thượng, thời hạn 5 năm, với số tiền 50 triệu đồng. Sau khi thuê mặt hồ, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua 4 tạ cá giống con và khoảng 3 tấn cá các loại trắm cỏ, rô phi, mè, các trôi, diêu hồng có kích cỡ 0,3 - 0,8 lượng từ các nơi khác về thả nuôi. Trong lúc cá đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch sản lượng lớn hàng chục tấn vào tháng 4/2014, thì vào tháng niên vụ cà phê từ tháng 9/2013 đến nay, các nhà máy chế biến cà phê nằm dọc hồ Cam Ly Thượng ở xã Tà Nung lại xả nước thải chế biến cà phê xuống hồ, khiến cá chết hàng loạt. Không những thế, nước thải từ các cơ sở chế biến cà phê, sau khi đóng xuống đáy hồ, mỗi khi trở trời, hay khi gió to, động nước lại kết thành từng mảng lớn nổi lên mặt hồ, bốc mùi hôi khắp cả vùng.
Ngoài ra, trên tuyến đường du lịch sinh thái Đà Lạt - Tà Nung - Mê Linh - Nam Ban, người dân và các cơ sở chế biến cà phê ở xã Tà Nung đã đổ vỏ cà phê tươi sau sơ chế ra dọc đường, hoặc tại những điểm tập kết không được với khối lượng hàng ngàn tấn đã gây mùi hôi thối không thể nào chịu nổi. Tình trạng này đã khiến lượng khách nước ngoài vốn yêu thích du lịch, dã ngoại vốn trước đây tham quan các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn Tà Nung, Mê Linh, Nam Ban rất đông, nay cũng ngại đi tour du lịch trên tuyến đường du lịch sinh thái này. Ông Vui, chủ cơ sở du lịch sinh thái “Làng quê Việt Nam” nằm sát chân cầu Mê Linh, có đập tràn của hồ Cam Ly Thượng, tạo nên nhạc từ nước chảy du dương, thơ mộng, nói rằng: Với cảnh quan đẹp như vậy, khi mới khai trương cơ sở, du lịch dã ngoại nước ngoài theo tour từ TP HCM, Nha Trang, Đà Lạt có vào tham quan, thưởng thức cà phê chồn phố núi rất đông, nay vì nguồn nước từ đập tràn hồ Cam Ly Thượng bị ô nhiễm nghiêm trọng bốc mùi hôi thối nồng nặc, nên khách du lịch ngại vào cơ sở. Chủ cơ sở du lịch sinh thái Phượng cũng nói rằng, trước đây du khách vào tham quan, nghỉ ngơi tại cơ sở, thường hay xuống mép hồ để được chứng kiến mặt hồ xanh trong gợn sóng, hoặc câu cá giải trí… nhưng nay vì nước hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nhiều du khách ngại đến tham quan, thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên, hồ nước.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Quang Húy - Chủ tịch UBND xã Tà Nung cho biết: Hiện trên địa bàn xã Tà Nung có 11 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 5 cơ sở chế biến cà phê tươi và 6 cơ sở chế biến cà phê khô, với công suất trên 100 tấn cà phê tươi/ngày. Trong số những cơ sở chế biến cà phê tươi, cơ sở Thúy Thuận có công suất chế biến cao nhất và đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã phối hợp với phòng và Sở TN-MT tiến hành kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở chế biến. Tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện.
Theo chúng tôi, để giải quyết triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các cơ sở chế biến cà phê tại xã Tà Nung gây nên, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp TP Đà Lạt, các ngành chức năng của tỉnh như: Sở KH-CN, Sở TN-MT, Cảnh sát môi trường để có hình thức xử phạt nghiêm minh và có biện pháp khắc phục bài bản, đúng quy trình kỹ thuật, mới chấm dứt được tình trạng: Lợi ích nhỏ gây thiệt hại lợi ích lớn của cộng đồng.
Hoàng Minh Vương