Cần thêm nhiều ngôi trường mới tại Đà Lạt

04:12, 25/12/2013

Trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thành phố Đà Lạt sẽ phải xây thêm nhiều ngôi trường mới để tách các cấp học ra với nhau.

Trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thành phố Đà Lạt sẽ phải xây thêm nhiều ngôi trường mới để tách các cấp học ra với nhau.
 
Là lá cờ đầu của ngành Giáo dục Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt trong năm học 2013-2014 này có 72 trường học của tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT) với trên 49 nghìn học sinh đang theo học tại 1.348 lớp học, tăng 680 học sinh so với năm học trước đó. 
 
Học sinh lớp tiếng Pháp tại Tiểu học Lê Quí Đôn
Học sinh lớp tiếng Pháp tại Tiểu học Lê Quí Đôn
 
Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2013 này, Đà Lạt có 31 trường học đạt chuẩn quốc gia, là đơn vị dẫn đầu của ngành Giáo dục Lâm Đồng về số lượng trường đạt chuẩn trong 12 đơn vị huyện thành của Lâm Đồng. Trong tổng số trường đạt chuẩn trên có 9 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 2 trường THCS (THCS Phan Chu Trinh và THCS Nguyễn Du), 3 trường THPT (gồm THPT Bùi Thị Xuân, THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt và Hermann Gmeiner). Trong học kỳ 1 năm học này, Đà Lạt cũng vừa nâng được 2 trường từ chuẩn mức độ 1 lên chuẩn mức độ 2 là Mầm non Anh Đào và Tiểu học Đoàn Thị Điểm. 
 
Ngoại trừ một số trường được xây mới gần đây, đa số các trường, nhất là ở khu vực trung tâm có cơ sở xây dựng từ rất lâu, qua thời gian sử dụng nay hầu hết xuống cấp. Không ít phòng học xây dựng theo qui cách cũ nên rất chật hẹp, dù được cải tạo nhưng vẫn chắp vá, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh. Cùng đó, là thủ phủ của tỉnh với mức độ đô thị hóa ngày càng cao nên sức ép gia tăng sĩ số lên các trường học cực lớn, nhất là các trường tại trung tâm. Đất đô thị chật hẹp, khó khăn, khó có thể xây mới thêm cơ sở tại các điểm trường này. Trong tổng thể, qui hoạch mạng lưới trường lớp tại Đà Lạt vẫn còn bất hợp lý, đất dự phòng cho giáo dục không nhiều, nhiều trường thiếu quỹ đất theo định mức. Một tồn tại lâu nay khiến một số trường học tại Đà Lạt rất khó đạt chuẩn quốc gia chính là việc duy trì 2 cấp học trong một trường. Cụ thể, có đến 7 trường học vẫn còn cấp THCS và cấp THPT chung nhau, gồm 5 trường trong vùng nội thị là Tây Sơn, Đống Đa, Chi Lăng, Hermann, Phù Đổng và 2 trường vùng ngoại vi là Xuân Trường và Tà Nung. 
 
Mục tiêu của Giáo dục Đà Lạt đưa ra đến năm 2015 phải có ít nhất 60% trường học trên địa bàn (42 trường) đạt chuẩn quốc gia. Trong giai đoạn 2012-2015, thành phố này đưa ra chỉ tiêu có thêm ít nhất 17 trường đạt chuẩn quốc gia. 
 
Với cấp học mầm non, sắp đến Đà Lạt sẽ có thêm một số trường đạt chuẩn sau khi được xây mới hoàn toàn như Mầm non 1, Mầm non Trạm Hành và Mầm non Tà Nung, trong đó 2 trường sau được gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong bậc tiểu học, Đà Lạt đang xem xét điều chỉnh qui hoạch (bổ sung diện tích, mở thêm phân trường hoặc thành lập thêm trường tiểu học mới trên địa bàn) để giảm áp lực sỹ số cho một số trường đông học sinh; phấn đấu xây dựng thêm 2 trường đạt chuẩn mức độ 2 là Tiểu học Nguyễn Trãi và Tiểu học Trần Bình Trọng. Trong cấp học THPT, Đà Lạt sẽ có thêm THPT Trần Phú đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm học 2014-2015.    
 
Nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay của Đà Lạt là phải tách được 2 cấp học THCS và THPT thành các trường riêng biệt. Theo Phòng GD Đà Lạt, từng trường có chung 2 cấp học trên sẽ có những lộ trình cụ thể để tách ra. Cụ thể, với Trường THCS và THPT Tây Sơn, phải đợi khi THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt xây được trường mới tại phường 7 – Đà Lạt bằng vốn của Bộ GD và chuyển về đây thì khối THPT sẽ được tách ra và sử dụng cơ sở của trường Chuyên hiện nay. Với THCS và THPT Chi Lăng, sẽ xây dựng một trường THCS mới để tách khối này thành một trường riêng. Trong trường hợp Trường Hermann Gmeiner với 3 cấp học tại đây gồm tiểu học, THCS và THPT được tổ chức SOS quốc tế chuyển giao cho Việt Nam quản lý, sẽ tách các cấp học này riêng biệt, hình thành tại đây một trường THPT riêng. Với THCS và THPT Đống Đa, đang có phương án chuyển khối THPT về Tiểu học Bạch Đằng nơi đất đai còn rất rộng để xây dựng thành một trường THPT riêng đạt chuẩn, đưa học sinh tiểu học trường này sang các điểm trường khác trên địa bàn. Với THCS và THPT Xuân Trường, thành phố có chủ trương xây mới tại xã này một trường THPT mới hoàn toàn, cơ sở hiện nay trở thành trường THCS. Tại Tà Nung, do qui mô học sinh không lớn ở các cấp học nên vẫn sẽ duy trì trường chung 2 cấp THCS và THPT tại đây. Như vậy sẽ cần xây mới ít nhất 3 ngôi trường nữa cho khối THCS và THPT thì mới tính được chuyện chuẩn hóa các trường học này.
 
Gia Khánh