Đó là câu hỏi của Bác Hồ dành cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị trù bị Đà Lạt trở về Hà Nội. Chiều ngày 13/5/1946, trong bữa cơm Chính phủ đãi anh em phái đoàn, tất cả các bộ trưởng, cố vấn, nhân viên ngồi chung quanh cái bàn dài trang hoàng những cụm hoa đỏ xen vàng.
Đó là câu hỏi của Bác Hồ dành cho phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị trù bị Đà Lạt trở về Hà Nội. Chiều ngày 13/5/1946, trong bữa cơm Chính phủ đãi anh em phái đoàn, tất cả các bộ trưởng, cố vấn, nhân viên ngồi chung quanh cái bàn dài trang hoàng những cụm hoa đỏ xen vàng. Hai cụ Huỳnh Thúc Kháng và Cụ Hồ Chí Minh ngồi giữa. Chuyện trò hàn thuyên, cởi mở, vui vẻ rồi Bác Hồ hỏi các phái viên: "Cảnh Đà Lạt có đẹp không?".
|
Núi đồi Lang Bian - Ảnh: MPK |
Nhà thơ Cù Huy Cận diễn tả rồi khoe cái đẹp thiên nhiên Đà Lạt. Và, tôi Hoàng Xuân Hãn cũng tả cảnh quan đô thị Đà Lạt rất đẹp, đối với những người quen với cảnh đồng bằng, thì cảnh tượng bày ra trước mắt, khi ngồi trong khách sạn trông ra mặt hồ Lớn (Grand Lake), thật vừa xinh, vừa êm, vừa biến thái. Trông gần thì hồ rộng bên đồi cỏ, nhà cửa ẩn nấp trong những lùm cây, trông xa thì những dãy núi cao thấp kéo vòng quanh; thỉnh thoảng màu lục lại xen rừng thông xanh thẳm. Lối đi đất đỏ quanh hồ rồi ngoắt ngoéo trườn lên đồi cỏ lục chung quanh, lắm lúc ngồi mà thu hình ảnh nước non vào thơ mộng. Vào chủ nhật (28/4/1946), phái đoàn ta tổ chức cho anh em đi ô tô thăm thắng cảnh một vòng quanh Đà Lạt. Xe đi tới ấp Hà Đông và Đông Tĩnh thăm thú các nhà vườn trồng hoa, bông, rau... rồi ghé thăm Trường Grand Lycée Yersin, Nhà hỏa xa - Ga Đà Lạt. Tới hồ Than Thở (Lac des soupirs), cây cối hoang sơ vẫn um tùm, thông vẫn xanh, hoa vẫn thắm. Xe chạy qua xóm Robinson, phong cảnh ý nhiên. Về đến chợ. Chợ hồi ấy là phồn thịnh bậc nhất cho đô thị Đà Lạt. Không những thế các viên chức cao cấp Pháp lúc bấy giờ không thể nghỉ hưu ở Pháp mà họ đều lên nghỉ tại Đà Lạt. Nhiều ngôi biệt thự, nhà cửa xây cất nhiều và xây nhiều kiểu dáng đẹp. Bấy giờ có người Pháp hài hước đã gọi Đà Lạt là một "Cimetière des Éléphants" (là Nghĩa địa Voi), vì có tương truyền rằng những con Voi khi về già, ốm thì tới một nơi độc nhất để an dưỡng và nghỉ ngơi tại đó.
Ngay cả anh Võ Nguyên Giáp cũng đã tả cảnh đẹp và không khí ở đây thì mát lạnh như một ngày cuối thu. Đà Lạt là một nơi nghỉ mát, một thành phố du lịch dành cho người Pháp và những người Việt Nam thượng lưu. Khắp nơi đều thấy những biệt thự lớn, nhỏ; những khách sạn; những con đường để dạo chơi ngắm cảnh. Chung quanh thành phố là những đồi thông nối tiếp. Một thành phố quanh đồi xinh đẹp. Phái đoàn ta ở Khách sạn Lang Biang. Khách sạn này nằm trên một đồi nhỏ, ngoảnh mặt xuống một cái hồ rộng yên tĩnh, có những hàng cây bao quanh. Hồ đẹp... Bên kia hồ là núi đồi. Và một buổi chiều, anh đi dạo một lát trên bờ suối Cam Ly. Đường anh đi ngập lá thông rơi. Bên bờ suối, nhiều hoa sim dại. Thành phố yên tĩnh, không khí trong lành, phong cảnh lại đẹp. Đà Lạt thật là một thắng cảnh của đất nước ta. Chỉ muốn đi mãi trên con đường có gió mát và nghe tiếng thông reo. Trời sắp tối, anh quay về khách sạn. Đêm hôm đó (ngày 10/5/1946), sau buổi hội ý trong phái đoàn, anh thức khuya. Nhìn ra cửa sổ trời tối đen. Không còn nhận ra đâu là hồ đâu là núi. Những quả đồi xinh đẹp, những cánh rừng hoang vu của cao nguyên Lang Biang chìm trong bóng đêm. Cuộc chiến đấu của đồng bào ta, của các chiến sĩ du kích trên những mỏm núi cao, những khu rừng rậm nơi xa xa đang tiếp diễn và sẽ còn tiếp tục. Anh Giáp thao thức là đúng. Vì phiên họp sáng nay đã trở thành phiên họp cuối cùng của Hội nghị Đà Lạt. Dù sao cuộc đàm phán này chỉ mới là cuộc đàm phán tại chỗ có tính cách trù bị. Sợi dây liên lạc giữa ta với Pháp chưa hoàn toàn bị cắt đứt.
Bác Hồ lại hỏi tiếp: "Thế các chú có làm thơ không?"
Anh Cù Huy Cận trả lời: "Anh Hoàng Xuân Hãn có làm ạ".
Bác Hồ bảo anh Hãn: "Đọc cho nghe nào".
Rồi Bác Hồ ngoảnh tìm anh. Anh Hãn ngồi khá xa. Vốn không thích đem thơ để tâm sự, nhưng buổi cơm do Chính phủ thiết đãi, có các cụ, các bộ trưởng, có không khí rất gia đình, anh không thể từ chối, anh đứng lên đọc bài Cảm hoài do chính anh sáng tác:
Thông rừng. Hoa suối nhớ ta không?
Lỗi hẹn cùng nhau luống ngại ngùng
Non nước còn vương cơn bối rối
Tâm tình đâu đến lúc thung dung
Chào Hoa luống sợ Hoa cười gượng
Ngắm Núi dường e Núi lạnh lùng
Khúc mừng mong có lúc ca chung.
Cả hội trường vỗ tay hoan hô tán dương. Bác Hồ đề nghị nhà thơ Cù Huy Cận đọc một bài. Anh Cận đứng lên đọc bài thơ Vô đề.
Đà Lạt hoa kia biết nói cười
Tường nam, Tường bắc biết theo ai
Trưởng đoàn, đoan trưởng đều cao cả
Thang một làm sao bắt cả hai.
Đoan trưởng là anh Trịnh Văn Bính, Giám đốc Vụ quan thuế. Trưởng đoàn là anh Nguyễn Tường Tam. Hai người này đều có chiều cao. Thơ chẳng có nghĩa gì, nhưng bạn đồng hành, anh Hoàng Xuân Hãn đã họa lại:
Đà Lạt hoa em mới ngậm cười
Theo làng Khoa, Giáp chứ theo ai
Hòe, Mai vẫy ngọn cao không vói
Tam cấp thang đành bước được hai.
Khoa là kỹ sư Trần Đăng Khoa. Giáp là anh Võ Nguyên Giáp - Phó trưởng phái đoàn. Hòe là anh Phạm Khắc Hòe, trước làm Quản đạo Đà Lạt. Ngày 4/9/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã tiếp chuyện với ông cựu Ngự tiền Văn phòng Đổng Lý của Bảo Đại, từ vùng tạm chiếm lên chiến khu tham gia kháng chiến. Mai là Dương Bạch Mai - người miền Nam tham gia kháng chiến và phái viên dự Hội nghị Đà Lạt. Tam là Nguyễn Tường Tam - Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Hội nghị trù bị Đà Lạt.
Lại tiếng vỗ tay hoan hô reo mừng. Nghe xong Bác Hồ rất vui vẻ rồi hỏi đùa rằng: "Thế thì hoa có biết nói không?". Rồi Bác lại hỏi có ai làm thơ Đà Lạt nữa không.
Không có ai trả lời. Thấy sự im lặng hồi lâu anh Hãn lại lên tiếng, nói vội rằng: Nhân chuyện tranh luận ở Hội nghị Đà Lạt, anh lại nhớ đến bài thơ tết của Bác. Bài thơ khai bút của Bác Hồ sáng tác có đoạn: "Độc lập đầy vơi ba chén rượu. Tự do vàng đỏ một chòm hoa".
Cũng nhân vào dịp mồng Một Tết Bính Tuất (2/2/1946), tết độc lập đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ tặng cho toàn thể đồng bào và nhân dân ta hai câu đối:
"Rượu Hòa bình, hoa Bình đẳng, mừng xuân Độc lập
Bánh Tự do, giò Bác ái, ăn tết Dân quyền".
ĐIỂM HẸN LỊCH SỬ
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Ngay sau khi chiến thắng, tại Khách sạn Palace Đà Lạt (trước đây là Khách sạn Lang Biang), Trung ương Đảng ta đã tổ chức Hội nghị tổng kết "Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng" và Hội nghị tổng kết "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn thể dân tộc ta hoàn toàn giành thắng lợi". Về dự hội nghị có phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu và Tổng Tư lệnh Quân ủy Trung ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Hội nghị tổng kết hai chiến dịch tại Đà Lạt đã khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn thể dân tộc ta đã hoàn toàn giành thắng lợi, đã và đang cổ vũ mạnh mẽ khí thế và tinh thần đấu tranh cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng nghệ thuật quân sự và bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, quyết tâm đưa cách mạng Việt Nam cùng với cách mạng của nhân dân thế giới đến thắng lợi cuối cùng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc hoàn toàn giành thắng lợi trong mùa xuân Ất Mão - 1975. Bằng sứ mệnh vẻ vang của quân và dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã mở ra thời đại mới, thời đại độc lập dân tộc, tự do của nhân dân, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế với thế giới. Điều đáng chú ý là Khách sạn Lang Biang (nay là Khách sạn Palace) Đà Lạt hai lần chứng kiến và là nơi tổ chức hội nghị về nghị sự cứu nước và giữ nước của toàn thể nhân dân Việt Nam ta, đó là lần thứ nhất năm 1946 "Hội nghị trù bị Fontainebaux" của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buộc Chính phủ bảo hộ Pháp thừa nhận nền độc lập, tự do của nước ta, và lần thứ hai vào năm 1975 "Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của dân tộc ta hoàn toàn giành thắng lợi.
TRUNG DŨNG (ST)